4 năm thăng trầm của Phố Wall dưới thời Trump
Đà hồi phục của nền kinh tế, sau đó là cuộc chiến thương mại và cuối cùng là dịch bệnh Covid-19. 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump là một giai đoạn diễn biến hoàn toàn khác biệt của thị trường chứng khoán Mỹ so với khoảng thời gian trước đó.
Chỉ vài giờ sau chiến thắng đầy bất ngờ của Donald Trump vào ngày 8/11/2016, những đồn đoán về khoản cắt giảm thuế khổng lồ và quá trình “tự do hoá” thị trường tài chính đã châm ngòi cho một sự bủng nổ trên thị trường chứng khoán với chỉ số S&P 500 tăng 5% chỉ trong vòng 1 tháng.
Phố Wall tiếp tục đà tăng cho dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang nổ ra hết sức quyết liệt, bên cạnh đó là sự nghi ngại đến từ những nhà đầu tư, giúp thị trường này liên tục phá những kỷ lục về giá trị, trước khi rơi vào thời kỳ suy thoái “có một không hai” trong lịch sử gây ra bởi đại dịch Covid-19 - cơn khủng hoảng không chỉ của nước Mỹ nói riêng mà còn của toàn thế giới nói chung.
Diễn biến S&P 500 kể từ khi Trump nhậm chức. |
Vị tổng thống đảng Cộng hoà nhận được rất nhiều sự tin tưởng khi liên tục xuất hiện những dấu hiệu khả quan của thị trường, ông đăng tới hơn 150 dòng tweet về thị trường chứng khoán kể từ khi đắc cử, thường vào thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm.
|
Kích thước dấu chấm thể hiện số lần Trump nhắc đến Phố Wall trên Twitter còn vị trí dấu chấm thể hiện giá trị của S&P 500 tại cuối tháng tương ứng. |
Cho dù xuất hiện những dấu hiệu bất ổn trong khoảng thời gian gần đây, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng mạnh trong nhiệm kỳ của Trump, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 50% kể từ cuộc bầu cử tháng 11/2016, cao hơn giai đoạn 4 năm nhiệm kỳ đầu của Barack Obama từ năm 2008.
Lĩnh vực công nghệ tăng trưởng hơn 150% kể từ ngày 8/11/2016 và là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong cùng giai đoạn đó, trong khi lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực rất được ông Trump quan tâm, lại giảm hơn một nửa giá trị. Trong vòng 4 năm sau chiến thắng của Obama vào năm 2008, lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng 103%, trong khi lĩnh vực tài chính giảm 2%.
|
Diễn biến của 11 lĩnh vực chính trong S&P 500 dưới thời nhiệm kỳ đầu của Trump và Obama. |
Đà tăng trưởng của chỉ số S&P 500 kể từ chiến thắng của Trump vào năm 2016 cũng vượt lên trên ngưỡng bình quân của các tổng thống trong giai đoạn thập kỷ 80 của thế kỉ trước. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1980, dưới thời tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton, trong khi diễn biến xấu nhất của thị trường diễn ra vào thời tổng thống đảng Cộng hoà George W. Bush.
Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong 4 thập kỷ qua không phản ánh rõ những ưu thế từ các tổng thống đảng Cộng hoà so với những người đồng nhiệm đến từ đảng Dân chủ.
|
Diễn biến của S&P 500 qua các thời tổng thống Mỹ. |
Trong khi nhiệm kỳ tổng thống của Trump là một quãng thời gian không hề dễ dàng với các nhà đầu tư, những nhiệm kỳ tổng thống khác thậm chí còn đem lại những sự bất định nhiều hơn. Sự bất ổn trên thị trường chứng khoán kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước lên cao đến mức kỷ lục trong giai đoạn 4 năm sau khi Obama đắc cử, trước khi có dấu hiệu hạ nhiệt trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Thị trường chứng khoán đã có những bước tăng trưởng dưới thời ông Trump.
Đối với những người kỳ vọng về những bước tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, việc Trump tái đắc cử là kết quả là họ mong muốn. Chỉ số S&P 500 kể từ năm 1950 bình quân đã tăng 9,6% trong năm đầu sau khi một tổng thống tái đắc cử, so với mức tăng trưởng 4,8% của một tổng thống hoàn toàn mới, theo LPL Financial.
Diễn biến của chỉ số S&P 500 hoàn toàn có thể dự báo kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.
Quay trở lại năm 1944, các vị tổng thống ở nhiệm kỳ thứ 2, hoặc các tổng thống mới đến từ đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ trước, đạt tỷ lệ thắng trong các cuộc bầu cử tới 82% khi chỉ số S&P 500 có những dấu hiện tích cực trong khoảng thời gian 3 tháng trước ngày bầu cử, theo Sam Stovall, nhà chiến lược đầu tư trưởng tại CFRA tại New York. Chỉ số S&P 500 chỉ tăng ít hơn 1% kể từ ngày 31/7, qua đó có thể nói những thống kê lịch sử kể trên không hề ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử lần này.
Tuy nhiên, với dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn cộng với đó là những bàn luận về việc giảm nhẹ tác hại của dịch bệnh trên khắp Phố Wall, chỉ số S&P 500 gần đây có thể không phản ánh chính xác quan điểm của các nhà đầu tư về kết quả của kỳ bầu cử sắp tới. Chỉ số S&P 500 đã sụt giảm 3% trong ngày 28/10, với việc các nhà đầu tư đổ lỗi cho sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới.
“Nếu như sự tập trung của thị trường là sự phục hồi sau dịch bệnh, thì đó chính là sự ưu tiên số một thay vì việc đảm bảo tiếp tục duy trì chính quyền hiện tại trong nhiệm kì mới”, Stovall chia sẻ.
|
Biến động thị trường dưới các thời tổng thống Mỹ. |
Người đồng hành/Reuters