MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 thách thức đe dọa tương lai của châu Âu sau bầu cử Nghị viện

30-05-2019 - 08:54 AM | Tài chính quốc tế

Dù kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu như thế nào, sứ mệnh đối với các nhà lãnh đạo mới tại EU là như nhau. Nếu họ thất bại, tương lai châu Âu sẽ trở nên bất định khó lường.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua bị bao phủ bởi gánh nặng tương lai tồn tại của liên minh này trước chủ nghĩa dân túy lên cao và vấn đề Brexit đang rơi vào bế tắc. Các nguy cơ đổ vỡ của EU thậm chí đã được đề cập trong nhiều tháng qua. Và cách thức tổ chức hoạt động của Liên minh cần phải được điều chỉnh như thế nào cũng là câu hỏi được đưa ra nhiều ở thảo luận trên nghị trường.

Bây giờ đây, cuộc bầu cử cũng đã đến và hơn 500 triệu cư dân của 28 quốc gia thành viên EU cần phải hết sức trách nhiệm và cẩn trọng để tập trung giải quyết các vấn đề phía trước. Có 4 thách thức lớn đang chờ đợi ban lãnh đạo mới của EU.

Thách thức suy thoái kinh tế

Một thập kỷ sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử đã khiến nền kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của khu vực chỉ ở mức 1,5%/năm. Trong suốt thập kỷ qua, đã có một vài thời điểm tình trạng tồi tệ trở nên cục bộ. Mức nợ công tăng nhanh trong khi kinh tế không thể tăng trưởng bất chấp Ngân hàng trung ương châu Âu đã đưa ra những biện pháp kích thích mạnh mẽ.

Không giống như cuộc khủng hoảng của 10 năm trước, thiệt hại gây ra bởi những bất ổn từ suy thoái kinh tế sẽ không chỉ tập trung ở vài nước miền nam châu Âu, mà nó chắc chắn sẽ gây tổn thương toàn bộ khu vực đồng Euro, bao gồm cả nước Đức – đầu tàu kinh tế khu vực. Nhiều học giả thậm chí còn lo ngại ảnh hưởng của suy thoái kinh tế châu Âu tới niềm tin của các thành viên có thể đe dọa sự tồn tại của liên minh.

Sau khi cuộc khủng hoảng đi qua, nhiều người nghĩ rằng 10 năm là đủ để thực hiện các cải cách thích đáng vực dậy kinh tế khu vực EU. Nhưng các sáng kiến hiếm hoi, như thành lập một liên minh ngân hàng hay thống nhất toàn diện châu Âu thành một thị trường chung, đã không được thảo luận một cách thực sự nghiêm túc và hữu ích. Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ tập trung vào các vấn đề bên lề, thay vì nhìn thẳng vào sự suy thoái đang bắt rễ vào cốt lõi nền kinh tế châu Âu, đó là đồng tiền chung Euro và hay quyền lực giữa các chính phủ thành viên.

Để níu kéo chút hy vọng, Nghị viện châu Âu phải phải khẩn trương làm những gì cần thiết để củng cố cho liên minh. Nhưng muốn tìm ra được giải pháp thích hợp, động lực phải đến từ các thành viên lớn nhất và có ảnh hưởng nhất, đặc biệt là Đức và Pháp.

Sự phá vỡ nền dân chủ tự do

Đây là thách thức cốt lõi thứ hai chờ đợi Nghị viện mới tìm cách giải quyết. Vấn đề này càng khó khăn hơn nhiều khi đây không chỉ là một hiện tượng cục bộ tại châu Âu, mà đang lan rộng trên toàn thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Sự ủng hộ ngày càng tăng đối với chủ nghĩa dân túy khắp thế giới, thúc đẩy bởi sự phẫn nộ và đổ lỗi của người dân cho các thất bại từ giới điều hành dẫn tới những cuộc khủng hoảng để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đến nay, những nỗ lực chống lại những người theo chủ nghĩa dân túy đã bị đàn áp mạnh mẽ về mặt tinh thần và đôi khi cho thấy những nỗ lực đó là sai lầm. Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte, hay Tổng thống pháp Emmanuel Macron đều đắc cử nhờ sự chán nản của dân chúng đối với những hệ thống đã lỗi thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù đã nỗ lực nhưng các chính sách của họ ít mang lại kết quả thực tế.

Để chống lại xu hướng dân túy và đưa các nguyên tắc dân chủ tự do phát huy đúng vai trò của nó, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như các nước thành viên phải làm tốt hơn việc kết nối các công dân trong khu vực. Một cách tiếp cận mới, với quan điểm rộng hơn, nhiều sắc thái hơn và ý chí chính trị mạnh mẽ hơn, sẽ có tác dụng tốt. Tất nhiên, để nhận được sự đồng thuận trong dân chúng châu Âu, kế hoạch phục hồi tương lai châu Âu phải thực sự mạch lạc và khả thi.

Vấn đề tự do trong các chính phủ

Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các chính phủ mà cho phép quyền tự do ngôn luận tại nước mình với các chính phủ kiểm soát chặt chẽ các lực lượng tự do. Trong năm qua, một vài sự kiện như vậy đã phát triển thành vấn đề nghiêm trọng. Hungary và Ba Lan đã đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, tấn công các tổ chức phi chính phủ và phá hoại nền tư pháp độc lập. Việc này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo EU thực hiện bước đi chưa từng có trong lịch sử, đó là việc kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon về trừng phạt Ba Lan và Hungary vì đã làm xói mòn nền dân chủ và không tuân thủ các quy tắc cơ bản của EU.

Nhưng mặc dù đa số trong Nghị viện châu Âu ủng hộ các biện pháp trừng phạt này thì sự hỗ trợ cũng không được nhiệt tình, khiến cho quá trình EU thi hành khoản phạt không mang lại nhiều kết quả.

Điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức sau Brexit

Thách thức cuối cùng mà EU phải đối mặt là vấn đề cơ cấu tổ chức. Brexit – bất kể kết quả đàm phán sau cùng ra sao – đều sẽ định hình lại sâu sắc cục diện EU. Đây là vấn đề giữa chính phủ các nước thành viên với nhau, bởi vị thế của các nước trong khu vực là hoàn toàn khác nhau. Để duy trì liên minh, các thành viên chủ chốt cần phải thừa nhận và đề cao vai trò của các nước nhỏ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đến nay dường như đã hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết vấn đề Brexit, chứ chưa nói tới việc cơ cấu lại EU sau này. Tại cuộc khảo sát gần đây được YouGov và Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu thực hiện, có 11 trên 14 quốc gia được khảo sát dự đoán EU sẽ sụp đổ sau 10 hoặc 20 năm tới . Đối với một liên minh là biểu tượng của khu vực hợp tác và phát triển trên thế giới như EU, thì sự sụp đổ này là một kết cục vô cùng tàn khốc.

Bởi thế, dù kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu như thế nào, sứ mệnh đối với lãnh đạo mới tại EU là như nhau. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải tập trung toàn bộ năng lực để nâng cấp và củng cố niềm tin của toàn bộ cư dân các nước thành viên, cùng với thực hiện những động thái thực tế và hữu ích nhất trong việc cơ cấu lại tổ chức của liên minh. Nếu họ thất bại, tương lai châu Âu trở nên thật khó lường.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên