4 thách thức khổng lồ đe dọa nước Nhật
Nhật Bản là nền kinh tế phát triển nặng nợ nhất thế giới, với nợ Chính phủ lớn gấp đôi GDP.
- 24-10-2017Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Trở lại đỉnh vinh quang từ vũng lầy, làm nên lịch sử sau khi mất tất cả
- 22-10-2017Chiến thắng vang dội, Thủ tướng Abe đi vào lịch sử chính trường Nhật Bản
- 20-10-2017Dính bê bối, Nissan tuyên bố dừng sản xuất ô tô tại Nhật
- 14-10-2017“Sao đổi ngôi” trên thị trường chứng khoán Nhật hai thập kỷ qua
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đúng khi đặt cược rằng nền kinh tế Nhật đang ở trong trạng thái đủ tốt để giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/10 vừa qua. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào bức tranh thì ai cũng có thể nhận thấy những gì ông làm là chưa đủ để có thể biến những lời hứa về sự hồi phục của nền kinh tế mà ông đã đưa ra từ gần 5 năm trước.
Thông qua Abenomics – bộ các giải pháp gồm chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp tái cấu trúc, ông Abe đang cố gắng đảo ngược tình trạng tăng trưởng gần như bằng 0 và lạm phát đình đốn đã kéo dài suốt 2 thập kỷ ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Đã có một vài dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật Bản đạt được một vài bước tiến nhất định: vài quý gần đây tốc độ tăng trưởng đã được cải thiện trong khi niềm tin kinh doanh ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức dễ khiến người ta nản lòng và ông Abe cũng đang chật vật giải quyết chúng.
Núi nợ khổng lồ
Nhật Bản là nền kinh tế phát triển nặng nợ nhất thế giới, với nợ Chính phủ lớn gấp đôi GDP. Chính phủ nước này phải huy động tiền để giảm số nợ này xuống, nhưng Nhật Bản cũng cần rất nhiều tiền mặt để chi cho an sinh xã hội, chăm sóc cho dân số đang già hóa rất nhanh.
Quan điểm của ông Abe là Nhật Bản sẽ có thể giảm nợ dễ dàng hơn nếu thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và từ đó tăng nguồn doanh thu thuế. Theo giáo sư Stephen Nagy tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế (Tokyo), quan điểm của Nhật Bản là “trong ngắn và trung hạn, tăng trưởng kinh tế sẽ quan trọng hơn so với việc giải quyết các vấn đề về tài khóa”.
Ông Abe sẽ phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn. Năm 2014, chính sách tăng thuế doanh thu được đưa ra với mục đích tăng thu ngân sách nhưng cuối cùng lại khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và làm mất lòng dân chúng. Năm ngoái Nhật Bản đã phải trì hoãn một kế hoạch tăng thuế tương tự.
Tuy nhiên, chủ nợ lớn nhất của nước này là NHTW Nhật Bản (BoJ) và các bộ phận khác trong Chính phủ chứ không phải các chủ nợ nước ngoài như nhiều nước khác.
Giảm phát - Cơn ác mộng dai dẳng
Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện ở mức thấp, thậm chí có thể khiến một số nền kinh tế lớn khác phải ghen tị (ví dụ như Pháp). Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài.
Tốc độ tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản rất chậm, khiến người dân không hào hứng chi tiêu, dẫn đến lạm phát không thể tăng và hiện còn cách rất xa so với mức mục tiêu 2% mà NHTW Nhật Bản đề ra dù nước này đã áp dụng những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ lớn chưa từng thấy.
Giảm phát đem lại những tin xấu cho nền kinh tế. Người tiêu dùng không chi tiêu trong khi các công ty không thể tăng lợi nhuận và do đó không có nguồn lực để đầu tư vào sản phẩm mới hoặc tăng lương cho người lao động, cuối cùng tạo ra 1 vòng luẩn quẩn.
Theo như nhận định của chuyên gia kinh tế Marcel Thielient của Capital Economics, rất khó để thay đổi lối suy nghĩ của các hộ gia đình.
Một loạt bê bối đe dọa Japan Inc
Trong vài năm trở lại đây, ở Nhật Bản liên tiếp nổ ra những vụ bê bối lớn tại các doanh nghiệp hàng đầu. Cách đây ít ngày, tập đoàn thép hàng đầu nước Nhật Kobe Steel thừa nhận đã làm giả số liệu về các sản phẩm mà hãng cung cấp cho nhiều tập đoàn nổi tiếng như Toyota hay Boeing. Trong khi đó Nissan tuyên bố ngừng sản xuất ô tô cho thị trường nội địa vì các vấn đề liên quan đến quy trình kiểm tra an toàn.
Trước đó là bê bối chất lượng ở hãng sản xuất túi khí Takata, những sai phạm về kế toán của tập đoàn điện tử Toshiba hay Mitsubishi Motors làm giả dữ liệu về tiết kiệm nhiên liệu và bê bối gian lận tham nhũng ở hãng máy ảnh Olympus.
Theo giáo sư Thomas Clarke của UTS Business School (Sydney, Úc), những bê bối này làm dấy lên lo ngại rằng khả năng cạnh tranh và tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp Nhật đang đi xuống.
Môi trường kinh doanh kém năng động
Kể từ khi ông Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đã giảm từ vị trí thứ 14 xuống 26 trong nhóm các nước thuộc OECD trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do World Bank thống kê. Nguyên nhân lớn nhất là do nhiều doanh nghiệp than phiền họ phải đối mặt với tình trạng tham nhũng.
Theo Capital Economics, năng suất của người lao động Nhật Bản thấp hơn 1/3 so với lao động Mỹ. Và lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật rất khiêm tốn so với tại các nước phát triển khác.
Chuyên gia kinh tế Marcel Thielient cho rằng Chính phủ của ông Abe cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn nền kinh tế hụt hơi trong vài năm nữa.
Một trong những cách mà Abe đang cố gắng thực hiện để cải thiện tình hình là khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động. Tuy nhiên kết quả thu được rất hạn chế.
Tăng lượng lao động nhập cư cũng là 1 giải pháp, nhưng hơn 1/4 dân số Nhật Bản hiện đã trên 65 tuổi và tình hình già hóa dân số được dự báo là sẽ trở nên trầm trọng hơn.