MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, dịch vẫn bùng lên ở Chile và đây là lý do

19-04-2021 - 15:36 PM | Tài chính quốc tế

40% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, dịch vẫn bùng lên ở Chile và đây là lý do

Nằm trong hàng ngũ hiếm hoi các nước tiêm vắc xin cho phân nửa dân số, Chile đang thu hút sự chú ý cả cả thế giới khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến.

Theo thống kê từ Our World in Data, gần 40% tổng dân số ở quốc gia Nam Mỹ này được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19. Đây là tỷ lệ tiêm chủng cao bậc nhất thế giới, chỉ thấp hơn một chút so với ở Israel và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Chile đã tăng mạnh, bất chấp việc nhanh chóng triển khai vắc xin và từng rất nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số ca mắc mới hàng ngày ở Chile đạt kỷ lục hôm 9/4 khi có tới 9.000 người được ghi nhận dương tính với virus. Ở đỉnh dịch vào mùa hè năm ngoái, con số này chỉ là 7.000.

Điều gì đã xảy ra với Chile?

Các chuyên gia y tế cho rằng số ca mắc Covid-19 mới ở Chila là do các chủng virus biến đổi, làm chúng trở nên nguy hại hơn. Bên cạnh đó, việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng và bỏ qua các biện pháp phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách và đeo khẩu trang là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn.

Sau chuỗi thời gian đóng cửa từ tháng 3 đến tháng 11/2020 nhằm chống dịch, quốc gia này đã mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào cuối năm ngoái. Các cửa hàng, nhà hàng và một số khu nghỉ mát đã được mở cửa trở lại nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang vật lộn phục hồi từ đại dịch.

40% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, dịch vẫn bùng lên ở Chile và đây là lý do - Ảnh 1.

Dù có tỷ lệ tiêm chủng rất cao nhưng các biến thể virus mới khiến tính hiệu quả của vắc xin giảm sút. Ngoài ra, cũng có những câu hỏi về khả năng của vắc xin CoronaVac mà Chile sử dụng. Đây là loại vắc xin do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

Tình hình ở Chile diễn ra trong bối cảnh người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói rằng nước này có thể phải thay thế vắc xin hoặc thay đổi cách sử dụng chúng để đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, sau đó ông này đã đính chính rằng những vắc xin có hiệu quả kém mới bị thay thế.

Dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối với vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, mỗi nước lại đưa ra những số liệu khác nhau về khả năng của CoronaVac. Brazil nói rằng chúng chỉ có hiệu quả hơn 50% một chút, thấp hơn đáng kể so với các loại vắc xin của phương Tây. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại nói rằng chúng hiệu quả lên tới 83,5%.

Một nghiên cứu được Đại học Chile công bố đầu tháng này cho thấy CoronaVac chỉ có hiệu quả 56,6% trong 2 tuần sau khi liều thứ 2 được sử dụng. Trong khi đó, việc tiêu một liều chỉ mang lại hiệu quả phòng ngừa là 3%.

"Điều này sẽ giúp giải thích vì sao Chile, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhất thế giới lại gia tăng đáng kể số ca mắc, nhập viện và tử vong. 93% vắc xin của quốc gia này có nguồn gốc từ Trung Quốc", Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho biết.

Theo ông Bremmer, cả Chile và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đều đang xem xét triển khai tiêm liều thứ 3 như một mũi nhắc lại của liều thứ 2 để gia tăng hiệu quả phòng bệnh. Ông Bremmer cũng cảnh báo những điều này sẽ làm gia tăng sự do dự đối với vắc xin chống Covid-19 mà Trung Quốc phát triển.

Cần một chiến lược toàn diện

Carissa Etienne, Giám đốc của Tổ chức Y tế Pan American (PAHO) – văn phòng khu vực của WHO ở châu Mỹ, nói rằng vắc xin sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng Covid-19 ở đây. "Đơn giản là chúng ta không có đủ vắc xin để bảo vệ tất cả mọi người ở những quốc gia có nguy cơ cao nhất", bà Etienne cho biết.

Chính vị vậy, bà Etienne thúc giục các nhà hoạch định chính sách trong khu vực thực hiện "chiến lược toàn diện" để đẩy nhanh việc triển khai vắc xin cho toàn bộ các nước và ngăn chặn lan truyền bằng cách sử dụng các biện pháp đã được khuyến cáo và chứng minh hiệu quả.

40% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, dịch vẫn bùng lên ở Chile và đây là lý do - Ảnh 2.

Vào ngày 14/4, châu Mỹ ghi nhận 1,3 triệu ca Covid-19 mới và gần 36.000 người chết trong tuần qua. Đến nay, châu Mỹ ghi nhận 58,8 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Đây cũng là khư vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh.

"Chúng tôi không hành động như thể khu vực này đang phải trải qua một đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ", bà Etienne bày tỏ sự lo ngại khi mô tả Nam Mỹ là "tâm chấn" của đại dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại.

Ngoài việc một số khu vực nới lỏng các hạn chế chống Covid-19, những biến thể mới có khả năng lây truyền mạnh đã khiến số ca bệnh tăng nhanh. Hiện tại, Brazil, Colombia, Venezuela, Peru và một số khu vực của Bolivia đang đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới.

Trong khi đó, các khu vực khác như Paraguay, Uruguay, Argentina và Chile cũng đang có số ca mắc Covid-19 gia tăng. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng đại dịch Covid-19 có thể vẫn là nỗi ám ảnh ở nhiều nơi trên thế giới trong năm 2021, thậm chí là cả những năm tiếp theo.

Thực tế, người ta lo ngại gánh nặng Covid-19 sẽ bị đẩy sang vai các nước nghèo, nhất là khi vài nước giàu nắm giữ phần lớn lượng vắc xin toàn cầu. Tình trạng phân hóa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nước giàu tiến tới miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên