4.000 tỷ đồng giải cứu sông Nhuệ: Liệu có khả thi?
Những năm qua TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra các dự án cải tạo chất lượng nước các dòng sông “chết”. Dù vậy, Hà Nội vẫn lúng túng trong việc lựa chọn giải pháp và chưa có một quy hoạch, kế hoạch thực hiện rõ ràng.
- 15-10-2023Chủ tịch TPHCM: Quận 1 phải là địa bàn đầu tiên phát triển đột phá về không gian ngầm, kinh tế đêm
- 15-10-2023Ngành công nghiệp tỷ USD đang rộng cửa, Việt Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội vàng
- 15-10-2023Tàu cao tốc Trung Quốc, Nhật Bản chạy gần 350 km/h: Tương lai đường sắt tốc độ cao của Việt Nam chạy 250km/h?
Mới đây, dự án làm sạch con sông Nhuệ vốn ô nhiễm nghiêm trọng bằng nguồn nước sông Hồng lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, phía chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Các hạng mục gồm: trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý. Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội. Sau khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, cụm công trình sẽ đảm nhiệm việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng cho 9.200 ha của các huyện: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức với lưu lượng 170 m3/s. Khoảng 140 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án, trong đó phường Thụy Phương 130 hộ và 10 hộ thuộc phường Liên Mạc. Dự kiến những hộ dân trên được bố trí nhà tái định cư tại dự án Ecohome 3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.
Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến được triển khai trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi nên mục tiêu hàng đầu không phải là xử lý làm sạch nước sông Nhuệ mà để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp kết hợp tiêu thoát nước đô thị, là một bước góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nông thôn và đô thị cho thành phố. Dự án vừa có tính chất là công trình phòng chống lụt bão để chủ động với biến đổi khí hậu, vừa có vai trò cải thiện môi trường, mang lại lợi ích về mặt kinh tế xã hội.
Trước thông tin trên, người dân sống gần khu vực sông Nhuệ rất mừng vì đã phải sống chung với môi trường ô nhiễm suốt nhiều năm qua. Theo bà Yến, phố Thanh Bình (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), gia đình bà phải hít thở mùi hôi thối bởi đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực này rất ô nhiễm. Đứng từ bờ sông có thể thấy rất rõ những vệt đen dài và cả bọt trắng, rác thải. Bởi vậy nếu được bơm nước vào thường xuyên hy vọng sẽ đẩy bớt ô nhiễm, làm nước sông trong và không còn mùi nữa. “Sông Nhuệ chảy qua nhiều khu vực đô thị được xây dựng rất đẹp của quận Hà Đông, nếu nước sông được cải thiện thì các đô thị mới có thể văn minh và hiện đại", bà Yến kỳ vọng.
Như vậy, với mong muốn từ người dân, công việc làm sạch nước sông Nhuệ phải được ưu tiên trước hết. Tuy nhiên, từ góc độ chuyên môn, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam băn khoăn, lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ tưởng là dễ nhưng không dễ chút nào. Theo nghiên cứu, đáy sông Hồng đã tụt xuống từ 2-6m. Lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ để làm sạch ô nhiễm có thể thực hiện được nhưng lấy ở thời gian nào, đoạn nào vì hiện nay chúng ta phát triển hệ thống công trình trên hệ thống trên sông Hồng là rất lớn, cả ở phía Trung Quốc và Việt Nam. Nước sông Hồng đang có dấu hiệu ít dần. Để đảm bảo một con sông sạch, mỗi ngày cần cả triệu m3. Nếu dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông. Hơn nữa, nước sông Nhuệ có nhiều hóa chất, kim loại nặng. Để pha loãng nước ô nhiễm thì phải có tỷ lệ cụ thể. Nếu chưa có đánh giá được trữ lượng nước của sông Nhuệ, nồng độ ô nhiễm thì khi thau rửa có khi lại làm vùng hạ lưu, cửa biển ô nhiễm nặng hơn.
Giới chuyên gia cũng kiến nghị, để xử lý ô nhiễm phải quản lý tốt khâu xử lý nước thải từ đầu nguồn. Như vậy, thành phố cần thu gom nước thải hai bên bờ sông do sinh hoạt sản xuất thải ra. Đồng thời, xử lý chặt đứt nguồn thải để không còn nước thải không đạt tiêu chuẩn đổ ra sông Nhuệ. Thành phố cũng cần tiến hành nạo vét sông Nhuệ. Những chất bẩn, bùn bẩn thì được mang đi xử lý đúng quy định. Nếu không xử lý được vấn đề này, thì việc dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ chẳng khác gì việc vận chuyển cục bộ ô nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác. Do đó, rất cần sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà xã hội học, môi trường.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố mới nhất, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có 7 điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.
Đại đoàn kết