MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

41.000 tỷ đồng vốn ODA vẫn chờ giải ngân

Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 29/10, tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam năm 2020 vẫn rất chậm. Trên cơ sở đó, Thủ tướng kiên quyết chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng vốn vay nước ngoài năm 2020 vào khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho các địa phương vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Thế nhưng 10 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 30%, vẫn còn gần 70% (tương đương 41.000 tỷ đồng) nằm im tại chỗ. Phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp.

Đặc biệt, ước tính 10 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã thực hiện giải ngân 44,8%. Đồng thời, Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả của nhiều địa phương trong việc giải ngân, như Tây Ninh có mức độ giải ngân lên đến 91,74%, theo sau là Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%)…

Trước đó, Thủ tướng khẳng định, ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước khó khăn, vừa phải khắc phục hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với hàng loạt cơn bão liên tiếp với sức tàn phá khủng khiếp. Thực trạng này đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi ngân sách Nhà nước lại không thể đáp ứng đủ.

Quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: "Không thể chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn. Đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay". Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải trả lời được câu hỏi: "Tại sao Chính phủ đã liên tục đôn đốc nhưng tốc độ giải ngân vốn ODA vẫn chậm?".

Theo Bộ KH&ĐT cũng như nhiều ý kiến tại hội nghị, việc giải ngân vốn ODA thấp có thể giải thích bằng một số lý do. 

Lý giải về việc giải ngân vốn ODA thấp, Bộ KH&ĐT cho biết, hầu hết các hoạt động của dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát nên chịu tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều dự án do chuẩn bị không kỹ, áp dụng công nghệ nhanh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch và tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như địa phương giải phóng mặt bằng chậm, giải quyết thủ tục triển khai dự án chậm trễ, không chuẩn bị vốn đối ứng phù hợp…

Từ những nguyên nhân đã chỉ ra, trong hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt vào cuộc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA 2 tháng cuối năm. Trong đó, "cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA". Sau cuộc họp, từng bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn trong từng dự án. Thủ tướng cũng cho biết sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành liên quan nhằm đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ vai trò quan trọng của lãnh đạo các cấp, yêu cầu phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc. Thủ tướng tin rằng, qua hội nghi sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc giải ngân vốn ODA, nhờ đó cải thiện đời sống nhân dân, phát triển đất nước.

Hoài Thương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên