450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”
“Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay”...
- 24-10-201610 triệu tỷ tái cơ cấu kinh tế: Tiền đâu lắm thế?
- 24-10-2016Tái cơ cấu nền kinh tế không phải ở việc huy động nguồn lực
- 23-10-2016Lấy đâu 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?
Trình Quốc hội kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế, tương đương khoảng 450 tỷ USD.
Trao đổi với chúng tôi về đề án này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay của Chính phủ, với các bước đi và hành động rất cụ thể.
Ông Hưng nói:
- Tôi đọc báo gần đây thấy giật tít cần 10,5 triệu tỷ đồng hay 450 tỷ USD để tái cơ cấu nền kinh tế, với những bình luận rôm rả trên trang Facebook cá nhân của tôi, có phần đầy hoài nghi rằng, tiền lấy đâu ra nhiều thế?
Nhưng một chuyên gia kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam nói với tôi: “Đây là đề án có bước đột phá mang tính khả thi cao nhất mà Chính phủ đã đưa ra”.
Theo tôi, đây là đề án phân định rõ Nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4% GDP, lạm phát khoảng 3,5% và dùng mô hình kinh tế để lượng hoá tác động.
Nhà nước không tập trung vào huy động nguồn lực - tức là giảm thiểu vai trò đầu tư kinh doanh của Nhà nước - mà tập trung vào chính sách để gián tiếp phân bổ nguồn lực, khu vực tư nhân sẽ là lực lượng quan trọng của quá trình tái cơ cấu.
Trong các giải pháp đáng lưu ý, có ưu tiên phát triển thị trường tài chính, xử lý nợ xấu, thí điểm phá sản ngân hàng, phát triển thị trường mua bán nợ và áp dụng Basel 2 cho các tổ chức tín dụng.
Phương án xem xét thí điểm cho phá sản ngân hàng thực chất không khác nhiều so với mua 0 đồng, vì trên nguyên tắc thì cả hai phương án đều đảm bảo không gây thiệt hại cho người gửi tiền, khác biệt duy nhất là gắn trách nhiệm của các chủ ngân hàng bị phá sản với các khoản tín dụng liên quan và nợ xấu.
Có đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường đất đai, bất động sản, tuy nhiên chưa đặt vấn đề đánh thuế sở hữu bất động sản, nếu đánh thuế sẽ ngăn được việc đầu cơ tăng giá - là một trong các nguyên nhân chủ yếu của lạm phát và nợ xấu.
Đề án cũng thống nhất quản lý Nhà nước về kinh tế, từ Quốc hội ra nghị quyết đến các chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng các chỉ số để giám sát.
Cần lưu ý, con số 450 tỷ USD hay 10,5 triệu tỷ là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm mà Nhà nước phần lớn tập trung chính sách gián tiếp phân bổ tăng hiệu quả sử dụng của các thành phần kinh tế, chứ không phải nguồn vốn Nhà nước huy động.
Với riêng thị trường chứng khoán, để thị trường này để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng hơn nữa, trở thành nơi đầu tư trung và dài hạn, thì nhà đầu tư cũng phải có tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng để làm việc đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch.
Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay, với các bước đi và hành động rất cụ thể mà Chính phủ đã đưa ra.
Có thiếu chăng, là thiếu công đoạn truyền thông chính sách, để mọi người có thể hiểu và không tranh luận tiêu cực.
VnEconomy