MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo

26-11-2021 - 21:07 PM | Sống

5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo

Kế hoạch tài chính được xem là một trong những cách thức tích lũy tài sản hiệu quả để một người trở nên giàu có và cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy vậy, nói thì dễ đấy, đến khi bắt tay vào thực hiện lại là một vấn đề khác.

Nhiều người trẻ tuổi thường băn khoăn với câu hỏi: Làm sao để trở nên giàu có hơn? Làm sao để tiết kiệm đủ tiền mua nhà, mua xe?

Chúng ta thường thấy rằng, nhiều người đi làm cả năm trời vất vả nhưng đến cuối cùng họ cũng chẳng có chút tiền tiết kiệm nào. Nguyên nhân là bởi họ không có một kế hoạch tài chính phù hợp cho bản thân.

5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo - Ảnh 1.

Bởi khi còn trẻ, chúng ta lại không có nhiều tiền để tiết kiệm, đến khi có thu nhập tốt và dư dả hơn rồi thì đã chuẩn bị ngấp nghé sang tuổi trung niên, tiết kiệm lúc này còn hiệu quả không?

Chính vì vậy, trước khi chạm ngưỡng 40 tuổi, bạn nhất định phải có được các quyết định tài chính đúng đắn. Cho dù không trở thành đại gia giàu có thì chắc chắn những quyết định tốt sẽ đưa bạn thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế, có một cuộc sống thoải mái, sung túc hơn.

1. Tập thói quen ghi sổ chi tiêu

Bất kể kiếm được nhiều hay ít, lương cao hay thấp, nhân viên văn phòng trước hết nên hình thành thói quen tốt chính là ghi lại những chi tiêu hàng ngày của bản thân và gia đình.

Thói quen ghi sổ sẽ giúp cho bạn nhìn được rõ ràng các chi tiêu lớn nhỏ trong nhà đang tập trung vào đâu, từ đó đưa ra phương án cắt giảm, điều chỉnh cho phù hợp. Thói quen ghi chú chi tiêu cũng giúp bạn nắm bắt được giá cả tiêu dùng, trau dồi sự nhạy cảm với các con số, giúp cho bạn mua sắm có ý thức hơn, hạn chế các ham muốn mua hàng bừa bãi nhất thời.

5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo - Ảnh 2.

2. Tránh sống một mình

Việc sống riêng có thể mang đến cho bạn sự tự do, thoải mái nhưng sẽ ngốn của bạn rất nhiều chi phí. Vì điều này, nhiều chuyên gia tài chính đã khuyên những người trẻ tuổi nếu chưa kết hôn và hoàn cảnh không bắt buộc thì hãy cứ sống cùng với bố mẹ sẽ giúp tiết kiệm được những khoản tiền rất lớn.

Trong trường hợp thật sự cần chuyển ra ngoài sống, có thể rủ một vài người bạn thuê nhà chung, san sẻ bớt tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống cũng là một cách tốt để tránh tiêu tốn quá nhiều tiền.

3. Tiết kiệm trước chi tiêu sau

Lời khuyên của nhiều chuyên gia cho biết, mỗi người nên tiết kiệm được ít nhất 20% tiền lương hàng tháng. Điều này cũng có nghĩa là mỗi khi nhận lương, việc đầu tiên bạn cần làm chính là trích ra một phần lương bỏ vào tài khoản tiết kiệm và số còn lại mới tính đến chuyện chi tiêu.

Cũng tùy vào hoàn cảnh và mức sống của mỗi người, mục tiêu tiết kiệm của họ có thể linh hoạt thay đổi 30-50% thậm chí có người còn tiết kiệm được hẳn 90% tiền lương hàng tháng.

Hãy nhớ rằng tuổi trẻ không hoang phí, không sa đà, không chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm để dồn hết tâm sức vào việc tiết kiệm thì cái ngày được sống cuộc đời sung túc về sau này mới càng trở nên gần hơn.

5 bài học tài chính nhất định phải nằm lòng: Trước 40 tuổi, bạn không thành đại gia thì cũng có thể thoát nghèo - Ảnh 3.

4. Mua nhà sớm, mua xe trễ

Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc đầu tư và quản lý tài chính đó chính là: Mua sớm những thứ sẽ tăng giá trị, mua càng trễ càng tốt những tài sản dễ mất giá.

Xe hơi chính là loại tài sản đắt tiền, vừa tiêu tốn nhiều phí duy trì nhưng lại rất dễ xuống giá. Thay vào đó, nếu có một khoản tiền đầu tiên, bạn có thể dùng để đầu tư mua nhà càng sớm càng tốt. Giá bất động sản lúc nào cũng tăng nên mua nhà để tiết kiệm là một cách đầu tư gần như không bao giờ lỗ vốn.

Mua nhà sớm tạo ra động lực khiến chúng ta cố gắng làm việc nhiều hơn để trả nợ. Nói cách khác, trả nợ ngân hàng lúc này cũng giống như bạn đang tiết kiệm tiền vậy, để khi còn trẻ không tiêu xài hoang phí và các nhu cầu không cần thiết.

5. Tạo nguồn thu nhập thụ động

Mức lương cố định hàng tháng không thể nào đủ để giúp chúng ta đạt được sự tự do về tài chính. Vậy nên bên cạnh thu nhập mỗi tháng từ công việc chính, bạn nên tìm cách để có các nguồn thu nhập đa dạng và thụ động.

Chẳng hạn như đầu tư vào tài chính: chứng khoán, cổ phiếu, tiền điện tử, gửi tiền ngân hàng... Bạn cũng có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách tạo ra nội dung trên Youtube, Tiktok, các trang blog cá nhân... Nhiều người chọn cách đầu tư vào bất động sản theo kiểu "lướt sóng", mua dự án có tiềm năng và thu về lợi nhuận lớn.

Hiện nay có rất nhiều cách để kiếm tiền thụ động, tuy nhiên thu nhập thụ động đa phần chỉ có thể đủ để trang trải những chi tiêu cơ bản. Làm bất cứ việc gì cũng vậy, chỉ khi bạn thật sự quan tâm, đào sâu tìm hiểu và dành sự tâm huyết nhất định cho một việc - ở đây là các nguồn thu nhập thụ động - thì bạn mới có thể kiếm được rất nhiều tiền từ đó.

(Nguồn: Aboluawang)


Theo Song Kỳ

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên