5 bí quyết thành công của tỷ phú giàu có bậc nhất Nhật Bản: 4 điều đầu ai cũng làm được, riêng điều thứ 5 gây hoang mang
Như bao doanh nhân khác, để vượt qua nhiều khó khăn gặt hái thành công, Tadashi Yanai đã xây dựng cho mình không ít nguyên tắc và tuân thủ những nguyên tắc ấy một cách tuyệt đối.
Nhắc đến ngành công nghiệp thời trang tại Nhật Bản, có lẽ không ai là không biết đến Uniqlo và người đứng sau thành công của thương hiệu đình đám này - Tadashi Yanai. Dù sinh ra trong một gia đình làm nghề may vá nhưng ngay từ những ngày đầu, Tadashi Yanai không được định hướng theo bước chân vào ngành thời trang.
Từ bé, ông thích đọc sách, thậm chí thích đọc sách đến mức chẳng quan tâm đến việc nói chuyện với mọi người xung quanh. Sau này, ông thi đỗ vào trường Đại học Waseda và theo học ngành Kinh tế - Chính trị. Tốt nghiệp xong, ông về làm việc cho một siêu thị địa phương.
Cứ tưởng cuộc đời Tadashi Yanai sẽ cứ thế trôi đi nhưng vừa đi làm được 1 năm, ông bất ngờ nghỉ việc và trở về phụ giúp gia đình kinh doanh thời trang. Lý do cho sự “bốc đồng” này chính là ông cảm thấy… nhàm chán.
Tadashi Yanai.
Sự “bốc đồng” tuổi trẻ dần dần đã biến ông từ một “mọt sách” trở thành người làm thời trang và sau đó là một doanh nhân, một tỷ phú đình đám giàu có bậc nhất Nhật Bản với khối tài sản lên đến 40,4 tỷ USD. Hiện Tadashi Yanai đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch của Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing - Công ty mẹ của Uniqlo.
Cũng như bao doanh nhân khác, để vượt qua nhiều khó khăn gặt hái thành công, Tadashi Yanai đã xây dựng cho mình không ít nguyên tắc và tuân thủ những nguyên tắc ấy một cách tuyệt đối. Dưới đây chính là 5 nguyên tắc đắt giá được ông chia sẻ trong một lần phỏng vấn:
Dám dấn thân
Uniqlo có một câu slogan quen thuộc là “thay đổi phục trang, thay đổi tri thức, thay đổi thế giới”. Người đặt ra câu slogan này không ai khác chính là Tadashi Yanai. Thật khó tin khi ông có đủ can đảm để nghĩ rằng những bộ trang phục có thể thay đổi tri thức và lớn hơn là thay đổi cả thế giới. Nhưng chính sự can đảm, dám nghĩ, dám dấn thân, dám biến suy nghĩ của mình thành hiện thực đã tạo nên một tỷ phú sừng sỏ như ngày hôm nay.
Ông cho biết, người làm kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng nữa, muốn thành công phải có giấc mơ lớn. Áp lực chạm tay vào giấc mơ lớn sẽ giúp mỗi người khai thác hết tiềm năng của mình.
Kỷ luật
Uniqlo thành công như ngày hôm nay không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn đến từ cung cách phục vụ chuẩn Nhật Bản - tôn trọng, hỗ trợ và làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái một cách tuyệt đối khi đến bất kỳ cửa hàng nào.
Ví dụ như việc thanh toán, nhân viên phải đảm bảo thanh toán cho khách hàng không quá 60s, hoặc khi khách hàng đến cửa hàng và mua sắm, nhân viên sẽ nói/hỏi khách hàng ít nhất 4 trong 6 “câu nói tiêu chuẩn” được Tadashi Yanai quy định như hỏi thăm khách hàng, hỏi khách hàng cần tìm gì, cảm ơn khách hàng vì đã chờ đợi, chào tạm biệt khách hàng, hỏi khách hàng có đủ hết đồ mình cần chưa,...
Để hình thành những tiêu chuẩn như vậy, hiển nhiên, mọi nhân viên của Uniqlo đều phải tuân thủ các kỷ luật được đề ra với tôn chỉ không được sai sót, không được lơ là. Riêng Tadashi Yanai, không chỉ thiết lập kỷ luật với cấp dưới, ông còn tuân thủ kỷ luật của bản thân mình: dậy lúc 5 giờ sáng, 6 giờ 45 có mặt ở công ty,... Có thể nói, tôn trọng kỷ luật là một trong những chiếc chìa khóa “vàng” cốt yếu giúp Tadashi Yanai thành công.
Hoạch định mục tiêu
Như Tadashi Yanai đã nói, muốn thành công phải có giấc mơ lớn. Tuy nhiên, có giấc mơ lớn thôi theo ông vẫn chưa đủ. Sau khi xác định giấc mơ của mình, mỗi người cần phải có mục tiêu theo giai đoạn và kế hoạch cụ thể rõ ràng cho từng bước một. Giấc mơ của bạn giống như trang cuối của quyển sách, nhưng thứ làm nên quyển sách ấy không phải cái kết cuối cùng mà còn có những trang, những chương phía trước.
Sau khi xác định quyển sách muốn đọc, việc cần làm lúc này là lật giở đọc quyển sách cẩn thận theo thứ tự. Nếu không bạn sẽ mãi giậm chân tại chỗ và ngụp lặn trong mớ bòng bong không biết đến khi nào mới có thể hiện thực hóa giấc mơ.
Học hỏi từ người đi trước
Những người thành công luôn có một lộ trình đã đi qua mang đầy cảm hứng và giá trị. Vì vậy, khi ai đó muốn thành công, lời khuyên của Tadashi Yanai là hãy học hỏi từ những người đã thành công và đã đi trước họ.
Ông tiết lộ, dù hiện tại đã gặt hái được không ít thành công nhưng ông vẫn không biết tương lai sẽ như thế nào. Đó là lý do, bây giờ ông vẫn miệt mài chăm chỉ học hỏi những tiền bối đi trước qua các quyển sách hay về bí quyết kinh doanh hoặc tiểu sử người sáng lập của các doanh nghiệp nổi tiếng như Panasonic, Honda,...
Không quan tâm đến việc kiếm tiền
Theo Tadashi Yanai, nếu một người kinh doanh xem việc kiếm tiền là mục đích sau cuối thì sẽ không bao giờ có thể đi xa và làm việc lâu dài được. Tiền bạc suy cho cùng cũng sẽ bốc hơi nhanh chóng, bạn để lại được gì, tạo ra giá trị gì, thỏa mãn mong ước của mình hay chưa mới thực sự là điều quan trọng.
Thật vậy, nếu là xem kiếm nhiều tiền là mục tiêu thì ở vị trí của Tadashi Yanai, với khối tài sản khổng lồ, chắc hẳn ai cũng sẽ chọn “dừng cuộc chơi”. Bởi tiền ông có đủ để cho ông và cả gia đình và nhiều đời sau nữa sống thoải mái. Nhưng nếu bây giờ ông dừng lại, Uniqlo sẽ đi về đâu? Giấc mơ phục trang thay đổi tri thức, thay đổi thế giới của ông sẽ bỏ dở giữa chừng. Cuối cùng, ông vì tôn thờ đồng tiền mà ông quên đi giấc mơ của mình.
Đây chính là lý do Tadashi Yanai dám tuyên bố “Tôi chưa từng làm việc vì tiền, cũng không quan tâm đến việc kiếm tiền” để có thể tiếp tục tiến về phía trước, đưa Uniqlo đi xa hơn nữa.
Pháp luật và bạn đọc