5 câu đơn giản bố mẹ chỉ cần nói thường xuyên để cải thiện EQ cho con
Chỉ số EQ cần phải được người lớn rèn luyện ngay từ nhỏ chứ trẻ không thể tự dưng có.
- 20-06-2023Khi khách nói “Tôi sẽ mua nó lần sau”, người EQ cao bán được hàng nhờ 2 cách
- 19-06-202315 biểu hiện của người EQ thấp, ai mắc phải nên sửa đổi sớm
- 19-06-2023"Đối mặt với khó khăn, bạn giải quyết thế nào?", cô gái EQ cao trả lời khiến lãnh đạo gật đầu tán thưởng
Bên cạnh trí thông minh IQ, hình thành và nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc hay chỉ số EQ là yếu tố rất quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ, là nền tảng giúp trẻ tự chăm sóc bản thân và thích nghi với xã hội sau này.
Trẻ có trí tuệ cảm xúc kém có thể thu mình và nổi loạn, khó kết bạn, khi lớn lên sẽ không thể xử lý tốt công việc và các mối quan hệ. Thực chất, EQ không phải là một khái niệm mơ hồ mà có thể hiểu một cách đơn giản là khả năng điều chỉnh cảm xúc và thích nghi với môi trường xung quanh của trẻ.
Trí tuệ cảm xúc cần phải được rèn luyện và hình thành từ từ ngay từ khi còn nhỏ. Nó được quyết định rất nhiều bởi môi trường sống và cách dạy dỗ của người lớn. Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học (3 đến 12 tuổi), tính cách, thói quen và ngôn ngữ của trẻ rất dễ uốn nắn. Thế nên đây chính là giai đoạn quan trọng để nuôi dưỡng EQ của trẻ. Muốn con có EQ cao, bố mẹ hãy thường xuyên tích cực nói 5 câu nói dưới đây:
"Trông con có vẻ đang + (tâm trạng)"
Trẻ nhỏ cũng có cảm xúc của riêng mình, cũng biết buồn bã, tức giận hay thấy tiêu cực. Sự quan tâm, chấp nhận và tán thành của cha mẹ có thể giúp đứa trẻ giải tỏa những cảm xúc dồn nén trong lòng, đồng thời cũng mở ra “cánh cửa” cho quá trình giao tiếp giữa cha mẹ và con cái sau này.
Ví dụ, khi trẻ tỏ thái độ cáu kỉnh không vui mà có hành vi không chuẩn mực, thay vì mắng "Con có thái độ gì đấy?", bậc phụ huynh khôn khéo sẽ hỏi: "Con trai, nhìn con có vẻ rất tức giận, có phải con gặp chuyện gì không vui không?". Lúc này, tư thế phòng thủ của đứa trẻ bắt đầu giảm xuống và sẽ tâm sự với bạn câu chuyện của mình.
Những câu nói như "Mẹ nhìn thấy con có chút buồn phải không?", "Con trông như đang rất tức giận, nhất định đã xảy ra chuyện gì đó",... mới là sự quan tâm mà trẻ cần.
"Con ơi, con làm như thế này mẹ cảm thấy + (cảm xúc)"
Khả năng đồng cảm là một đức tính cần rèn cho trẻ em từ thời thơ ấu. Những đứa trẻ không có sự đồng cảm lớn lên sẽ trở thành người ích kỷ và ngoan cố, không thể giao tiếp tốt với mọi người và không thể hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
Việc những đứa trẻ thể hiện sự ích kỷ của mình là chuyện bình thường, ví dụ như không nhường đồ chơi cho anh chị em hay bạn bè, tức giận khi không được chiều lòng. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra ích kỷ, chúng ta cần cho trẻ biết cảm giác của mình, ví dụ như: "Con trai, con làm như vậy, mẹ có chút phiền lòng...", "Nếu bạn cùng lớp đối xử với con như vậy, con cảm thấy thế nào?",...
"Khi con buồn, hãy nói ra với mẹ"
Hai mục trên nhằm dạy trẻ nhận biết cảm xúc của chính mình và cảm xúc của người khác. Sau đó, bước tiếp theo là để trẻ học cách thể hiện và giải phóng cảm xúc một cách chính xác.
Vì vậy, khi trẻ tỏ ra cáu kỉnh, ném đồ đạc, khóc lóc, lăn lộn, cắn, v.v., trước tiên hãy chấp nhận cảm xúc của trẻ, sau đó hướng dẫn trẻ nói: "Mẹ biết con rất tức giận, con có thể nói thẳng ra, sẽ dễ chịu hơn!", "Anh làm hỏng đồ chơi của con, con rất buồn đúng không? Vậy nói cho anh biết đi!",...
"Sự nghiêm túc và chăm chỉ của con thật tuyệt vời!"
Sau khi cả hai đứa trẻ đều đã hoàn thành tốt bài kiểm tra, phụ huynh của một em nói: "Con tôi thông minh quá, giỏi lắm!", phụ huynh của em khác nói: "Con ơi, con đã làm rất tốt trong kỳ thi lần này. Tuyệt vời!". Chắc chắn cách nói thứ hai sẽ có khả năng giáo dục EQ tốt hơn nhiều.
Mục đích của khen ngợi là để trẻ có động lực bước tiếp. Khen vì những lý do như thông minh sẽ khiến trẻ thiếu đi động lực tiếp tục chăm chỉ, thậm chí nghĩ dù sao mình cũng đã thông minh nên không cần cố gắng học cũng sẽ được điểm cao. Trong khi đó, khen ngợi những phẩm chất như chăm chỉ, nỗ lực và nghiêm túc sẽ khiến trẻ tiếp tục phát huy hơn nữa.
"Khi mẹ còn nhỏ cũng giống như con"
"Con à, hồi nhỏ mẹ con thi toán được có 4 điểm, mẹ suýt bỏ cuộc. Nhưng ông ngoại đã động viên mẹ không bỏ cuộc, dần dần mẹ đã tìm ra cách".
"Con ơi, khi mẹ con học lớp 5, mẹ cũng thích một cậu bé trong lớp, mẹ cùng bạn ấy làm bài tập, cùng nhau đánh cầu lông".
"Mẹ khi còn nhỏ từng bị bạn học bắt nạt. Bọn họ dọa mẹ không được nói với người lớn, nhưng lần nào mẹ cũng nói với bà, sau đó họ không dám nữa".
Đối với con cái, cách cha mẹ giải quyết vấn đề khi chính họ còn nhỏ là ví dụ giáo dục trực quan và hiệu quả nhất. Trong nhiều trường hợp, điều trẻ cần không phải là một bài diễn văn dài của cha mẹ mà là một ai đó hướng dẫn cách thực hiện một cách đơn giản và sinh động. Mặt khác, chia sẻ những sự kiện thời thơ ấu của bạn với con cái cũng là một cách thể hiện sự gần gũi và giúp sự giao tiếp giữa đôi bên dễ dàng hơn.
Phụ nữ Việt Nam