5 câu hỏi giúp tìm nơi tránh "bão" VnIndex 730 điểm
Đâu là vịnh tránh bão VnIndex 730? Vịnh này-muốn tìm ra được-cần phân tích rất kỹ lưỡng rất nhiều yếu tố. Bài viết sau đây chỉ ra cho bạn một số kinh nghiệm lọc tìm cổ phiếu thích hợp để đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/05, VN-Index tăng 6,83 điểm lên 733,82 điểm – chính thức chinh phục mức đỉnh mới của 9 năm qua. Khối lượng giao dịch đạt hơn 211 triệu đơn vị tương đương 5.375 tỷ đồng. Trong đó, thỏa thuận chiếm 317 tỷ đồng.
VnIndex đã loay hoay ở vùng điểm 720-730 một thời gian khá lâu và chính thức bứt phá trong phiên giao dịch cuối tuần này cùng thanh khoản tăng mạnh. So với vùng giá 665 điểm đầu năm, VnIndex đã tăng 10,4% - mức tăng khá cao.
Ở khu vực VnIndex 730 điểm, tất nhiên, không ai dám vội vàng nghe lời khuyên của chính bản thân khi phân tích cổ phiếu, phân tích kỹ thuật…cũng càng không dám tự tin nghe theo những cám dỗ của “phím” hàng mà xuống tiền mua cổ phiếu giai đoạn này.
Đâu là "vịnh tránh bão" VnIndex 730? Vịnh này-muốn tìm ra được-cần phân tích rất kỹ lưỡng các yếu tố:
-Câu hỏi thứ nhất: Ngành nào đã và đang tốt? Tương lai còn có triển vọng hay không? Khi trả lời được câu hỏi đó về ngành và tìm ra được cho mình tầm dăm, sáu ngành triển vọng nhất, nhà đầu tư cần lọc tiếp cổ phiếu ở câu hỏi thứ 2.
-Câu hỏi thứ hai: Nếu ngành đang có triển vọng, doanh nghiệp liệu có hưởng lợi được từ sóng ngành hay không? Đây là lúc nhà đầu tư tìm hiểu xem:
+Vị thế doanh nghiệp trong ngành thế nào? Nếu sóng ngành lên mà doanh nghiệp không đủ lực cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành thì mức độ hưởng lợi cũng không phải quá nhiều.
+Doanh nghiệp có yếu tố gì khác để sóng ngành thành động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh tốt? Giả ví dụ như, doanh nghiệp có tích trữ hàng tồn kho cao, có thị trường tốt, ngành lên-kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ ít nhiều tăng trưởng. Còn nếu không kịp trữ hàng hoặc trữ hàng nhưng đã ký mất hợp đồng bán dài hạn cho bên nào đó với mức giá cố định nào đó thì sóng ngành cũng sẽ không tác động quá nhiều.
Hoặc giả như, doanh nghiệp đang đầm đìa nợ nần. Sóng ngành tăng 10% nhưng áp lực trả lãi ngân hàng đến 7-8% thì doanh nghiệp có được hưởng sóng ngành đi chăng nữa thì mức sinh lợi cuối cùng cho nhà đầu tư cũng chẳng đáng là bao.
Hay thậm chí, ngành có sóng nhưng quyết sách của ban lãnh đạo đôi khi lại khiến doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều. Ví dụ, sóng ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ, công ty đã tích lũy đủ tài sản giá rẻ nhưng…lãnh đạo doanh nghiệp lại quyết định chưa bán vội, chờ được giá hơn mới bán. Và thế là, rủi ro thời điểm bán tốt nhất trôi qua, doanh nghiệp có thể không được hưởng lợi gì…
Trả lời xong các câu hỏi dài dòng, phức tạp của câu hỏi 1 và 2, nhà đầu tư chắc hẳn cũng đã loại bỏ bớt khỏi danh sách 750 mã cổ phiếu niêm yết được tầm hai phần 3.
Còn tầm 250 mã nữa. Nhà đầu tư phải lọc tiếp. Các câu hỏi tiếp theo sẽ là:
Câu hỏi 3: Liệu, giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh đầy đủ tiềm năng của ngành, doanh nghiệp chưa?
Lọc xong đến câu hỏi 2, nhiều nhà đầu tư cảm thấy như nhiều doanh nghiệp đang ngồi trên mỏ vàng khổng lồ, phải mua ngay cổ phiếu của họ.
Nhưng, xin nhà đầu tư hãy bớt nóng vội đi một chút. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 1,55 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Cứ cho là khoảng 1 triệu tài khoản đang hoạt động đi thì đã có 1 triệu con người hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút đi săn tìm kho báu-như bạn.
Trong công cuộc tìm câu trả lời cho câu hỏi số 3 này, nhiều người sẽ giật mình khi thấy kho báu bạn vừa phát hiện sau khi cất công tìm kiếm đã bị phát hiện từ lâu bởi những người khác. Cổ phiếu đã tăng vù vù. Và lúc này, có lẽ bạn sẽ không muốn là người-theo cách gọi của dân chơi chứng khoán- nhận "củ xả" nên lại ra đi.
Tìm tiếp mỏ vàng khác.
Câu hỏi 4: Muốn tìm ra được cổ phiếu vừa tiềm năng lại vừa...chưa tăng giá thì tôi phải làm thế nào?
Câu hỏi này là câu muôn thuở của nhà đầu tư nhưng tìm ra nó không hề dễ. Không dễ nhưng không phải không làm được. Bạn cần để ý những dấu hiệu.
Theo kinh nghiệm đầu tư của các chuyên gia, cổ phiếu tăng giá thường có những dấu hiệu nhất định trước khi tăng mạnh:
-Có kết quả kinh doanh quý/ năm ngay trước khi tăng đột biến.
-Có khối lượng giao dịch đột biến so với thời gian trước đó. Thông thường, muốn bật tăng giá mạnh mẽ, cổ phiếu phải có một giai đoạn tích lũy nhất định.
-Có những thay đổi giá bất ngờ
-Có thông tin đáng chú ý: Về kinh doanh, ký kết hợp đồng...lớn. Có đối tác đáng chú ý hợp tác, mong muốn hợp tác với công ty...Mặt hàng công ty kinh doanh bất ngờ nhận được những yếu tố thuận lợi; Thậm chí, đối thủ của công ty bất ngờ gặp nạn hoặc đang vướng phải vấn đề lớn không tăng trưởng được.
....
Mỗi người một phương pháp tìm kiếm cổ phiếu vua và có thể phải kết hợp nhiều cách khác nhau để tìm ra được cổ phiếu tốt cho danh mục của bạn.
Câu hỏi 5 và cũng tạm là câu hỏi cuối trong khuôn khổ bài viết nhỏ này.
Một khi tất cả có vẻ như đã ổn sau khi bạn trả lời xong 4 câu hỏi, lòng bạn đầy tự tin, nhiệt huyết. Bạn tưởng chừng như những phân tích ở trên chỉ có thể mang lại đồng tiền cho bạn, không thể cướp đi xu nào cả.
Có vẻ như thế.
Nhưng, bạn cũng đừng quên 1 điều nhỏ cuối cùng nữa. Cũng như cuộc đua sẽ chẳng là cuộc đua thú vị nếu chỉ vài ba người chơi. Nghiên cứu thêm hành vi của những người tham gia cuộc chơi cổ phiếu cùng với bạn thông qua những bản đăng ký mua, bán cổ phiếu (nếu có) trên thị trường nữa thì bạn sẽ làm chủ danh mục của bạn tốt hơn nhiều.
Chúc quý độc giả cuối tuần vui vẻ và tìm kiếm được cho mình những "mỏ vàng" cổ phiếu đáng đầu tư trong bối cảnh VnIndex đã tăng khá mạnh thời gian gần đây.