5 điểm sáng và giải pháp kinh tế 2023
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tường Chính phủ. Ảnh: Trọng Hiếu.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 5 điểm sáng cho nền kinh tế 2023 và đưa ra những khuyến nghị để biến cơ hội ấy thành hiện thực.
- 24-01-2023Hai thành phố trực thuộc Hà Nội trong tương lai sẽ bao gồm những khu vực nào?
- 24-01-2023Tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam cao nhất trong vòng 25 năm, kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá ra sao về triển vọng kinh tế năm 2023?
-
Trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế
-
Hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu
Dưới đây là cuộc trao đổi của TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tường Chính phủ với Nhadautu.vn về những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và một vài khuyến nghị.
5 điểm sáng 2023
Điểm sáng nhất của năm 2023 là chúng ta vẫn kiên trì đẩy mạnh đầu tư công. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022.
Điểm sáng thứ 2 là ổn định chính trị. Đây có thể coi là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được.
Điểm sáng thứ 3 là Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của tất cả các cực tăng trưởng trên thế giới. Điều đó khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Điểm sáng thứ 4 là Trung quốc mở cửa. Đây là quốc gia có thu nhập đầu người hơn 10.000 USD, gấp 3 lần Việt Nam. Đây là cơ hội lớn về cả đầu tư, thương mại và du lịch.
Điểm sáng thứ 5 có thể là vấn đề xử lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp để nó sớm trở thành kênh dẫn vốn đúng nghĩa cho nền kinh tế.
Làm gì để hiện thực hoá?
Đầu tư công
Hiện nay các doanh nghiệp "kêu" giá nguyên vật liệu tăng quá cao, khiến doanh nghiệp làm không có lãi, thậm chí lỗ nên không muốn làm. Cần nhìn nhận rằng, đó là tư duy điển hình của doanh nghiệp Việt. Thực tế "chiếc áo" quản trị doanh nghiệp Việt hiện nay đã không còn phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không thể mãi tư duy theo cách "đầu tư là phải là đi vay ngân hàng", cần có tư duy đổi mới, các doanh nghiệp liên kết lại với nhau để có đủ vốn tự có tương đương 60-70% tổng mức đầu tư rồi mới đi đấu thầu. Như vậy mới thắng được.
Hình dung một cách đơn giản, khi doanh nghiệp đã có tới 60-70% vốn/tổng mức đầu tư là đã có đủ tiền đặt cọc, mua gần như toàn bộ nguyên vật liệu ở thời điểm đấu giá. Như vậy doanh nghiệp có thể kiểm soát được giá đầu vào, đảm bảo không phụ thuộc quá lớn vào biến động thị trường. Như vậy đấu thầu chìa khoá trao tay (EPC), doanh nghiệp mới chắc thắng được.
Còn như cách làm hiện tại, doanh nghiệp hầu như đi vay ngân hàng để làm, không có đủ vốn để đặt hàng trước. Trong khi lãi suất ngân hàng lên xuống theo thị trường, giá cả nguyên vật liệu biến động theo giá thế giới. Doanh nghiệp chọn bài toán rủi ro thì buộc phải chấp nhận rủi ro khi nó xảy ra, không thể trách cơ chế.
Thực tế, các doanh nghiệp FDI, dù có lợi thế về tiềm lực, đủ lớn để định giá nguyên vật liệu đầu vào thì họ vẫn liên danh các doanh nghiệp của các nước khác nhau để cùng làm một công trình. Ví dụ như tuyến đường sắt Metro - Nhổn có tới 3 nhà thầu lớn của 3 nước hợp sức lại để làm.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu phải có ít nhất 30% vốn đối ứng và cũng không cấm thành lập các liên danh để đấu thầu. Như vậy chỉ cần 3 doanh nghiệp hợp lại, mỗi bên góp 20% vốn là đã có 60% tổng mức đầu tư, đủ để mua các loại nguyên vật liệu đầu vào. Làm như vậy doanh nghiệp mới có thể làm chủ được giá nguyên vật liệu đầu vào và không bị ảnh hưởng quá lớn từ các biến động bên ngoài thị trường, lãi suất ngân hàng.
Tiềm năng đầu tư công năm 2023 là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp biết quản trị theo hướng hiện đại, hợp vốn, hợp tác cùng có lợi thì làm thì kiểu gì cũng thắng. Vốn đầu tư công không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là phải nghĩ ra cách để sử dụng được số tiền ấy.
Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của tất cả các cực tăng trưởng trên thế giới
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới. Đó là vị thế của Việt Nam và là ổn định vĩ mô của hệ thống chính trị.
Dự báo quý I và quý II/2023, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm, về khoảng 5-6%. Hai quý cuối năm còn phụ thuộc nhiều vào thực lực của chúng ta cũng như tình hình thế giới.
Ở châu Âu hiện nay đời sống người dân đang rất khó khăn, các doanh nghiệp trong quý IV/2022 vẫn duy trì được sản xuất nhưng sang tới quý I, II/2023 doanh nghiệp còn trụ lại được với giá nhiêu liệu tăng cao như hiện nay hay không thì còn chưa ai dám chắc. Điều này cũng còn phụ thuộc vào việc Trung quốc mở cửa như thế nào.
Trung quốc mở cửa, với thu nhập đầu người hơn 10.000 USD, gấp 3 lần Việt Nam cũng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong đầu tư, thương mại và du lịch.
Về cơ bản Chính phủ đã chuẩn bị sẵn các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực cần sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp. Có thể ví việc này như một vận động viên muốn tham gia giải chạy 22km thì đơn vị tổ chức đã bố trí sẵn đường đua, bảng chỉ dẫn, trạm tiếp sức, y tế,... việc của vận động viên là phải chạy và cố gắng để đi hết đường đua, không phải chạy tới nửa đường, mệt lại đòi ban tổ chức đưa chiếc xe đạp để đạp về đích.
Lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu
Cuối cùng là ở trong nước, cần xem cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các ngân hàng yếu kém. Đó là sự can thiệp của nhà nước theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm ra cách để thanh toán số trái phiếu đến hạn trong năm 2022-2023. Điều này sẽ góp phần lấy lại lòng tìn cho nhà đầu tư, thị trường.
Nhà nước đóng vai trò trọng tài trong mối quan hệ vay - trả của doanh nghiệp và nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Đồng ý đó là quan hệ dân sự nhưng phải ghi rõ mục đích phát hành vốn, xây dựng cơ chế để người cho vay giám sát mục đích sử dụng vốn. Các công ty luật sẽ tư vấn hợp đồng trái phiếu phải có điều kiện 3 tháng báo cáo 1 lần, nếu không báo cáo, doanh nghiệp phải thanh toán trước hạn, lãi suất thấp nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cộng tiền phạt.
Nếu doanh nghiệp không chịu được trách nhiệm với số trái phiếu đã phát hành thì buộc phải phá sản. Trong nền kinh tế thị trường, phá sản là tái tạo sức sống mới. Ngôi nhà vẫn đấy, lao động vẫn đấy, chỉ là quản trị yếu kém thì phải thay "máu", cần thay một đội ngũ quản trị mới. Đó là hợp quy luật thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở nước ta chủ yếu vẫn đầu tư theo tâm lý bầy đàn nên cũng mới có thực trạng như hiện nay. Vì vậy, phát triển thị trường một cách bài bản và bền vững là cần thiết.
Xin cảm ơn Ông!
Nhà Đầu Tư