MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điều chuyên gia an toàn thực phẩm không bao giờ làm trong căn bếp

16-11-2023 - 15:55 PM | Sống

Bảo quản và chế biến thực phẩm sai cách đều có thể vô tình biến thức ăn thành chất độc.

Chú ý đến ngày hết hạn và giữ thịt sống tránh xa các thực phẩm khác là những quy tắc vàng nổi tiếng để nấu ăn an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thói quen quan trọng hơn mà chúng ta nên tránh trong nhà bếp - nhưng rất nhiều người vẫn làm hàng ngày.

Theo cựu chuyên gia an toàn thực phẩm, cố vấn vệ sinh của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), ngay cả những thói quen nhà bếp dường như vô hại, chẳng hạn cũng là một sự vô ý gây ra những cơn đau bụng.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 48 triệu người mắc bệnh do thực phẩm mỗi năm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khoảng 128.000 người phải nhập viện, trong khi 3.000 người chết.

5 điều chuyên gia an toàn thực phẩm không bao giờ làm trong căn bếp - Ảnh 1.

Ví dụ về các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng và virus do thực phẩm gây ra bao gồm salmonella, toxoplasma, listeria và norovirus - cũng như E.coli. Phổ biến nhất là norovirus, dù chỉ ảnh hưởng đến 1/15 dân số thế giới mỗi năm nhưng tất cả các bệnh nhiễm trùng đều có thể dẫn đến bệnh nặng và một số thậm chí có thể gây tử vong.

May mắn thay, hai chuyên gia hàng đầu đã đưa ra những lời khuyên cần biết để giúp bạn không phải đến bệnh viện.

1. Để thực phẩm ở nhiệt độ phòng trong 2 tiếng trở lên

Tiến sĩ Darin Detwiler, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Đông Bắc ở Boston (Hoa Kỳ) và là cựu cố vấn an toàn thực phẩm của FDA và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cho biết, để thực phẩm ra khỏi tủ lạnh hơn hai giờ có thể khiến nhiệt độ [thức ăn] tăng lên một cách nguy hiểm.

Nếu nhiệt độ của thực phẩm tăng lên dưới 140 độ F (khoảng 60 độ C) - và không được làm lạnh ở nhiệt độ 40 độ F (khoảng 5 độ C), thì thực phẩm đó có nguy cơ bị các vi khuẩn như salmonella và Staphylococcus aureus tấn công.

Những bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mất nước và huyết áp thấp.

Tiến sĩ Detwiler đề nghị rã đông thực phẩm trong tủ lạnh thay vì quầy bếp để giảm nguy cơ này.

2. Dùng cùng 1 bộ dao thớt để cắt nhiều món

Sử dụng cùng một con dao và thớt cho các loại thực phẩm khác nhau có thể là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm chéo.

Ví dụ, việc thái rau bằng chính con dao bạn dùng để thái thịt gà có thể làm lây lan vi khuẩn như salmonella, loại vi khuẩn thường ẩn náu nhất trong các sản phẩm động vật.

5 điều chuyên gia an toàn thực phẩm không bao giờ làm trong căn bếp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Detwiler khuyên bạn nên mua một chiếc thớt và đồ dùng mới khi bạn cần bắt đầu chuẩn bị một loại thực phẩm khác thay vì rửa sạch chúng, dấu vết của vi khuẩn có thể vẫn còn tồn tại.

Ông cho biết, rửa đồ dùng, bát đĩa và dụng cụ chuẩn bị trong máy rửa bát cũng là một ý tưởng hay để tiêu diệt mầm bệnh do nhiệt độ cao.

3. Không cân thực phẩm trước khi nấu

Tiến sĩ Detwiler không bao giờ nấu thức ăn mà không biết nó nặng bao nhiêu.

Điều này là do thời gian cần thiết để đạt đến nhiệt độ an toàn phụ thuộc vào trọng lượng của thực phẩm, đặc biệt là thịt. Ví dụ: nếu bạn nấu hai miếng thịt gà có kích cỡ khác nhau trong cùng một khoảng thời gian thì miếng lớn hơn có nhiều khả năng chưa chín hẳn.

Toby Amidor, chuyên gia dinh dưỡng và an toàn thực phẩm ở thành phố New York (Hoa Kỳ), khuyên bạn nên sử dụng nhiệt kế để biết thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn hay chưa, đặc biệt là những miếng thịt lớn.

Cô nói: "Các tín hiệu thị giác không đủ tốt để biết thịt, gia cầm và cá của bạn đã chín chưa – đó là lý do tại sao tôi luôn sử dụng nhiệt kế cắm vào phần dày nhất của thực phẩm để biết thực phẩm đã chín chưa".

4. Không chia thực phẩm vào các túi/hộp nhỏ trước khi bảo quản

Tiến sĩ Detwiler cho biết, bảo quản thực phẩm trong bát hoặc khay lớn có thể khiến chúng dễ bị vi trùng tấn công.

Ông đưa ra ví dụ về việc bảo quản các loại thực phẩm như khoai tây nghiền và mì ống, những thứ thường được cho vào tủ lạnh trong đĩa đựng chúng, được bọc trong giấy bạc.

Nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ của thực phẩm vì nó nguội đi với tốc độ khác nhau - khiến các lớp bên trong dễ bị vi khuẩn phát triển.

Tiến sĩ Detwiler cho biết: "Cho dù đó là một miếng giăm bông lớn hay một miếng thịt nướng lớn hay một con gà tây lớn, hãy chia nó thành những phần nhỏ hơn và cho những phần nhỏ hơn đó vào tủ lạnh hoặc tủ đông".

Tiến sĩ Detwiler gợi ý nên cho các thực phẩm như ớt, súp và nước sốt vào các đĩa nông để chúng có thể nguội đều.

5. Bảo quản thức ăn đã nấu chín hơn 4 ngày

Rất nhiều người chuẩn bị bữa ăn vào đầu tuần để họ bớt rắc rối sau một ngày bận rộn. Nhưng các chuyên gia cho rằng bạn không bao giờ nên chuẩn bị đồ ăn trước một tuần.

Tiến sĩ Detwiler nói: " Chỉ giữ thức ăn thừa trong tủ lạnh từ ba đến bốn ngày. Tôi ghét ý tưởng ai đó vào Chủ nhật sẽ chuẩn bị tất cả đồ ăn cho đến thứ Sáu hoặc thứ Bảy tuần sau. Nó là một khoảng thời gian quá dài ".

5 điều chuyên gia an toàn thực phẩm không bao giờ làm trong căn bếp - Ảnh 3.

Sau bốn ngày, vi khuẩn có thể bắt đầu phát triển ngay cả khi thực phẩm được giữ lạnh và an toàn trong hộp cách nhiệt. Tiến sĩ Detwiler gợi ý một lựa chọn khác là đông lạnh thực phẩm vào đầu tuần để giữ thực phẩm an toàn lâu hơn.

Nguồn và ảnh: Daily Mail, Pinterest

Theo Mỹ Diệu

Phụ nữ mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên