MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 dự án giao thông quan trọng được Chính phủ quyết tâm hoàn thành từ nay đến năm 2026

5 dự án giao thông quan trọng được Chính phủ quyết tâm hoàn thành từ nay đến năm 2026

Thủ tướng cho biết, trong 20 năm qua, Việt Nam mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc. Do đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia cần phải được quyết tâm hoàn thành ngay trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 1/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương, nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm.

Các dự án có tổng chiều dài hơn 500 km, gồm đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ này

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.

Thời gian qua, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương về 5 dự án này. Đây đều là những tuyến đường quan trọng, huyết mạch, việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành phố và nhiều người dân.

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.

"Chính phủ phải quyết tâm rất cao, các địa phương phải quyết tâm rất cao và các bộ ngành cũng phải quyết tâm rất cao. Bởi trong 20 năm qua, chúng ta mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ đạo về việc thực hiện các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý cần rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn, áp dụng, nhân rộng các bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình tốt, cách làm hiệu quả.

Cũng như, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập tại một số dự án cao tốc, dự án đầu tư công đã triển khai như manh mún, dàn trải, kéo dài, tình trạng chia nhỏ gói thầu với quá nhiều nhà thầu, vấn đề mỏ vật liệu cho các dự án cao tốc…

Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự án

Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc thực hiện là Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự án này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này.

Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kế thừa các chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc.

Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ GTVT và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẵn sàng nhận và nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ GTVT đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng quan 5 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia

Báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết đường vành đai 4 – Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km.

Vành đai 3 TP HCM chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.777 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 118 km, ưu tiên đầu tư bằng vốn đầu tư công với vốn dự kiến khoảng 21.935 tỷ đồng. Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km, nối tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa với điểm giao quốc lộ 56 tại TP Bà Rịa. Tổng mức đầu tự án là 19.616 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 52.363 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP, thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2027.

https://cafef.vn/5-du-an-giao-thong-quan-trong-duoc-chinh-phu-quyet-tam-hoan-thanh-tu-nay-den-nam-2026-20220302134804176.chn

Hoàng Tùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên