5 giờ làm thêm bằng nguy cơ mù loà, đột quỵ tăng 63%, bạn có đang đánh đổi như vậy?
Hãy cân nhắc lại nếu bạn là một phụ nữ tham công tiếc việc. Chỉ vài giờ làm thêm buổi tối hay cuối tuần đủ làm nguy cơ tiểu đường tăng đến 63%.
Các nhà khoa học Canada khuyên phụ nữ đừng làm việc quá 40 giờ/tuần
Nghiên cứu do nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Đại học Quebec (Canada) thực hiện, sử dụng dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe của hơn 7.000 người lao động tuổi từ 35-74, theo dõi trong vòng 12 năm.
Các nhà khoa học đã so sánh giữa nhóm phụ nữ làm việc 35-40 giờ mỗi tuần (7-8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần) với những phụ nữ làm thêm giờ vào buổi tối hoặc cuối tuần. Các yếu tố liên quan như tình trạng hôn nhân, cha mẹ, dân tộc, nơi sinh, nơi cư trú, sức khỏe tổng thể, lối sống, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng được xem xét và cân đối. Kết quả cho thấy, chỉ cần làm thêm khoảng 5 giờ mỗi tuần, tức tổng thời gian là 45 giờ/tuần, nguy cơ tiểu đường đã tăng đến 63% so với nhóm chỉ làm 35-40 giờ/tuần. Sự gia tăng nguy cơ này chỉ giảm rất nhẹ khi họ không đụng đến rượu và thuốc lá.
Các nhà khoa học Canada khuyên phụ nữ đừng làm việc quá 40 giờ/tuần nếu không muốn làm tăng nguy cơ tiểu đường
Chính các tác giả cũng bối rối, không giải thích được nguyên nhân vì sao nguy cơ tiểu đường lại tăng nhiều đến thế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu khá phù hợp với nhiều công trình trước đó, kết nối tiểu đường với thói quen tĩnh tại (ngồi trước máy tính quá lâu), thức khuya, để công việc lấn át thời gian của các hoạt động thể chất, hoặc thói quen vừa ngồi gõ máy tính vừa tiêu thụ đồ ăn nhanh, ăn vặt của nhiều người.
Cho dù nguyên nhân khiến nguy cơ tiểu đường tăng vọt ở phụ nữ chưa được xác định cụ thể nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng điều này sẽ tác động đến người dân và các bác sĩ. Phụ nữ nên được khuyên làm việc 40 giờ mỗi tuần hoặc ít hơn. Mốc làm việc 40 giờ/tuần hiện cũng được nhiều quốc gia áp dụng và được coi là mức tốt cho sức khỏe người lao động.
Những hệ luỵ tai hại mà tiểu đường mang lại
Tiểu đường là căn bệnh mãn tính, khi cơ thể rối loạn chuyển hoá khi cơ thể bạn không thể sản xuất insulin, sản xuất thiếu insulin, hoặc đơn giản là không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Tất cả các tế bào của cơ thể bạn đều cần đường (glucose) để tạo năng lượng. Insulin giúp phá vỡ và cung cấp đường vào các tế bào khắp cơ thể.
Đường sẽ tích tụ trong máu nếu không có đủ insulin để phá vỡ nó. Điều này được gọi là tăng đường huyết. Tăng đường huyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các bộ phận cơ thể như mắt, tim mạch, thận, v.v… Mỗi bộ phận khi bị ảnh hưởng đều dẫn đến nhiều bệnh khác nhau rất nguy hiểm.
Chẳng hạn, tiểu đường biến chứng có thể gây các bệnh về mắt từ đục thuỷ tinh thể đến bệnh võng mạc tiểu đường, phù điểm vàng, tăng nhãn áp, gây mờ mắt, đau mắt, buồn nôn hoặc nôn. Trong một số trường hợp có thể gây loà mắt vĩnh viễn nếu không được chữa trị kịp thời.
Đối với hệ tim mạch, tiểu đường gây tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên (PAD), tai biến mạch máu não và đột quỵ. Đây là những "cái chết bất ngờ" có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bệnh nhân tiểu đường.
Như đã nói, tiểu đường là căn bệnh mãn tính, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và bạn sẽ phải chung sống với nó khi bạn đã mắc bệnh. Vậy nên, hãy cân bằng thói quen sinh hoạt của mình để giảm thiểu nguy cơ tiểu đường cho bản thân