MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng cần cảnh giác

13-05-2024 - 07:21 AM | Kinh tế số

Trong nội dung "Điểm tin tuần" từ ngày 6/5 đến ngày 12/5, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã cảnh báo người dùng Việt Nam nâng cao cảnh giác trước 5 hình thức lừa đảo nổi bật trên không gian mạng trong nước và quốc tế.

Lừa chiếm đoạt tài sản với chiêu trò mạo danh cán bộ thuế

Chiêu trò lừa đảo giả danh cán bộ thuế, công an đã không còn xa lạ trên mạng, tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, do các đối tượng giả danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân ‘sập bẫy’.

Thông tin từ Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trong tháng 4, các đối tượng lừa đảo còn làm giả cả giấy mời của đơn vị này để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Giấy mời giả mạo có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, khi người dân liên hệ theo số này, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển chi phí để được hỗ trợ hoàn thuế.

5 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng cần cảnh giác- Ảnh 1.

Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng khuyến cáo họ cần tìm hiểu và trang bị cho bản thân kiến thức để tự bảo vệ mình trên mạng xã hội; Không cung cấp thông tin cá nhân để tránh lộ lọt thông tin, dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi nhận được cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội,  người dân không nên giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính.

Giả danh công an để hù dọa, lừa chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng

Mới đây, một phụ nữ 68 tuổi sống tại Hà Đông (Hà Nội) bị đối tượng giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt 15 tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại tự xưng cán bộ công an, thông báo căn cước công dân của nạn nhân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và hướng dẫn cách xác minh. Do lo sợ, nạn nhân đã 32 lần chuyển khoản tổng số tiền 15 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

5 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng cần cảnh giác- Ảnh 2.

Từ vụ việc trên, Cục An toàn thông tin nhận xét, các đối tượng thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để "ra tay" lừa đảo. Do vậy, để đối phó với các đối tượng lừa đảo, mạo danh qua điện thoại, những người thân trong gia đình cần tuyên truyền để người cao tuổi nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả "bẫy lừa đảo" của đối tượng xấu. Cục An toàn thông tin cũng lưu ý thêm, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; Tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để lừa chiếm đoạt tiền

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên vừa khởi tố  8 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản", với thủ đoạn mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí nhằm đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản.

5 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng cần cảnh giác- Ảnh 3.

Cụ thể, sau khi làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí, các đối tượng đã dùng danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… thu thập thông tin. Khi tìm ra sơ hở, thiếu sót của cơ sở kinh doanh, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và bị phản ánh lên báo. Do lo sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã đưa tiền cho các đối tượng.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị, hiện nay tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

"Rộ" lừa đảo đầu tư chứng khoán trực tuyến tại Ấn Độ

Mới đây, thông qua hình thức giao dịch chứng khoán trực tuyến, bác sĩ 53 tuổi ở tại Kerala (Ấn Độ) đã bị lừa mất 34 triệu rupee, tương đương hơn 10,4 tỷ đồng. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là chủ động liên hệ và giới thiệu với nạn nhận về mô hình giao dịch chứng khoán trực tuyến đồng thời đưa ra những cơ hội kiếm tiền đầy tiềm năng.

Các đối tượng tạo dựng uy tín bằng cách đem về những khoản lợi nhuận nhỏ cho người tham gia, sau đó dụ dỗ họ tải về những ứng dụng giao dịch chứng khoán. Thực chất, đây là những ứng dụng cho phép nhóm đối tượng truy cập vào thông tin thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng của người dùng, từ đó dễ dàng đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Tương tự, một người tại Bhubaneswar (Ấn Độ) bị một nhóm dụ dỗ tham gia giao dịch chứng khoán trực tuyến và đã bị lừa mất khoảng 6 triệu rupee, tương đương 1,8 tỷ đồng.

Từ các tình huống lừa đảo ở Ấn Độ, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng trong nước cũng cần cẩn trọng trước những lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, đặc biệt là dưới hình thức trực tuyến của các đối tượng lạ. Người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng, sàn giao dịch uy tín và được xác thực; Cảnh giác khi nhận được các đề nghị, giới thiệu hoạt động đầu tư, nhất là qua không gian mạng.

Mỹ: Lừa cài ứng dụng "xác minh" giả mạo để đánh cắp thông tin, tài sản

Cục An toàn thông tin cho hay, thời gian gần đây, tại Mỹ đã có hàng loạt các trường hợp lừa đảo đánh cắp thông tin, tài sản qua các ứng dụng "xác minh" hẹn hò giả mạo. Lợi dụng nỗi sợ hãi của nhiều người khi tham gia hẹn hò trực tuyến, tội phạm mạng đã dụ các nạn nhân tải xuống những ứng dụng "xác minh" giả mạo cho phép chúng đánh cắp thông tin và tiền.

5 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng cần cảnh giác- Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Nguồn: NCSC

Cụ thể, sau khi gặp gỡ và làm quen với nạn nhân qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến, các đối tượng lừa đảo gửi cho họ đường dẫn tới một website, với nội dung giới thiệu, bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, trang web sẽ chứng nhận mức độ uy tín của người dùng đồng thời giúp họ phòng ngừa những cuộc hẹn hò với kẻ xấu hoặc tội phạm. Khi truy cập, người dùng sẽ thấy những tiêu đề bài báo giả mạo về tính chính thống của website, từ đó yêu cầu người dùng cung cấp tên, số điện thoại, email, thông tin thẻ ngân hàng. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, người dùng sẽ được chuyển tới một trang web hẹn hò có tính phí hàng tháng.

Trước hình thức lừa đảo kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng Internet trong nước cần cảnh giác khi có tin nhắn từ người lạ làm quen, đặc biệt là qua các ứng dụng hẹn hò. Người dùng cũng cần tìm hiểu và nâng cao kiến thức về dấu hiệu nhận biết các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến để bảo vệ bản thân trước trường hợp có dấu hiệu lừa đảo; Không làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ, không bấm vào các đường dẫn hay tải xuống các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Theo PV

Vnmedia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên