5 loài khủng khiếp nhất của "đại dương quái vật" vừa lộ diện
Có thể nói năm 2023 là năm của các quái vật đại dương thời tiền sử
1. Quái vật Trung Quốc "ra đời từ cõi chết"
252 triệu năm trước, Trái Đất trải qua thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử hành tinh: Đại tuyệt chủng Nhi Điệp - Tam Điệp, khiến cho 96% các loài sinh vật biển và 70% các loài động vật có xương sống trên đất liền biến mất.
Quái vật đại dương Hupehsuchus nanchangensis được hoài thai trong thời kỳ hỗn loạn đó.
Một nghiên cứu công bố năm 2023 bởi Trung tâm Khảo sát địa chất Trung Quốc và GS Michael Benton từ ĐH Bristol (Anh) đã tái hiện lại các đặc tính kỳ lạ của sinh vật được tìm thấy ở tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc dưới dạng một hóa thạch nguyên vẹn đến ngạc nhiên.
Loài này được cho là ra đời khoảng 3 triệu năm sau đại tuyệt chủng, thời kỳ địa cầu vẫn đang chập chững hồi phục.
Nó mang chiếc mỏ như bồ nông, thân hình như khủng long nhưng chân giống như vây, thuộc về một nhóm bò sát biển chưa từng được biết đến, họ hàng gần với ngư long.
2. Thương long "mình rồng" ở Mỹ
Quái vật biển mang tên Sarabosaurus dahli xuất hiện bất ngờ giữa Công viên quốc gia Glen Canyon ở bang Utah - Mỹ, được xác định là một loài thương long chưa từng biết trên thế giới. Thương long là những bò sát biển khổng lồ thời tiền sử, những "sát thủ" siêu hạng.
Sinh vật mới này đã 94 triệu năm tuổi, sở hữu nửa thân trước khá tròn giống các thương long khác, nhưng phần sau tương đối thuôn dài, giống mình của những con rồng trong truyền thuyết.
3. "Ông tổ" ngư long
Ngư long, tức ichthyosaur, là một trong những nhóm bò sát biển phổ biến nhất của đại dương quái vật những kỷ Tam Điệp, Jura, Phấn Trắng.
Một mẫu vật gồm những đốt sống được bảo quản tốt được công bố năm 2023 cho thấy loài này còn "già" hơn khủng long rất nhiều và cũng "sinh ra từ cõi chết" giống quái vật biển của Trung Quốc.
Nó lộ diện từ Hệ tầng Vikinghøgda trên đảo Spitsbergen ở Bắc Cực, được xác định là đã 250 triệu tuổi.
4. "Chúa tể ma" một nhát cắn đứt đôi thủy quái dài 6 m
Một con Tanystropheus hydroides, vốn là bò sát biển khổng lồ 240 triệu năm trước, được khai quật tại "mỏ hóa thạch" Monte San Giorgio, nằm ở biên giới Thụy Sĩ và Ý. Nhưng đó chưa phải điều gây kinh ngạc nhất.
Hóa thạch con vật bị đứt đôi, mà theo nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên bang Stuttgart (Đức) là do nhát cắn chí mạng của một loài nào đó chưa được xác định.
Dù con vật giết chết con Tanystropheus hydroides là gì, nó phải là một vị "chúa tể đại dương" cực kỳ kinh khủng, bởi Tanystropheus hydroides vốn đã dài 6 m và là sát thủ đáng gờm của đại dương cổ đại.
5. "Sát thủ tối thượng kỷ Jura"
Không rõ "chúa tể ma" nói trên và chiếc hộp sọ khủng khiếp được tìm thấy bên bờ biển hạt Dorset nước Anh có liên quan như thế nào với nhau hay không. Chỉ có một điều chắc chắn: Cả hai đều kinh dị ngoài sức tưởng tượng.
Trong năm 2023, các nhà khoa học Anh đã phát hiện và nghiên cứu một hộp sọ quái vật biển dài đến 2 m, mà theo các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bristol (Anh), chúng thuộc về một loài chưa xác định.
Hộp sọ khổng lồ này còn nguyên 130 chiếc răng, mỗi chiếc đều như một con dao sắc bén, nguy hiểm. Ước tính con vật này phải dài đến 12 m và rất nguy hiểm, nên các nhà khoa học đặt biệt danh là "sát thủ tối thượng kỷ Jura".
Người Lao động