5 năm “nông dân hoá” của MC Minh Trang và sự kiên định với mô hình giáo dục thiên nhiên giúp trẻ nhỏ trưởng thành và hạnh phúc hơn
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trở thành MC - người dẫn chương trình được yêu thích trên sóng VTV từ những năm 2005, giờ đây Minh Trang không chỉ được biết đến là MC của các chương trình giáo dục, xã hội, khởi nghiệp, mà còn là bà mẹ của 4 con nhỏ với niềm đam mê “bỏ phố về làng”, xây dựng và triển khai
PV: Từng là một người dẫn các chương trình ca nhạc, giải trí, talkshow phát sóng khung giờ vàng và nhận được sự yên mến của khán giả và cả sự nổi tiếng nữa, vì sao chị quyết định chọn hướng phát triển tiếp theo ở lĩnh vực giáo dục, cụ thể là giáo dục thiên nhiên?
Cùng lứa với tôi đúng là có nhiều bạn diễn viên, MC lựa chọn những hướng đi thú vị và mang lại nguồn lợi kinh tế nhanh chóng như kinh doanh mỹ phẩm, thời trang, mở nhà hàng, quán cafe hay lấn sân sang các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí khác. Tôi lại hơi khác một chút vì nhà có 4 em bé, tôi thích đông con và luôn cảm thấy được truyền thứ năng lượng tích cực, vui vẻ khi ở bên cạnh trẻ nhỏ. Tôi từng trải qua một khoảng thời gian loay hoay tìm kiếm những hoạt động trải nghiệm cuối tuần và trong dịp hè để con thêm dạn dĩ, gần gũi với thiên nhiên, có được những khoảng thời gian thong dong, thư giãn đồng thời học thêm nhiều kỹ năng, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp từ thiên nhiên… nhưng chưa có mô hình nào khiến tôi thực sự bị thuyết phục về cả chất lượng và sự liên tục nên tôi quyết tâm bắt tay vào xây dựng một “ngôi làng nhỏ” ở quê cho chính 4 đứa con của tôi và mở rộng cánh cổng chào đón thật nhiều các em bé khác cùng tới trải nghiệm.
Ý tưởng về Làng Háo Hức được ấp ủ từ năm 2019 và tới 2020 thì chính thức ra đời với trang trại đầu tiên rộng 14ha tại Thái Nguyên. Cái tên “Làng Háo Hức” xuất phát từ những kỉ niệm đầy háo hức của chính tuổi thơ tôi, được bố mẹ cho về quê cả mùa hè với ông bà, được trốn ngủ trưa lang thang ngoài vườn hết trèo cây, hái quả, tới đuổi gà, bắt cá, nhặt hoa của cây trứng gà xâu thành vòng đeo tay, mài ống lon rồi kiếm vài viên gạch, vài cảnh cây khô để nấu cơm…
PV: Mong muốn của chị với mô hình Làng Háo Hức là gì?
Nhiều người “bỏ phố về quê” để tìm kiếm một không gian nghỉ dưỡng cho gia đình mình. Với Làng Háo Hức, tôi đã dành 5 năm vừa rồi để học hỏi, tìm hiểu, vừa ở góc nhìn một người “nông dân tập sự”, vừa là một người mẹ, một người yêu môi trường và tâm huyết với giáo dục đầu đời để xây dựng một mô hình trại hè kết hợp giáo dục thiên nhiên và môi trường cho các bạn nhỏ 5-13 tuổi vào dịp nghỉ hè, đồng thời là điểm đến nghỉ ngơi, gắn kết của cha mẹ và con nhỏ, của mọi người ở mọi lứa tuổi, không chỉ là gắn kết với nhau mà còn là nơi mọi người tìm lại được sự gắn kết giữa bản thân và thiên nhiên.
Các chương trình trại hè lấy bối cảnh và chất liệu thiên nhiên được thiết kế với đa dạng hoạt động vận động, tìm hiểu văn hoá, lịch sử, bồi đắp những tính cách tốt như sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần vượt khó; cùng những kỹ năng quan trọng như tự lập, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc…
”Ngay cả quãng thời gian “xả hơi” với các trò chơi dân gian như cà kheo, nhảy dây, ô ăn quan, chơi chuyền, ném lon, bịt mắt đập niêu… cũng là “chơi mà học” giúp trẻ thêm khéo léo, thêm sức bền và cả tư duy logic nữa!”
PV: Với một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một phụ nữ thành thị chính hiệu như chị có gặp trở ngại gì khi về quê và thiết kế các chương trình trải nghiệm thiên nhiên gắn với làng quê?
Từ cảm nhận của bản thân, tôi luôn tin bất kỳ ai khi đứng trước thiên nhiên đều mang trong mình sự tò mò, háo hức khám phá và niềm vui giản dị như một đứa trẻ. Ban đầu tôi cũng có chút lo ngại, rằng hơn 30 tuổi mới lần đầu vác cuốc ra vườn thì liệu tôi có làm được không. Nhưng rồi hoá ra tôi lại rất hợp và rất thích là đằng khác. Bản thân mình phải thực sự trải nghiệm và yêu thích thì mình mới truyền được niềm yêu thích và sự thú vị đó tới mọi người được.
“Ngoài làm vườn, chăm cây, tôi cũng từng chạy xe sang nhà hàng xóm xúc đầy bao tải phân gà, phân trâu, rồi ủ cá, ủ bã đậu nành để bón vườn. Những lúc có thời gian rảnh, tôi tranh thủ ủ mấy thùng bồ hòn to để rửa bát, lau sàn, giặt đồ dần”
Khó khăn và thử thách của tôi lại không đến từ việc xây dựng chương trình hay thiết kế các khu vực hoạt động, trải nghiệm vì tôi may mắn được gặp gỡ và đồng hành với những bạn cộng sự đầy tâm huyết với giáo dục, có nền tảng sư phạm, tâm lý học, môi trường… cộng thêm quãng thời gian du học ở Mỹ được quan sát và học hỏi từ những mô hình trại hè hàng trăm năm tuổi. Điều thử thách tôi và đội ngũ chính là ở việc thuyết phục phụ huynh, giúp phụ huynh nhận ra những điều tuyệt vời khi con trẻ tạm rời xa căn phòng máy lạnh để chơi với thiên nhiên, rằng một vài vết muỗi đốt hay làn da rám nắng không làm cho các bạn ấy giảm bớt niềm vui và hạnh phúc khi được khám phá và làm quen với những người bạn mới…
PV: Nhìn lại quyết định của mình sau 5 năm, chị thấy “được” gì và “mất” gì?
Tôi thấy “được” nhiều vô kể. 5 năm qua, Làng Háo Hức được đón hơn 3000 bạn trại sinh tới trải nghiệm. Được trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của 3000 em nhỏ, thực sự là niềm hạnh phúc chẳng có gì so sánh được! Chúng tôi cũng “lãi” được rất nhiều yêu thương qua những chia sẻ nho nhỏ, chân thành của cha mẹ, từ việc con đi trại hè về đã không còn sợ chó, hết sợ côn trùng, ăn uống tự giác, ngon miệng, biết tự gập gấp màn siêu gọn đẹp… à, có bạn bố mẹ “bó tay” nhưng đi trại hè về còn giảm được vài cân trong sự ngỡ ngàng và sung sướng của gia đình! Từng nét chữ có lúc nắn nót, có lúc nguệch ngoạc, ghi lại bao nhiêu sự trưởng thành, cả những nỗi nhớ nhung của các bạn gửi cho các thầy cô ở Làng cũng là động lực để chúng tôi thêm tin tưởng vào những việc đang làm.
“Cái được lớn nhất của Làng Háo Hức là sự trưởng thành và hạnh phúc của các bạn nhỏ”
Khởi đầu với một Làng ở Thái Nguyên, giờ đây chúng tôi đã có thêm Làng mới ở Vũng Tàu và sắp tới là Đà Nẵng qua mô hình nhượng quyền, giúp những gia đình tâm huyết với giáo dục và mong muốn phát triển tại chính địa phương của mình có cơ hội lan toả niềm vui với thiên nhiên tới thật nhiều bạn nhỏ khắp mọi miền đất nước.
PV: Chị có tự tin mô hình trải nghiệm thiên nhiên và những ngôi Làng Háo Hức sẽ phát triển trong tương lai?
Tôi luôn tin vào việc cuộc sống ngày càng hiện đại thì con người càng cần những phút giây được chậm lại và tận hưởng thiên nhiên. Tôi không dám mạnh miệng rằng Làng Háo Hức sẽ tăng trưởng gấp 5, gấp 10 hay duy trì 20-30 năm nữa, nhưng chắc chắn nếu không phải là Làng Háo Hức thì sẽ là những Làng Vui Vẻ hay Làng Thảnh Thơi nào đó, nơi luôn mở rộng cửa đón các bạn nhỏ (và các bạn đã-từng-nhỏ), đông cũng như hè, tới chơi và được sạc đầy thứ năng lượng tích cực, yêu thương từ thiên nhiên.
Tổ Quốc