MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 tháng, TP.HCM mới giải quyết được 6 hồ sơ tài chính đất đai

05-07-2022 - 14:28 PM | Bất động sản

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, chỉ có 6 hồ sơ nghĩa vụ tài chính với giá trị hơn 3.800 tỷ đồng được phê duyệt.

Sở TN&MT TP.HCM cho biết, từ 1/1-31/5, đơn vị đã trình 10 hồ sơ lên chính quyền TP.HCM, trong đó, có 6 hồ sơ đã được phê duyệt với tổng số tiền hơn 3.800 tỷ đồng.

Công tác giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đất đai đang chậm vì khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều dự án nhà ở.

Cơ quan này đang giải quyết 510 hồ sơ. Trong đó, có 160 hồ sơ đang thực hiện, 235 hồ sơ được hoàn trả cho tổ chức hoặc hủy bỏ; 115 hồ sơ vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật, đất nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án, nguồn gốc đất công…

5 tháng, TP.HCM mới giải quyết được 6 hồ sơ tài chính đất đai - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, chỉ có 6 hồ sơ tài chính đất đai được TP.HCM phê duyệt. Ảnh: Vũ Phạm

 Từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã tiếp nhận 794 hồ sơ thẩm định giá đất theo giá thị trường để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có 282 hồ sơ đã trình UBND TP hoặc đã được Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM thông qua.

Liên quan đến các lý do giải quyết hồ sơ còn chậm và các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đất đai, Sở TN&MT TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM tại Công văn 3274 ngày 28/4/2022, trong đó Sở TN&MT TP.HCM, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương và Chính phủ, nhưng phần lớn chưa được tháo gỡ.

Những khó khăn vướng mắc và kiến nghị hướng xử lý đối với hồ sơ xác định giá đất cụ thể; kiến nghị áp dụng, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TPHCM, Sở TN&MT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để kịp thời huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ (kèm theo biện pháp ràng buộc nhằm đảm bảo thu đủ ngân sách Nhà nước), giảm áp lực về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua trong các dự án nhà ở.

Theo tìm hiểu, thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi đơn kiến nghị gỡ vướng đối với hơn 110 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM. Các dự án này chủ yếu gặp vướng mắc về vấn đề thủ tục đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên không triển khai được trong nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí đối với chủ đầu tư và cả khách hàng.

Để giải quyết những bất cập hiện tại của thị trường bất động sản, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị phải đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có "quyền" được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở" phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

"Tôi thống nhất với ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 2/6/2022 đã đề xuất Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp giấy phép xây dựng", ông Châu nói và cho biết, có như vậy thì các dự án mới có thể được giải cứu và thị trường được khơi thông.

Vị Chủ tịch HoREA nhận định, hiện nay do hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án.

Theo Liên Phượng

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên