MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 trụ cột giúp tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của Việt Nam

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh này đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận.

5 trụ cột giúp tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của Việt Nam - Ảnh 1.

Trà Vinh là tỉnh duyên hải nằm ở phía Đông Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trà Vinh tiếp giáp về phía Bắc với tỉnh Bến Tre và được ngăn cách bởi sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền), phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng qua ranh giới sông Hậu, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông là biển Đông.

Tỉnh Trà Vinh có vị trí là vùng đặc thù về dân tộc, có vị trí địa chính trị quan trọng và chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Trà Vinh có đường bờ biển dài, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển; có tiềm năng lớn về nông sản, thủy, hải sản giá trị cao.

Tỉnh có lợi thế tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo để trở thành một trung tâm năng lượng; có tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử dựa trên điều kiện tự nhiên đặc sắc, văn hóa đa dân tộc; có nguồn lao động trẻ dồi dào.

5 trụ cột giúp tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của Việt Nam - Ảnh 2.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 8,51%, (xếp thứ 2/13 vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ 11/63 cả nước), trong đó, công nghiệp tăng 17,39%, nông - lâm - thủy sản tăng 2,04%; thu ngân sách đạt 100,28% kế hoạch, tăng 24,08%; giải ngân vốn đạt 52,54%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trà Vinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thách thức cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh còn thiếu và chưa kết nối với các trục giao thông chính của vùng và cả nước.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; một số công trình, dự án triển khai còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics, năng lượng…

5 trụ cột giúp tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của Việt Nam - Ảnh 3.

Khuôn viên Khu di tích Đền thờ Bác Hồ.

Theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trong Thông báo số 460/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mới. Thực hiện hiệu quả các trọng tâm chiến lược để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững.

Để thực hiện được điều này, Trà Vinh cần dựa trên 5 trụ cột chính. Đầu tiên là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tư duy kinh tế nông nghiệp. Thứ hai là lấy kinh tế biển làm động lực. Thứ ba, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung vào chế biến nông sản, năng lượng tái tạo.

Thứ tư là thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuối cùng là kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại.

5 trụ cột giúp tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của Việt Nam - Ảnh 4.

Đồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế giao thông đường thủy của vùng, kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế. Phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ. Tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); khai thác tốt thị trường nội địa và nước ngoài.

Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đa dạng hóa các nguồn lực, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu, hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực, phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch dựa trên khai thác tốt các giá trị lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa.

Song song với đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Pha Lê

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên