Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận: Cơ hội phát triển những giá trị khác biệt
Thực hiện Luật Quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận đã tích cực lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua hơn hai năm thực hiện, ngày 10/11/2023, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg. Để làm sáng tỏ quan điểm, mục đích cũng như các giải pháp thực hiện, những kỳ vọng vào sự phát triển mới của “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.
Thưa ông, được biết ngày 28/4, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể cho biết quan điểm, mục đích cũng như kỳ vọng của tỉnh sau sự kiện này?
Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư vào địa phương, nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo hiệu ứng lan tỏa, huy động tốt nhất các nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm hiện thực hóa Quy hoạch.
Quy hoạch của tỉnh đặt ra kịch bản mới với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Theo đó, Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
Xin ông phân tích rõ nội dung quy hoạch tỉnh trong giai đoạn này?
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo kịch bản tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm tới đạt từ 10 - 11%/năm. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh kế thừa các phương pháp luận và cách tiếp cận nghiên cứu trước đây theo mô hình kim cương nhưng có tích hợp các nguồn lực và bổ sung các lý luận mới, mô hình như kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ, đảm bảo Quy hoạch tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển và phù hợp với các xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.
Trên cơ sở đó, tỉnh xác định 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng, gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản. Đây là 5 nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với chủ trương, định hướng, chiến lược của cả nước và vùng trong giai đoạn tới. Đồng thời, tỉnh xác định 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ninh Thuận đặt con người là hạt nhân phát triển và là động lực, mục tiêu, nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về quy hoạch bố trí không gian phát triển, tỉnh tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 3 hành lang phát triển. Trong đó, vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm phát triển tổng hợp đa ngành; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, hướng đến thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch. Vùng phía Tây phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.
Quy hoạch lần này, địa phương cũng xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, điện khí LNG Cà Ná…; đến năm 2030 vùng động lực phía Nam sẽ đóng góp 50 - 51% GRDP của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kết nối liên thông, kết nối vùng, đa mục tiêu và theo hướng hiện đại; trong đó, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối cao tốc, cảng tổng hợp Cà Ná lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; hạ tầng cảng biển, logistics, hạ tầng truyền tải, khu công nghiệp, du lịch, sân bay, tạo động lực cho phát triển.
Vậy ông có thể cho biết giải pháp của tỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới?
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư hạ tầng và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư. Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính kết nối vùng, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Sân bay Thành Sơn; hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná; tuyến đường sắt kết nối với nhà ga Cà Ná đến cảng biển; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; cảng cạn và Trung tâm logistics hạng II.
Đồng thời, địa phương tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư; tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo quy định.
Tỉnh sẽ áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án trên địa bàn. Theo đó, Ninh Thuận áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Trong đó, toàn bộ các huyện của tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, áp dụng mức ưu đãi đầu tư địa bàn theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quy định các mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoạt động đầu tư sản xuất; nghiên cứu giống mới...
Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án trong các khu công nghiệp. Cụ thể, đối với việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Phước Nam, Du Long, Cà Ná, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo (áp dụng cho các dự án thứ cấp đầu tư vào 3 khu công nghiệp trên).
Sau khi Quy hoạch được công bố, định hướng của tỉnh về liên kết, phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước như thế nào để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thưa ông?
Ninh Thuận xác định liên kết, hợp tác có ý nghĩa quan trọng để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tỉnh trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng cũng như khai thác các tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương; thiết lập được khung pháp lý và tạo cơ chế để các cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh có điều kiện triển khai các chương trình, dự án cụ thể. Đồng thời, qua hợp tác, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ trong tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần tích cực hội nhập vào kinh tế khu vực và cả nước.
Sau khi Quy hoạch được công bố, để tham gia các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hợp tác, liên kết vùng, tỉnh đã và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác với các tỉnh để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, địa phương tập trung hợp tác xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ (xây dựng 1 tour 2 điểm đến) dựa trên thế mạnh du lịch của từng tỉnh; hợp tác phát triển du lịch kết hợp phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm, các loại hình du lịch độc đáo, khác biệt.
Song song đó, Ninh Thuận sẽ tăng cường hợp tác phát triển kinh tế biển, phát huy những lợi thế của biển, nhất là trong khai thác các nguồn lợi từ biển như đánh bắt hải sản, phát triển nuôi biển sâu, phát triển nuôi trồng các loại rong biển, tảo biển và kết hợp nuôi biển với du lịch… Qua đó, trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Tỉnh sẽ phối hợp lập quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn các tỉnh; hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các cảng trong việc kết nối cung cầu để thuận tiện đưa hàng hóa qua các cảng.
Đối với việc hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, UBND tỉnh tăng cường cung cấp thông tin về xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; cung cấp thông tin các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế của các tỉnh; liên kết phát triển các trung tâm logistics có tính cạnh tranh cao trong khu vực; phát triển kinh doanh bất động sản, nhất là bất động sản du lịch, đô thị, công nghiệp.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Báo tin tức