Sớm hoàn thiện nút giao, đường kết nối với cao tốc để phát huy hiệu quả khai thác
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn số 4752/BGTVT-KHĐT báo cáo Chính phủ việc kết nối các tuyến cao tốc theo Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, Bộ GTVT đã nhận được 53 kiến nghị từ các địa phương liên quan đến nút giao cao tốc và 81 kiến nghị liên quan đến tuyến đường kết nối cao tốc.
Cần khoảng 174.500 tỷ đồng vốn
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, thực hiện Công điện số 769, Bộ đã có các văn bản gửi các địa phương hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến cao tốc, trong đó đề nghị các địa phương nghiên cứu định hướng phát triển các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới, cửa khẩu... trong quy hoạch để thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường cao tốc hiện có, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao nhất, trên cơ sở cân đối nhu cầu vốn để đầu tư thực hiện.
Theo thống kê, Bộ GTVT đã nhận được 134 kiến nghị của các địa phương, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 174.500 tỷ đồng để hoạt thiện các nút giao, tuyến đường kết nối với cao tốc. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang kiến nghị bố trí vốn để đầu tư xây dựng nút giao trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; tỉnh Hà Nam kiến nghị về 2 nút giao trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi kiến nghị bổ sung 4 nút giao hoặc mở rộng các nút giao hiện hữu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; thành phố Cần Thơ kiến nghị bố trí vốn xây dựng đường kết nối trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trường hợp cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện các nút giao, đường kết nối sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có cao tốc đi qua. Đối với đường cao tốc xây dựng mới, việc xây dựng nút giao tuân thủ quy định về khoảng cách giữa các nút giao theo quy chuẩn đường cao tốc QCVN 115:2024/BGTVT, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729:2012, trong đó, khoảng cách tối thiểu giữa các nút giao và các chỗ ra, vào đường cao tốc là 4 km; giữa các vị trí nút giao là 10 km; ở gần các thành phố lớn, khu đô thị và khu chức năng quan trọng là 5 km.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay số vốn để đầu tư là khó khả thi, trong khi cả nước đang cần ưu tiên đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe và tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu có 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Cân đối vốn làm trước các nút giao, đường nối cao tốc cấp thiết
Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của địa phương, vai trò của các tuyến cao tốc, khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá sơ bộ mức độ ưu tiên các kiến nghị của địa phương trên tổng thể các tiêu chí. Về quy hoạch, Bộ GTVT ưu tiên đầu tư các nút giao, tuyến kết nối phù hợp với các quy hoạch có liên quan (phù hợp về quy mô, tiến độ đầu tư trong quy hoạch).
Mức độ ưu tiên sẽ đầu tư trước các tuyến kết nối, nút giao có nhu cầu vận tải tăng cao, cần thiết sớm đầu tư bổ sung hoặc mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư các nút giao, tuyến kết nối với cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Đối với các nút giao, Bộ GTVT đề nghị ưu tiên đầu tư các nút giao kết nối các đầu mối giao thông lớn như khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Đối với tuyến kết nối, ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 tại các vị trí nút giao hiện hữu để tăng cường lưu thông và kết nối với các đầu mối vận tải đã có trên Quốc lộ 1; nâng lên tối thiểu 2 làn xe các tuyến kết nối hiện hữu; mở rộng các đoạn tuyến kết nối có quy mô thắt hẹp, chưa đồng bộ với các đoạn tuyến liền kề.
Dựa vào các tiêu chí này, Bộ GTVT đề xuất phân loại đầu tư các nút giao, tuyến kết nối theo 4 nhóm, gồm: Các nút giao, tuyến kết nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác; các nút giao, tuyến kết nối có nhu cầu cấp thiết, cần sớm bố trí vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 – 2025; các nút giao, tuyến kết nối cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, trong đó được phân chia theo thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT và địa phương; các nút giao, tuyến kết nối trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, khai thác.
Cụ thể, đối với các nút giao, tuyến kết nối có nhu cầu cấp thiết, cần sớm bố trí vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối khoảng 4.352 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương hàng năm, nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ Bộ GTVT khoảng 2.075 tỷ đồng để đầu tư 8 tuyến kết nối là các Quốc lộ 19B, 19C, 29, 217, 217B, 49, 10, 91); hỗ trợ 8 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế) khoảng 2.277 tỷ đồng để đầu tư 2 nút giao, 10 tuyến kết nối.
Đối với các nút giao, tuyến kết nối cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ rà soát, ưu tiên bố trí khoảng 24.833 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư 4 nút giao, 12 tuyến kết nối là Quốc lộ, nhánh nối cao tốc (các Quốc lộ 9B, 1, 47, 45, 40B, 28, 55, 70B, 34B, 3, 2 nhánh nối trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương).
Đối với các nút giao, tuyến kết nối trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, khai thác, Bộ GTVT kiến nghị giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo thu xếp nguồn vốn khoảng 7.007 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư 7 nút giao, 1 tuyến kết nối theo kiến nghị của 6 địa phương: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Báo tin tức