5 xu hướng tài chính vừa biến mất mãi mãi, bạn nhất định phải biết nếu không muốn mất tiền
Các nhà đầu tư đã có một năm 2022 đầy khó khăn. Nhưng nếu nhìn vào các xu hướng tài chính đã bị đảo ngược trong năm vừa qua, chúng ta nên thở phào vì đáng lẽ mọi chuyện đã có thể tệ hơn thế.
- 21-12-2022Lời khuyên làm giàu cho năm 2023 của các nhà đầu tư bất động sản: Đừng ngại lãi suất cao, hãy cứ mua nhà vì đây là thời điểm có 1-0-2
- 19-12-2022Mục tiêu là kiểm soát giá cả, nhưng đây là lý do lạm phát đạt đỉnh trở thành 'nỗi đau đầu' với các NHTW trên thế giới trong lộ trình điều chỉnh lãi suất
- 15-12-2022Dù giữ vững lập trường về lãi suất, duy còn một vấn đề khiến Fed ‘mông lung’
Trên thị trường tài chính, những thảm họa tồi tệ nhất thường bất ngờ ập đến khi thứ gì đó đang được coi là lẽ dĩ nhiên bất chợt bị đặt dấu hỏi, ví dụ như những củ hoa tulip có giá trên trời hay gần đây nhất chính là mức lãi suất siêu thấp. Các nhà đầu tư đã có một năm 2022 đầy khó khăn. Nhưng nếu nhìn vào các xu hướng tài chính đã bị đảo ngược trong năm vừa qua, chúng ta nên thở phào vì đáng lẽ mọi chuyện đã có thể tệ hơn thế.
Tờ Economist chỉ ra 5 điểm quan trọng nhất đã và sẽ mang đến những tác động lâu dài.
Thời kỳ tiền rẻ chấm dứt
Trong tương lai, khi các nhà nghiên cứu về lịch sử hệ thống tài chính nhìn lại thập niên những năm 2010, chắc hẳn họ sẽ tự hỏi tại sao mọi người lại nghĩ rằng lãi suất có thể ở mức gần 0 mãi mãi. Kể cả đến năm ngoái, một số quỹ đầu tư uy tín vẫn đưa ra các báo cáo nhận định lãi suất sẽ tiếp tục ở mức siêu thấp.
Chi phí đi vay đã liên tục giảm xuống trong nhiều thập kỷ, kết hợp với khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người đi đến kết luận như vậy.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lạm phát dai dẳng đã khiến câu chuyện thay đổi. Cục dự trữ liên bang Mỹ đang ở trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980. Mục tiêu lãi suất liên bang đã tăng tới 4 điểm phần trăm, lên 4,25 – 4,5%. Các NHTW trên toàn thế giới cũng theo chân Fed.
Thị trường dự báo lãi suất sẽ ngừng tăng vào năm 2023, đạt đỉnh trong khoảng 4,5 – 5% ở Anh và Mỹ, 3 – 3,5% ở Eurozone. Tuy nhiên niềm hi vọng đã bị dập tắt. Các quan chức Fed trong cuộc họp mới nhất dự báo đến cuối năm 2023 lãi suất sẽ ở trên 5%, trước khi giảm xuống còn khoảng 2,5% trong dài hạn. Rõ ràng là kỷ nguyên tiền rẻ đã đi đến hồi kết.
Cái chết của thị trường con bò
Thị trường con bò không ‘chết’ vì tuổi cao mà đã kết thúc dưới bàn tay của các NHTW. “Con bò” của năm 2022 dù là lâu nhất trong lịch sử nhưng cũng không phải là ngoại lệ. Từ hậu khủng hoảng tài chính 2009 đến khi lập đỉnh vào cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng 600%. Trong suốt quãng đường ấy, những đợt điều chỉnh dù mạnh nhưng đều kết thúc chóng vánh.
Sự sụp đổ của năm nay kéo dài không dứt. Chỉ số S&P 500 đã giảm một phần tư, chạm đáy vào giữa tháng 10 và đến nay vẫn giảm 20%. Chỉ số cổ phiếu toàn cầu của MSCI giảm 20%. Cổ phiếu không phải là loại tài sản duy nhất lao dốc. Giá cổ phiếu giảm một phần là do lãi suất tăng, làm tăng lợi suất trái phiếu và làm cho các tài sản rủi ro kém hấp dẫn hơn. Theo dữ liệu của Bloomberg, trái phiếu toàn cầu, Mỹ, châu Âu và thị trường mới nổi đã giảm lần lượt 16%, 12%, 18% và 15%.
Thị trường con bò với tất cả mọi thứ đã chấm dứt.
Dòng vốn bốc hơi
Những năm gần đây, vốn không chỉ rẻ mà còn có ở khắp mọi nơi. Chính sách nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương (vốn ra đời trong khủng hoảng tài chính để giải cứu thị trường) tiếp tục phình to lên mức chưa từng có tiền lệ trong đại dịch. Tổng cộng NHTW các nước gồm Mỹ, Anh, Eurozone và Nhật Bản đã bơm hơn 11.000 tỷ USD vào nền kinh tế.
Với nguồn cung quá lớn, lợi suất trái phiếu liên tục xuống đáy. Điều này khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các tài sản có lợi suất cao hơn và do đó tìm đến góc khuất mang tính đầu cơ trên thị trường, khiến những loại tài sản này bùng nổ. Nếu như trong thời kỳ 1997 – 2007, trung bình các doanh nghiệp Mỹ phát hành 100 tỷ USD trái phiếu rác mỗi năm thì trong những năm 2010 con số lên tới 270 tỷ USD và lên tới 486 tỷ USD trong năm 2021.
Đến năm nay, con số đã giảm 75%. Fed và NHTW Anh đã đảo ngược chương trình mua trái phiếu, trong khi ECB chuẩn bị làm tương tự. Thanh khoản sụt giảm nhanh chóng. Sau khi phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2021 với tổng số tiền huy động được là 655 tỷ usd trên toàn cầu, hoạt động ipo gần như đóng băng. Tại thị trường Mỹ ảm đạm nhất kể từ năm 1990. Giá trị các thương vụ M&A cũng giảm mạnh.
Cổ phiếu giá trị đánh bại cổ phiếu tăng trưởng
Những năm vừa qua là thời kỳ đáng quên đối với các nhà đầu tư giá trị vốn luôn kiếm tiền những cổ phiếu ở mức giá rẻ mạt so với tiềm năng thực sự của chúng. Lãi suất thấp và cuộc đua tìm kiếm lợi suất khiến cách tiếp cận thận trọng trở nên không được ưa chuộng. Thay vào đó, nhà đầu tư thích các cổ phiếu tăng trưởng có mức giá cao tới vô lý nếu so với lợi nhuận ở thời điểm hiện tại. Từ tháng 3/2009 đến cuối năm 2021, chỉ số cổ phiếu tăng trưởng do MSCI thống kê đã tăng trưởng gấp đôi so với nhóm cổ phiếu giá trị.
2022, lãi suất tăng khiến tình thế đảo ngược. Khi lãi suất là 1%, để có 100 USD trong 10 năm nữa, bạn phải gửi tiết kiệm 91 USD từ bây giờ. Nhưng với lãi suất 5%, bạn chỉ cần gửi 61 USD. Thời kỳ tiền rẻ chấm dứt khiến tầm nhìn của nhà đầu tư thu hẹp lại và muốn thu được lợi nhuận càng sớm càng tốt.
Vỡ bong bóng tiền số (một lần nữa)
Những người luôn cho rằng tiền số không hề có giá trị và chẳng khác gì đánh bạc chắc hẳn sẽ rất hài lòng với sự sụp đổ của FTX. Không chỉ khiến 8 tỷ usd tiền gửi của khách hàng biến mất, FTX còn được sáng lập bởi Sam Bankman-Fried, ngôi sao của giới tiền số. Giới chức Mỹ gọi đây là vụ lừa đảo khổng lồ, còn Sam đã bị bắt và có thể bị buộc tội hình sự và phải chịu án chung thân.
Sự sụp đổ của FTX cũng đánh dấu bong bóng tiền số mới nhất vỡ tung. Ở đỉnh cao năm 2021, giá trị vốn hóa của thị trường này lên tới gần 3.000 tỷ đô, so với mức gần 800 tỷ đô ở thời điểm đầu năm.
Tham khảo The Economist
Nhịp sống thị trường