500 tỉ là đủ giải cứu đường ra vô Tân Sơn Nhất
Hệ thống Metrocable tại Medellin (Colombia) hiện là tuyến cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới nhưng nó đã hiển nhiên trở thành kênh dẫn khởi nghiệp cho thế hệ trẻ Medellin và rất có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho TP.HCM - TP khởi nghiệp cho giới trẻ.
- 21-09-2016Tân Sơn Nhất gặp sự cố, hành khách phải check in thủ công
- 20-09-2016TP.HCM: Chi hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư 5 dự án cấp bách "giải cứu" ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
- 17-09-2016Tân Sơn Nhất ngập nặng do mương thoát nước bị 'bức tử'
Năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất đón 26,5 triệu lượt khách thì giao thông cửa ngõ đã ùn tắc kinh hoàng.
TP đã lên nhiều phương án như làm đường trên cao nối trung tâm, đường vòng quanh sân bay và cầu vượt hầm ngầm cửa ngõ sân bay nhưng ngay trong các giải pháp trước mắt đã đặt ra những thách thức mới.
Một là chi phí xây lắp cầu vượt tại VN ngày càng tăng, ví dụ: cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội) năm 2006, kết cấu bêtông ứng suất trước kết hợp dây văng khá phức tạp, giá thành quy đổi là 3.483 USD/m2; cầu Nguyễn Chí Thanh - Láng hoàn thành năm 2012 thuộc loại cầu sắt nhẹ, giá thành 3.483 USD/m2; cầu Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã cùng loại, hoàn thành năm 2013 với giá 3.680 USD/m2.
Còn cầu vượt và hầm chui vào sân bay Tân Sơn Nhất do Sở GTVT đề xuất tháng 8-2016 đắt gần gấp đôi, 6.358 USD/m2.
Thách thức thứ hai là tình trạng ách tắc sẽ càng trầm trọng khi thi công.
Ba là về lâu dài thì ngày càng tắc hơn vì thông bên ngoài sẽ tắc bên trong, đường tăng một thì ôtô, xe máy tăng gấp mấy lần.
Con đường sáng tạo của thành phố khởi nghiệp
Ga cáp treo nối với ga đường đô thị, khép kín mạng lưới giao thông công cộng. Trong ảnh là ga Santo Domingo - Nguồn: M.lopaisa.com
Về mặt lý thuyết thì trung tâm thành phố nối với sân bay bằng các tuyến express như tàu cao tốc đi ngầm - nổi hay trên cao, tàu một ray (monorail), tàu đệm từ (maglev), buýt nhanh, đường cao tốc...
Nhưng hiện tại, các loại hình này không thể áp dụng tại Tân Sơn Nhất được. Ngay cả cầu vượt từng đoạn cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể là kế lâu dài cho sân bay tương lai 30-40 triệu hành khách/năm, nhiều gấp đôi hiện tại.
Từ năm 2001, thành phố Medellin (Colombia) bắt đầu xây dựng hệ thống cáp treo Metrocable nối trung tâm TP với khu vực dân cư dày đặc nhưng thiếu hạ tầng dịch vụ.
Năm 2004 khai trương tuyến K, dài 2 km đi Santo Domingo, phục vụ 230.000 dân.
Năm 2008, tuyến J, dài 2,2 km đến La Aurora, phục vụ 295.000 người.
Năm 2009, tuyến L, dài 4,6 km đi Parque Arvi, kết hợp du lịch.
Năm 2015, tiếp tục xây mới tuyến H và tuyến M.
Dù trên đất bằng hay địa hình có độ dốc cao, việc xây dựng đều rất nhanh. Ví dụ tuyến L chỉ mất 16 tháng xây dựng với ngân sách 23 triệu USD (500 tỉ VND).
Cứ 12 giây lại có 1 cabin chở 10 người, tức là khoảng 3.000 người/giờ.
Nội suy cho thấy năng lực chuyên chở có thể 10-15 triệu người/năm cho mỗi tuyến.
Hệ thống dùng 6.000 kW/ngày. Trong trường hợp mất điện, hệ thống sử dụng động cơ diesel. Metrocable đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Santo Dimingo đến trung tâm TP từ 2 giờ (bằng xe buýt) xuống còn 7 phút, tiết kiệm ngân sách đi lại trung bình 100 USD/gia đình/tháng, gia tăng tiết kiệm cho cộng đồng mỗi năm khoảng 8 triệu USD (số liệu năm 2011).
Đi lại thuận tiện thúc đẩy việc làm và hòa nhập xã hội. Hoạt động thương mại tăng 400% với việc xuất hiện mới các doanh nghiệp gia đình, nhà hàng nhỏ quanh các nhà ga.
Năm 2014, Medellin đăng cai tổ chức Diễn đàn đô thị thế giới lần thứ 7, hàng trăm thành phố trên thế giới đã cử đại diện tới đây để chia sẻ ý tưởng “Thành phố phục vụ cuộc sống” một cách chuẩn mực và gắn liền với sự công bằng.
Hệ thống Metrocable tại Medellin hiện là tuyến cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới nhưng nó đã hiển nhiên trở thành kênh dẫn khởi nghiệp cho thế hệ trẻ Medellin và rất có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho TP.HCM - TP khởi nghiệp cho giới trẻ.
Bởi lẽ những cơ hội khởi nghiệp cho các cuộc kinh doanh sáng tạo chỉ có thể xuất hiện khi xã hội đầu tư vào những giải pháp mới mẻ, vượt ra khỏi lối mòn, cách thức tiếp cận cũ kỹ để đối phó những thách thức mới nảy sinh.
Ngoài ra, không gian sân bay Tân Sơn Nhất có giới hạn nên cần phân tán dịch vụ ra bên ngoài thay vì tập trung trong sân bay. Nhiều thành phố trên thế giới đã thực hiện các dịch vụ check-in bên ngoài sân bay như Seoul, Hong Kong, Delhi, Kuala Lumpur International, Stockholm, Vienna, Đài Bắc…
Do vậy, sân bay Tân Sơn Nhất có thể nối dài các dịch vụ mặt đất ra bên ngoài, cách xa 1-3km và tạo các tuyến express thẳng vào nhà chờ lên máy bay.
Tuổi trẻ