500.000 tấn gạo Ấn Độ bị hoãn xuất khẩu do thuế mới
Động thái áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ đã khiến người mua và người bán buộc phải hoãn vận chuyển các chuyến gạo tương đương khoảng 500.000 tấn đến sau 15/10 để tránh phải chịu thuế.
- 30-08-2023Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo sang Singapore
- 30-08-2023Giao nhận hàng đình trệ sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ
- 29-08-2023Đây là thứ tàn phá "kho gạo" Ấn Độ đẩy giá gạo Việt Nam, Thái Lan tăng vọt
- 29-08-2023Không phải gạo, một loại hạt của Ấn Độ đang đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất giờ, xuất khẩu tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm
Nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay, hôm 25/8, Chính phủ Ấn Độ đã mở rộng việc hạn chế xuất khẩu bằng việc áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu, có hiệu lực từ 25/8 đến 15/10.
Sự chậm trễ trong việc vận chuyển gạo từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này có thể làm cạn kiệt gạo dự trữ ở các nước nhập khẩu như Benin, Ghana, Bờ Biển Ngà và Liberia, đồng thời đẩy giá gạo nội địa ở những nước này lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành công ty xuất khẩu Satyam Balajee, cho biết: “Người mua đang trì hoãn việc nhận các chuyến hàng; không ai sẵn sàng trả thuế”. Hậu quả là người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), cho biết có tổng cộng khoảng 500.000 tấn gạo đã bị tạm dừng vận chuyển ra nước ngoài.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ trong tuần qua đã chào bán gạo đồ 5% tấm với giá 450-455 USD/tấn, nhưng kể từ ngày 26/8 đã tăng giá lên mức kỷ lục 520 USD đến 540 USD/tấn, cao hơn gần 40% so với một năm trước.
Ông Rao cho biết: “Ngay cả trước khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo đồ, các khách hàng của Ấn Độ đã không thoải mái với việc giá tăng gần đây. Những người mua từ các nước châu Phi không đủ khả năng mua gạo ở mức giá hiện tại”.
Ông Rao cho biết, nguồn cung sẽ chỉ được cải thiện từ tháng 10, sau khi thu hoạch vụ lúa trồng vào mùa hè. Đến khi đó giá lúa trong nước ở Ấn Độ mới giảm, kéo theo giá gạo xuất khẩu giảm.
Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 22,2 triệu tấn gạo vào năm 2022, trong đó có 7,4 triệu tấn gạo đồ.
Reuters dẫn lời một đại lý có trụ sở tại New Delhi cho biết các nước nhập khẩu có ít lựa chọn vì các nhà sản xuất lớn khác là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đã tăng giá trong những tuần gần đây.
Ông nói: “Những khách hàng châu Phi nghĩ rằng cách tốt nhất là trì hoãn các chuyến hàng và chờ giá điều chỉnh”.
Các nhà xuất khẩu cho biết những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn ở châu Á và châu Phi trước đây ưa thích loại gạo 100% tấm với giá 325 USD/tấn, nhưng Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Trước khi hạn chế xuất khẩu gạo đồ, Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% lượng xuất khẩu gạo thế giới, vào tháng 7 đã ra lệnh dừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati - loại gạo xuất khẩu nhiều nhất của nước này - khiến giá gạo toàn cầu tăng mạnh.
Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo gây ảnh hưởng tới thị trường gạo toàn cầu, với hàng triệu người tiêu dùng bị ảnh hưởng, trong đó người tiêu dùng châu Á và châu Phi sẽ phải chịu gánh nặng lớn nhất.
Trong báo cáo mới nhất công bố đầu tháng 8/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2024 giảm 4,0 triệu tấn xuống còn 19,0 triệu tấn, đồng t hời cũng hạ dự báo về nhập khẩu của nhiều quốc gia—đặc biệt là ở Châu Phi cận Sahara và Châu Á—do những động thái hạn chế xuất khẩu gần đây của Ấn Độ, với mức giảm nhiều nhất tập trung vào các thị trường Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Kenya và Việt Nam. So với năm 2023, nhập khẩu giảm nhiều nhất ở Ai Cập, Indonesia, Iraq, Kenya, Philippines, Tanzania và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Việt Nam, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu tạo cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này, trong bối cảnh giá gạo Việt Nam đang cao nhất khu vực.
Số liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn tháng 1 – 8/2023 tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 5,9 triệu tấn; Doanh thu từ xuất khẩu gạo trong kỳ tăng 37,3% đạt 3,2 tỷ USD.
Riêng trong tháng 8, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 582 triệu USD.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đã tăng lên mức 655 USD/tấn, gạo 15% tấm giá 650 USD/tấn và 25% tấm giá 645 USD/tấn.
Tham khảo: USDA, Reuters
Nhịp sống thị trường