6 bài học rút ra khi 'nghỉ hưu giả' của một cựu nhân viên ngân hàng
Không có gì xấu hổ khi “về hưu giả”.
- 08-08-2022CEO Cỏ mềm HomeLab: Có khách hàng “chat” 3 năm với nhân viên tư vấn mà chưa mua lần nào, họ coi Cỏ Mềm là bạn thân - đó là điều chúng tôi trân trọng!
- 08-08-2022Nhà 2 người lớn, 2 con nhỏ ở Hoài Đức, Hà Nội: Thu nhập 16 triệu, tiêu xong vẫn dành dụm được để gửi ngân hàng
- 08-08-2022Tương quan tài sản của 2 tỷ phú Ấn Độ giàu bậc nhất châu Á: Thành quả của 1 thập kỷ phấn đấu không ngừng
Sam Dogen đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong 13 năm trước khi thành lập Financial Samurai, trang web tài chính cá nhân của mình. Cuốn sách mới của Sam: “Mua cái này, không phải cái kia: Làm thế nào để chi tiêu theo cách của bạn để giàu có và tự do tài chính” hiện đã được phát hành.
Dưới đây là chia sẻ của Sam về hành trình “nghỉ hưu giả” và những bài học được rút ra:
Tháng 6/2012, ở tuổi 34 và sau 13 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, tôi đã muốn nghỉ việc. Vì vậy, tôi quyết định thương lượng về việc thôi việc, nghỉ hưu sớm và sống bằng thu nhập thụ động thông qua tài sản cho thuê, cổ tức từ đầu tư cổ phiếu và bán sách điện tử .
Nhưng chỉ một năm sau, tôi nhận ra rằng cuộc sống du lịch và giải trí mà tôi mong muốn không phải dành cho tôi. Tôi cảm thấy buồn chán và cảm giác như không còn là chính mình. Tôi cần một lối thoát và muốn tự mình làm chủ.
Dù đã ngừng làm việc toàn thời gian trong hơn 10 năm, tôi vẫn cho rằng mình không phải đã nghỉ hưu. Thay vào đó, tôi nghĩ mình là một “người về hưu giả” vì tôi có rất nhiều công việc tay trái trong khoảng thời gian này.
Dưới đây là 6 bài học đáng nhớ mà tôi đã rút ra được trong suốt quãng thời gian nghỉ hưu “giả” của mình
1. Không có gì xấu hổ khi “về hưu giả”
Tôi đã chia sẻ rất nhiều về hành trình nghỉ hưu sớm của mình và một trong những phản hồi lớn nhất mà tôi nhận được từ độc giả là: “Bạn vẫn đang làm một số công việc và kiếm được tiền, vì vậy bạn chưa thực sự nghỉ hưu”.
Đó là một nhận định không sai. Và cũng là lý do tôi nghĩ cần thêm nhiều người chấp nhận khái niệm “nghỉ hưu giả”. Nhiều người trong chúng ta về hưu sớm vẫn viết bài blog, quay video, tạo các khóa học điện tử, viết sách hoặc bán các tác phẩm nghệ thuật. Tôi vẫn điều hành blog Samurai tài chính của mình và tôi vừa dành hai năm để viết cuốn sách tài chính cá nhân "Buy This, Not That” (tạm dịch: “Mua cái này, không phải cái đó”).
Rất nhiều người nghỉ hưu sớm đang làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết bằng cách tạo dựng công việc trực tuyến, ngay cả khi đó chỉ là một dự án đam mê ngắn hạn. Tiền bạc từ những dự án đó không nhất thiết là điều bắt buộc nhưng đó là một phần thưởng tuyệt vời.
Bằng cách tự nhận mình là “người về hưu giả”, tôi đang hứng chịu những lời chỉ trích. Vâng, tôi có thể ngồi trên bãi biển và uống piña coladas cả ngày nếu tôi muốn. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi muốn làm việc thật hiệu quả với thời gian từ 2 -3 giờ/tuần.
Một số người nghĩ mình nghỉ hưu nhưng thật ra họ chỉ "nghỉ hưu giả". Ảnh: Getty Images
2. Nhu cầu tài chính của bạn có thể tăng lên theo thời gian
Khi nghỉ hưu sớm, tôi hạnh phúc với khoản thu nhập thụ động 80.000 USD/ mỗi năm của mình. Tuy nhiên, vào năm 2015, vợ tôi đã về hưu sớm. Chúng tôi tính toán mình cần tạo ra 160.000 USD thu nhập thụ động hàng năm để bổ sung cho khoản thu nhập không còn của cô ấy.
Chúng tôi cũng đã có cả một gia đình. Con trai sinh năm 2017 và con gái năm 2019, vì vậy nhu cầu tài chính của chúng tôi liên tục tăng. Chi phí cho bảo hiểm sức khoẻ và trường mầm non – 2.200 USD/tháng và 5.000 USD/tháng đã lần lượt tăng lên.
Trong bối cảnh tình hình lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm, chúng tôi phải tạo ra thu nhập nhiều hơn một lần nữa. Đây là lần thứ 3, chúng tôi phải xem xét các khoản thu của mình trong vòng 10 năm. Để đủ sức đáp ứng nhu cầu, chúng tôi mua nhiều bất động sản và cho thuê, đầu tư vào các tài sản tăng giá trị trong thời kỳ lạm phát như cổ phiếu chăm sóc sức khoẻ.
3. Bạn có thể nghĩ lại về một công việc truyền thống
Kể từ năm 2012, tôi đã nhiều lần chiến đấu với sự thôi thúc muốn quay lại làm việc toàn thời gian. Lần đầu tiên là chưa đầy 6 tháng sau khi tôi rời bỏ công việc của mình. Tôi thấy mình thiếu sự kết nối với những người mình chỉ cộng tác.
Lần thứ hai là sau khi con trai chúng tôi chào đời. Tôi lo lắng sẽ không có đủ tiền để lo cho gia đình. Tôi cũng phải vật lộn với suy nghĩ về việc làm cha mẹ ở nhà khó khăn như thế nào. Tôi nghĩ rằng có một văn phòng để đến sẽ như một khoảng thời gian “nghỉ ngơi” khỏi những căng thẳng khi mới trở thành một ông bố.
Lần thứ ba xảy ra vào năm đại dịch bùng phát. Khi đó, nhiều người làm việc tại nhà dường như có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến họ hạnh phúc.
Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra rằng ngay cả khi tôi có một công việc từ xa cho phép tôi tạt qua bãi biển vào giữa ngày, tôi vẫn phải trả lời ai đó.
4. Bạn có thể tự do nói ra suy nghĩ của mình
Hãy nghĩ về tất cả những lần bạn phải “nín nhịn” khi đi làm vì bạn không muốn tạo ra vấn đề ảnh hưởng đến việc được tăng lương, thăng chức hoặc danh tiếng của mình với nhà tuyển dụng.
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc độc lập về tài chính và không phải tuân theo các quy tắc của công ty là có thể thể hiện hết bản thân.
Bên cạnh đó, bạn có thể tự tin chia sẻ mong muốn của mình. Ví dụ, khi tôi được một nhà sản xuất kết nối để bàn bạc về việc thu âm một phiên bản audiobook của cuốn sách của tôi, người này đã cương quyết chọn 3 người da trắng để thu âm. Nhưng là một người Mỹ gốc Á, tôi muốn một người có ngoại hình và giọng nói giống tôi. Cuối cùng, chúng tôi đã kết nối với một người kể chuyện người Mỹ gốc Hoa. Nếu tôi không đủ cơ hội và sự tự tin để lên tiếng, người kể chuyện đó sẽ không có cơ hội.
5. Được chủ động lựa chọn cống hiến
Việc nghỉ hưu sớm đã khiến tôi có nhiều thời gian hơn để ở một mình với những suy nghĩ của bản thân. Khi tôi không còn bị giới hạn trong một tuần làm việc 40 giờ, tôi đã có thể suy ngẫm về những gì thực sự quan trọng đối với tôi - và những gì tôi muốn để lại.
Đối với một số người, đó có thể là tạo ra một học bổng tại trường cũ của họ hoặc làm từ thiện với một tổ chức từ thiện. Đối với tôi, đó là chia sẻ lời khuyên tài chính có thể giúp người khác đạt được mục tiêu trong cuộc sống của họ. Và điều khiến tôi nỗ lực đó là tôi biết rằng, một ngày nào đó, các con của tôi sẽ đọc sách tôi viết và kể về những cuốn sách đó.
Tôi nhận ra nếu bạn cố gắng theo đuổi mục tiêu quan trọng nhất đối với bạn, chia sẻ những may mắn và của cải của bạn và đóng vai trò như một người cố vấn cho những người khác, thì những gì bạn để lại cho cuộc đời sẽ ngày càng “thăng hoa”.
6. Tốt hơn hết bạn nên nghĩ về xác suất, không phải là điều tuyệt đối
Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể làm ngay bây giờ để mang lại cho “bạn trong tương lai” nhiều cơ hội nhất có thể. Tiết kiệm và đầu tư nhiều tiền nhất có thể để khi bạn sẵn sàng nghỉ việc, bạn sẽ có nhiều lựa chọn.
Và có thể bạn sẽ không nghỉ hưu hoàn toàn. Bạn có thể chuyển sang một công việc lương thấp hơn có ý nghĩa hơn hoặc nghỉ một vài năm để chăm sóc cha mẹ. Hoặc bạn có thể quyết định “nghỉ hưu giả”, giống như tôi đã làm.
Nói một cách đơn giản, hãy thử nghĩ về tương lai dưới góc độ xác suất, không phải là điều tuyệt đối. Tôi có một công thức giúp tôi hiếm khi mắc sai lầm đó là 70/30 - Nếu tôi tin rằng có 70% khả năng tôi đang đưa ra quyết định đúng, tôi sẽ thực hiện.
Đồng thời, tôi cũng chấp nhận khả năng sẽ có 30% quyết định đó là sai. Và tôi ổn với điều đó; sai lầm không phải là thất bại nếu bạn có thể học hỏi từ chúng và đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.
NDH