MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường

11-12-2021 - 17:41 PM | Tài chính quốc tế

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường

Bạn đã sẵn sàng cho một bài học lịch sử đầy thú vị chưa? Hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn lý do vì sao, những suy nghĩ của Heinz lại khác biệt đến vậy!

Chắc hẳn, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ đều ít nhiều, biết đến sản phẩm tương cà chua của thương hiệu Heinz. Những sản phẩm này có mặt ở hầu hết các nhà hàng và trong tủ lạnh của các gia đình. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng đều sẽ biết đến một người đàn vô cùng tài giỏi, một người với tầm nhìn đi trước thời đại, người đã sáng lập nên thương hiệu tương cà chua này, người đó chính là ngài Henry J. Heinz.

Có rất nhiều sáng kiến kinh doanh trong thế kỷ 19 của Henry đã chứng minh được tính phù hợp của chúng, khi được áp dụng để tạo ra những phương pháp kinh doanh hiệu quả nhất ngày nay.

Ngay từ khi còn là một chàng thiếu niên, Henry J. Heinz đã bắt đầu tập tành kinh doanh bằng việc đem bán những lọ rau cải ngựa, và chúng được chế biến theo một loại công thức đặc biệt mà chỉ riêng mẹ ông mới có. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp thực phẩm đóng gói vẫn còn rất mới mẻ và thô sơ. Những nhà sản xuất thực phẩm thời đó đã từng thử nghiệm để bảo quản thức ăn bằng hàn the và formaldehyde. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra rất nhiều. Thậm chí, có những người bán hàng vô lương tâm đã dùng bụi từ gạch để ăn bớt hàm lượng quế có trong một số loại thực phẩm, trộn thêm thạch cao vào các loại bột, hay dùng phấn/ thạch cao để pha loãng và giảm bớt hàm lượng sữa nguyên chất. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Chính phủ cũng không hề có bất kỳ sự kiểm soát hoặc can thiệp nào đối với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Henry J. Heinz, một người con đã được sinh ra và nuôi dưỡng bởi một gia đình người Luther tại vùng đất Pittsburgh của Đức, đã chọn đi theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Ông khẳng định rằng, ông ta sẽ làm cho tất cả những thứ có liên quan đến quá trình sản xuất thực phẩm trở nên minh bạch nhất có thể. Bằng chứng là, trong khi những người khác bán cải ngựa của họ trong những lọ thủy tinh màu để che khuất mọi thứ có nghi vấn, thì Heinz lại chọn đóng gói chúng trong những chai thủy tinh trong suốt, để làm nổi bật lên độ tinh khiết của nó.

Trong suốt cuộc đời của mình, Heinz luôn sử dụng những loại thủy tinh trong suốt và cuối cùng, ông cũng đã tạo ra những chai tương cà, với cả 8 mặt đều có thể quan sát và thấy rõ sản phẩm bên trong. Việc này sẽ giúp ích cho người tiêu dùng để họ có thể kiểm tra các loại gia vị từ nhiều góc độ.

Đáng chú ý, ngoài việc lựa chọn các loại chai lọ trong suốt để chứa đựng thực phẩm, thì sự chính trực của ông còn được thể hiện qua rất nhiều những khía cạnh khác!

Những sản phẩm đến từ công ty Heinz đều là những sản phẩm chính hãng, nguyên chất, những loại thực phẩm được chế biến từ các loại nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ và không có chất bảo quản.

"Hãy bảo vệ người tiêu dùng bằng cách kiểm soát tất cả những hoạt động có liên quan, từ khâu nuôi trồng đến khâu sản xuất và cung ứng thực phẩm đến tay khách hàng."

Đó là nguyên tắc hoạt động cốt lõi của công ty Heinz. Hầu như không có bất kỳ nhà sản xuất thực phẩm nào, ở thời đại của ông, có thể cạnh tranh được với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm này của công ty.

Những công nhân của công ty Heinz sẽ cẩn thận thu hoạch từng loại rau, tại giai đoạn tươi ngon nhất của chúng, sau đó, họ phân loại chúng để có thể mang lại chất lượng tốt nhất cho nguồn cung ứng nguyên liệu. Tiếp đó, họ đóng gói chúng trong một nhà máy vô trùng.

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường - Ảnh 1.

Một chiếc xe ngựa được Công ty Heinz sử dụng, để quảng cáo món dưa chua ngâm của họ

Heinz đã phát minh ra những ý tưởng về các chuyến tham quan nhà máy

Bạn có muốn chiêm ngưỡng quy trình để sản xuất ra món nước sốt nóng mà bạn yêu thích hay không? Hãy ghé thăm công ty sản xuất thực phẩm Huy Fong Foods ở Irwindale, California, để được tham gia vào một chuyến tham quan quy trình sản xuất tương ớt Sriracha.

Bạn có phải là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của các sản phẩm kem đến từ công ty Ben và Jerry không? Chắc chắn bạn sẽ muốn tham gia vào một chuyến tham quan nhà máy đầy thú vị, tại cơ sở sản xuất của công ty này, tại bang Vermont của Mỹ.

Ngày nay, các chuyến tham quan nhà máy về thực phẩm và các sản phẩm khác đã trở nên rất phổ biến. Nhưng các bạn biết không? Thật ra ngay từ năm 1899, Heinz đã đưa ra ý tưởng này để giới thiệu nhà máy siêu sạch của mình với công chúng và sau đó, các công ty khác cũng đã sớm sao chép và thực hiện chiến lược quảng cáo tuyệt vời này. Các chuyến tham quan nhà máy của Heinz đã tiếp tục được thực hiện cho đến năm 1972, khi quá trình tự động hóa đã chiếm phần lớn công việc chế biến, mới kết thúc.

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường - Ảnh 2.

Hình ảnh khu vực bên trong của nhà máy sản xuất đồ hộp của H. J. Heinz, với những người phụ nữ đang làm việc với các loại máy móc

Heinz đã tạo ra một nơi làm việc mang tầm cỡ của tương lai, trước thế kỷ 20

Henry J. Heinz luôn đề cao việc đối xử công bằng với nhân viên và coi họ như là những thành viên trong gia đình của mình. Nhân viên của công ty Heinz thường được hưởng những điều kiện và chế độ làm việc tốt hơn so với những nơi khác. Họ trang bị cho nhân viên một phòng tập thể dục và hồ bơi, một khu vườn trên sân thượng, phòng trưng bày nghệ thuật, thư viện, phòng ăn trưa, dàn hợp xướng, đồng thời có các lớp dạy may và nấu ăn miễn phí. Heinz cũng thuê thêm một bác sĩ, y tá và nha sĩ riêng của công ty để nhân viên có thể được thăm khám miễn phí. Henry thậm chí còn mướn những nhân viên có kiến thức về việc làm móng, để cung cấp dịch vụ làm móng tay hàng tuần cho những phụ nữ gọt dưa chuột để làm đồ chua.

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường - Ảnh 3.

Một người phụ nữ đang để lại lời nhắn trong hộp thư góp ý tại nhà máy H. J. Heinz

Heinz là một thiên tài trong lĩnh vực tiếp thị

Có một giai thoại đặc biệt đã thể hiện rõ năng lực tuyệt vời của Heinz trong việc quảng bá thương hiệu cho công ty của mình.

Tại một Hội chợ Quốc Tế được tổ chức tại Chicago vào năm 1893, Công ty Heinz đã nhận được một khoảng không gian triển lãm có diện tích lớn nhất. Tuy vậy, vị trí của nó lại cách tầng triển lãm chính một tầng, và điều đó có nghĩa là lượng người tham quan đi ngang qua khu vực triển lãm của họ sẽ ít hơn so với những công ty khác. Chính vì lý do này, Heinz đã chiêu mộ một đội quân gồm nhiều chàng trai để phát hàng ngàn tấm thẻ nhỏ và gửi đến những vị khách lời hứa hẹn rằng, họ sẽ nhận được một món quà lưu niệm miễn phí khi ghé thăm khu vực triển lãm của Heinz tại buổi hội chợ.

6 bài học từ “cha đẻ” ketchup Henry J.Heinz ở thế kỷ 19 vẫn khiến các doanh nhân hiện đại phải ngả mũ kính nhường - Ảnh 4.

Gian hàng của Công ty H.J. Heinz tại buổi Triển lãm Quốc tế, được tổ chức vào năm 1893.

Ngay sau đó, những người tìm quà lưu niệm đã tràn lên tầng hai và sử dụng thử các sản phẩm đến từ gian hàng của Heinz. Mỗi du khách sau đó sẽ được tặng một chiếc ghim có hình dưa muối, làm bằng nhựa, có màu xanh lá cây, dài 1,5 inch, và có khắc tên thương hiệu của Heinz trên đó.

Mọi người đã cảm thấy vô cùng thích thú với những món quà nhỏ này và vô tình, họ cũng đã giúp cho Heinz quảng bá thương hiệu đến những vị khách khác. Kế hoạch của Henry đã phát huy hiệu quả nhiều đến nỗi, các quan chức hội chợ đã phải triệu tập cảnh sát địa phương để có thể kiểm soát được đám đông.

Những chiếc ghim dưa chua quảng cáo của Heinz đã trở thành một phần vô cùng đáng yêu của huyền thoại về Henry J.Heinz. Tờ Saturday Evening Post đã gọi món quà lưu niệm này là "một trong những món quà nổi tiếng nhất trong lịch sử buôn bán".

Heinz không phát minh ra nước sốt cà chua… nhưng chính ông là người đã khiến nó trở nên hoàn hảo nhất

Năm 1876, Heinz đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng việc cung cấp thêm các sản phẩm nước sốt làm từ cà chua, vốn được biết đến với tên gọi là "catsup" vào thời điểm đó. Theo National Geographic, tên gọi này có xuất phát từ tiếng Hokkien (Phúc Kiến) của Trung Quốc, phiên âm là "kê-tsiap", tên một loại nước sốt có nguồn gốc từ cá lên men. Công ty đã chuyển cách viết thành "Ketchup" vào những năm 1880 để khiến nó trở nên nổi bật và cuối cùng, nó đã trở thành cách viết chuẩn ở mọi nơi.

Để phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của công ty, Heinz đã tìm cách để tạo ra loại nước sốt cà chua mà không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào. Thông qua việc thử nghiệm và qua những lần thất bại, cuối cùng ông đã tìm ra nồng độ hoàn hảo của axit để có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn lên men như giấm và axit pectic, những chất thường hay có một cách tự nhiên trong những quả cà chua. Công thức của ông đặc trưng bởi chất lượng của những quả cà chua, với hàm lượng cùi cao, dày cơm và giàu chất béo. Nó đã trở thành nền tảng để sản xuất ra các loại gia vị mà ngày nay chúng ta thường hay sử dụng.

Heinz vô địch về mức độ an toàn thực phẩm

Không giống như các công ty khác trong cùng lĩnh vực, Heinz rất chú trọng đến khâu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên thực tế, ông tin rằng, việc công chúng ngày càng không còn tin tưởng về độ tinh khiết của thực phẩm đóng gói sẽ dẫn đến các vấn đề rất nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm. Ông nghi ngờ những vấn đề như vậy sẽ vượt qua chi phí dành cho việc cải tiến sản phẩm. Vì vậy, ông đã chia sẻ mối quan tâm của mình về vấn đề này với Tổng thống Theodore Roosevelt và các chính trị gia lớn khác.

Năm 1906, Heinz trở thành công ty sản xuất thực phẩm duy nhất ủng hộ những Pháp chế để sau này, chúng trở thành cơ sở để xây dựng nên Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm Nguyên chất.

Cùng thời gian này, sản phẩm tương cà không chất bảo quản của Heinz cũng đã sẵn sàng lên kệ. Một lần nữa, Heinz lại quảng cáo về độ tinh khiết của các sản phẩm của mình và bắt đầu sử dụng khẩu hiệu quảng cáo mới, đó là: "Sản phẩm này đã được các cơ quan quản lý về thực phẩm tinh khiết của Chính phủ công nhận là đạt tiêu chuẩn"

Heinz thật sự là một con người rất chính trực, một người sống với niềm tin rằng "Sức mạnh từ trái tim sẽ vượt lên trên tất cả" và luôn bị ám ảnh về việc, làm thế nào để sản xuất ra những loại sản phẩm lành mạnh và nguyên chất nhất.

Henry J. Heinz đã qua đời cách đây 100 năm vào năm 1919, nhưng những di sản mà ông để lại sẽ mãi là những tài sản vô giá dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo Mộc Dương

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên