MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%

6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Đáng chú ý, hiện nay có 6 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào.

Chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).

Trong đó, chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân, tập trung chủ yếu ở Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%) và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%)... Hai bộ còn lại có số giải ngân rất ít là: Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%).

6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0% - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân. (Ảnh minh họa: KT)

Đáng chú ý, hiện nay 6 bộ, cơ quan Trung ương còn lại chưa có giải ngân là: Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội mới được phê duyệt điều kiện cho vay lại, ký hiệp định vay phụ và hợp đồng ủy quyền; các đơn vị còn lại gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 có tiến bộ so với năm 2021 và 2022 song vẫn còn chậm, mới chỉ đạt khoảng 27,2% kế hoạch.

Theo ông Trương Hùng Long, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm là do dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các việc sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, hợp đồng ủy quyền cho vay lại; vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng.

Cùng với đó, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

“Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ”, ông Long chỉ rõ.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài. Là một trong 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn nước ngoài tính đến thời điểm này, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2023 tổng số vốn ODA được giao là 4.958 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân ước đạt 2.020 tỷ đồng, bằng 40,7% kế hoạch cho 14/19 dự án ODA. Quá trình triển khai, một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung chủ yếu ở công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừn, nhà tài trợ có ý kiến không phản đối chậm… Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời phát hiện các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện, theo dõi đôn đốc tiến độ và hoàn thiện các thủ tục giải ngân…

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Bộ này được giao 1.800 tỷ đồng vốn nước ngoài và đã thực hiện phân bổ toàn bộ cho 15 dự án ngay từ cuối năm 2022. Tính đến ngày 31/5/2023, giá trị khối lượng đã hoàn thành được kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước là 409 tỷ đồng, tương đương 23%. Ước đến hết 30/6/2023, giải ngân đạt 576 tỷ đồng, tương đương 32%.

Khó khăn mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gặp phải chính là giá cả vật liệu tăng đã tác động đến dự toán xây dựng. Cùng với đó là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong triển khai các dự án… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, đề nghị các bộ, ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án…

Bộ Tài chính cam kết tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn về giải ngân

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.

6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0% - Ảnh 2.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2023.

“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do. Tiếp tục triển khai các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án”, ông Trương Hùng Long khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành, dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế. Đối với dự án lâu không khắc phục được vướng mắc, dự án khó có khả năng hoàn thành kế hoạch... thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chế tài xử lý; đồng thời kiến nghị không giao kế hoạch vốn năm tiếp theo khi chưa khắc phục, giải quyết xong.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên