6 điểm nghẽn của thị trường bất động sản TP. HCM
Không phải đến khi dịch Covid-19 xảy ra thị trường bất động sản TP. HCM mới gặp khó.
Sau khi lên đến đỉnh cao vào năm 2017, thị trường bất động sản TP. HCM liên tục gặp khó trong những năm tiếp theo và dịch Covid-19 khiến tình hình trầm trọng thêm.
Đơn cử, năm 2017 thu ngân sách TP. HCM từ đất đạt gần 30 nghìn tỷ nhưng đến năm 2018 đã giảm gần 40% và năm ngoái giảm khoảng 12 - 14%, theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chỉ ra sáu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, việc không rõ khái niệm của chữ “chủ đầu tư” và “nhà đầu tư” đã khiến 126 dự án nhà ở bị đứng. Cụ thể, quy định chỉ có “chủ đầu tư” dự án mới được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, theo quy định tại Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị.
Theo pháp luật về dân sự thì “nhà đầu tư” có thể là “chủ đầu tư”, ủy quyền hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác làm chủ đầu tư. Việc công nhận “chủ đầu tư” thực hiện theo các điều kiện và thủ tục của pháp luật chuyên ngành.
Trong khi đó, chỉ có Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng tài sản công sử dụng khái niệm “nhà đầu tư”. Các luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản sử dụng khái niệm “chủ đầu tư”.
Khoản 4 Điều 30 Luật Quy hoạch đô thị, quy định: “Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng”.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư phải trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư. Có dự án đầu tư thì mới được thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư sau. Trong khi đó, Luật Đầu tư hiện nay thực hiện thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”, thì chỉ ghi tên “nhà đầu tư” dự án, chứ không ghi tên “chủ đầu tư”.
Do xung đột này, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và kiến trúc một số địa phương không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của “nhà đầu tư”, mặc dù UBND cấp tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư ghi tên “nhà đầu tư”, dẫn đến doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục hành chính để triển khai dự án.
Theo HoREA, dự thảo Luật Đầu tư đang được đưa ra lấy ý kiến nếu được thông qua, sẽ giải quyết được ách tắc này.
Thứ hai, dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định thi hành Luật Đất đai nếu được thông qua thì sẽ giải quyết được bế tắc của các dự án có đất Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại. Dự thảo đang đi theo hướng là thửa nào đủ điều kiện hình thành dự án độc lập thì đưa ra đấu giá, thửa không đủ thì giao cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, HoREA đề nghị bổ sung thêm là tổ chức đấu giá trong vòng 90 ngày để Nhà nước có tiền nhanh và doanh nghiệp tham gia đấu giá mua được thì hợp thửa vào dự án để tránh bị da beo.
Thứ ba, tắc nghẽn do quy định 100% đất ở mới được chỉ định chủ đầu tư.
Dự thảo Luật Đầu tư đang lấy ý kiến có nhiều thay đổi, đó là công nhận nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất, không phải đấu giá quỹ đất đó và được cả quyền lựa chọn chủ đầu tư, nhà đầu tư. Nếu được Quốc hội thông qua thì Luật Đầu tư sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn quy định 100% đất ở.
Thứ tư, đối với 158 dự án hoặc mặt bằng kinh doanh có liên quan đến đất công, hiện có một số dự án trong diện thanh tra, rà soát lại... đề nghị cơ quan nhà nước có kết luận sớm, dự án nào được tiếp tục, dự án nào phải làm nghĩa vụ tài chính phát sinh để doanh nghiệp chấp hành thực hiện.
Thứ năm, vướng mắc về quy trình giải quyết thủ tục đầu tư đối với dự án có quỹ đất hỗn hợp như đất ở, đất nông nghiệp xen cài. Đầu tiên, tổ tư vấn của UBND TP. HCM đưa ra quy trình sáu bước, nhưng sau khi Hiệp hội góp ý thì xuống còn năm bước.
Hiện nay, TP. HCM muốn gộp bước 4 với bước 5 lại thành một bước và các sở ngành sẽ làm song song, đồng thời chuẩn bị các quyết định để lãnh đạo thành phố ký một lượt. TP. HCM sẽ quy định rõ thời gian làm từng thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng nếu thực hiện như vậy cũng không thay đổi được bản chất vấn đề đó là phải nộp tiền sử dụng đất, cấp sổ đỏ mới được thi công. Trong khi đó, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất trong hai trường hợp là doanh nghiệp muốn bán nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, trường hợp nữa là chỉ được cấp sổ đỏ nếu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thứ sáu, hiện các doanh nghiệp bất động sản chưa tiếp cận được nguồn vốn theo Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước bởi vì thông tư này được ban hành ngày 13/3, trong khi Nghị định 41 của Chính phủ ban hành ngày 8/4.
Ở thời điểm ban hành Thông tư số 11, Ngân hàng Nhà nước chưa coi lĩnh vực bất động sản là ngành nghề bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
Đến ngày Chính phủ ban hành Nghị định 41 đã có 120 nghìn tỷ đồng đã được hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhưng doanh nghiệp bất động sản chưa tiếp cận được và hiện cũng chưa tiếp cận được.
Vì thế, HoREA đã có văn bản báo cáo để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt hơn.
TheLEADER