6 doanh nghiệp thực phẩm Việt không đáp ứng được điều kiện khi “qua cửa” Hàn Quốc
Ảnh minh họa.
Danh sách trên gồm 6 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, thương mại và xuất nhập khẩu tại Bắc Ninh (1), TP.HCM (3), Khánh Hòa (1) và Đồng Tháp (1).
- 14-10-2021Bưởi, đùi ếch của Việt Nam bị thu hồi vì có chứa chất cấm, có khả năng gây ung thư
- 12-09-2021Sau sự cố sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu sang EU
Ngày 22/10, Bộ Công Thương ra thông báo về việc Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ vừa qua đã nhận được Công văn số KEV-21-1196 của Đại sứ quán Hàn Quốc về việc thông báo danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không đáp ứng điều kiện kiểm tra tại nguồn năm 2021 do Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS).
Theo đó, danh sách trên gồm 6 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, thương mại và xuất nhập khẩu tại Bắc Ninh (1), TP.HCM (3), Khánh Hòa (1) và Đồng Tháp (1).
Cụ thể, các doanh nghiệp trên lần lượt gồm: Công ty TNHH Phi Long Bắc Ninh tại Thị Xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Khánh Huyền, Quận 12, TP.HCM; Công ty TNHH Nước Sốt Đặc Sản Việt Dasavi, Xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa; Công ty TNHH CHUNHO VINA, Phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM; Công ty TNHH Nha Mân, Phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế P And C, P.10, Quận Gò Vấp, TP.HCM.
Danh sách doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc về kiểm tra tại nguồn theo hình thức trực tuyến năm 2021.
Trước đó, 06/5/2021, cơ quan MFDS của Hàn Quốc đã có thông báo về danh sách và phương thức kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trong năm 2021.
Theo thông báo, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, trong năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc thực hiện hoạt động kiểm tra tại nguồn qua hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động lâm thời, thay thế cho hoạt động kiểm tra tại hiện trường do các chuyên gia MFDS thực hiện định kỳ.
Với diễn biến này, Bộ Công Thương cũng đã có khuyến cáo, các doanh nghiệp liên quan cần chủ động chuẩn bị và hoàn thiện các bước kiểm tra theo yêu cầu của MFDS nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu sản phẩm thực phẩm sang Hàn Quốc được liên tục, thông suốt.
Hàng xuất khẩu Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, đã có không ít sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng chất cấm khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...
Gần nhất, ngày 6/10, Bộ Công Thương có công văn về việc thu hồi 1 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ do có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức.
Trước đó, các cơ quan y tế của Hà Lan, Ý, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha... đã ra một số thông báo về phát hiện một số chất cấm, dư lượng chất gây hại trong các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam như bưởi, đùi ếch, mì tôm...
Theo Bộ Công Thương, các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và thời gian tới sẽ nâng cao các biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ Việt Nam.
Chia sẻ tại một diễn đàn gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, đối với xuất khẩu nông sản và thủy sản, doanh nghiệp cần phải xác định thị trường xuất khẩu của Việt Nam cần mua gì, và khi thị trường mở ra sẽ đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) hết sức là khắt khe.
Do vậy, theo ông Hoan, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị cho một bước thay đổi lớn trong tư duy và xu thế tiêu dùng của thế giới. Đó chính là điều kiện đầu tiên để xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản thành công.
Bizlive