MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 hành động vô duyên nhưng nhiều người tưởng là lịch sự

24-07-2023 - 09:05 AM | Lifestyle

Những hành động dưới đây xuất phát từ thiện ý, muốn thể hiện sự quan tâm, lịch sự nhưng lại rất dễ trở thành vô duyên.

Dù bạn có ý tốt, nhưng hãy cân nhắc kỹ trước khi làm những việc dưới đây, vì trong nhiều tình huống, nó không giúp ích cho đối phương mà ngược lại có thể gây phiền hoặc tâm lý không thoải mái, dễ chịu.

Đi ăn tiệc rất sớm để giúp chủ nhà

Theo bà Lisa Mirza Grotts, chuyên gia nghi thức xã giao ở Mỹ, đến sớm để giúp chủ nhà chuẩn bị bữa tiệc mà mình được mời là cách bạn thể hiện sự chu đáo, nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ. Bạn chỉ nên đến sớm nếu chủ nhà đề nghị, hoặc họ vui vẻ đồng ý khi bạn đưa ra lời đề nghị. Nếu không, sự có mặt quá sớm của bạn có thể khiến họ căng thẳng. Bạn xuất hiện bất ngờ đúng lúc họ đang bận bịu chuẩn bị, họ sẽ phải lo tiếp đãi trong khi nhà đang nhiều việc, hoặc phải vội vã tìm việc cho bạn làm cho phải phép.

Nếu bạn muốn giúp, hãy hỏi trước xem họ có cần giúp gì không và nếu có thì bạn nên đến lúc mấy giờ. Nếu đến sớm (do đường không tắc như mọi ngày chẳng hạn), Grotts khuyên nên lái xe quanh đó ít phút thay vì vào thẳng nhà chủ.

Khuyên ai đó suy nghĩ tích cực, lạc quan

Đành rắng giữ sự lạc quan là cần thiết, nhưng sẽ là sai lầm nếu bạn cứ khuyên người ta một cách áp đặt mà không thực sự hiểu cảm xúc của họ, mức độ nghiêm trọng của tình huống hay vấn đề họ đang đối mặt. Đây được gọi là "tính tích cực độc hại".

6 hành động vô duyên nhưng nhiều người tưởng là lịch sự - Ảnh 1.

Có những khi bạn chỉ cần lắng nghe mà không cần đưa ra lời khuyên.

Nhà trị liệu tâm lý Avigail Lev, Giám đốc trung tâm trị liệu hành vi Bay Area CBT Center (Mỹ) khuyên rằng khi bạn bè hay người thân đang buồn/khó chịu/thất vọng về một điều gì đó, hãy cố thấu hiểu trải nghiệm, cảm giác của họ thay vì giảm bớt nó. Đừng nói: "Thật may mắn vì chuyện chỉ đến mức đó, nó có thể tồi tệ hơn nhiều" hoặc " Bạn còn có rất nhiều thứ để biết ơn " mà có thể nói: "Thật khó khăn, mình rất tiếc vì điều đó xảy đến với bạn" hoặc "Bạn thấy thất vọng là đúng, mình có thể giúp gì không?".

Đưa ra lời khuyên khi không được yêu cầu

Nhiều người theo bản năng cứ đưa ra lời khuyên khi ai đó tâm sự với mình, bất kể đó là chuyện nuôi dạy con cái, đối phó với sếp khắt khe hay đang gặp khó khăn trong mối quan hệ tình cảm...

Theo chuyên gia Grotts, đừng bao giờ nêu ý kiến, đưa ra lời khuyên hay phản đối nếu người ấy không đề nghị bạn. Nếu không, hành động của bạn " có thể bị coi là xâm phạm hoặc ngụ ý rằng người đó không có khả năng tự xử lý tình huống".

Nhiều người kể lể với bạn chỉ với nhu cầu trút bầu tâm sự chứ không cần lời khuyên. Vì vậy, điều tốt nhất bạn nên làm là lắng nghe, nếu muốn chia sẻ điều gì thì hãy hỏi trước xem họ có cần lời khuyên của bạn hay không.

Không chỉ lời khuyên, sự giúp đỡ cũng có thể trở thành vô duyên nếu nó không được mong đợi, nhất là trong những tình huống riêng tư.

Khen ngợi cơ thể người khác

Chê bai, cười cợt ngoại hình của người khác là vô duyên đã đành, nhiều khen ngợi cũng là kém tinh tế. Olivia Howell, huấn luyện viên cuộc sống, Giám đốc công ty Fresh Starts Registry (New York, Mỹ) nêu một ví dụ: Câu "Chà, cậu trông thật tuyệt vời, cậu đã giảm cân phải không?" có thể khiến người bạn bất an về ngoại hình của họ trước đây. Tình hình càng khó xử nếu họ giảm cân là do trầm cảm, thất tình hay có vấn đề sức khỏe. Khi đó bạn sẽ là người thiếu tế nhị.

Ngoài ra nếu người đó có tiền sử hoặc đang đối phó với chứng rối loạn ăn uống, câu khen của bạn có thể làm tình trạng xấu hơn do vô tình thúc củng cố quan điểm càng gầy càng tốt.

Nếu bạn muốn khen ngợi, hãy hướng về điều gì đó khác ngoài cơ thể họ, chẳng hạn như kỹ năng, đặc điểm tính cách hoặc cảm nhận tốt của bạn về họ, như " Bạn có năng lượng tuyệt vời!" hoặc "Bạn luôn làm tôi cười" .

Liên hệ với trải nghiệm của bản thân

Chúng ta thường liên hệ trải nghiệm của người khác với trải nghiệm của chính mình để có thể hiểu nhau hơn và tăng thêm sự kết nối. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bạn có thể bị coi là thô lỗ, tự cho mình là trung tâm, EQ thấp.

Chuyên gia Grotts nói: "Bạn phải nhận ra đôi khi người ta chỉ cần bày tỏ cảm xúc của mình chứ không thích liên quan hoặc so sánh. Sự liên hệ của bạn có thể vô tình chuyển trọng tâm ra khỏi trải nghiệm của người đó, khiến họ thấy không được lắng nghe hoặc hiểu nhầm".

Khi ai đó đang cố chia sẻ niềm vui hay nỗi đau với bạn, đừng ngay lập tức chia sẻ một câu chuyện tương tự trong cuộc sống của chính bạn. Không nên nói kiểu "Tôi biết chính xác bạn đang cảm thấy thế nào" vì trải nghiệm của mỗi người là khác nhau và suy nghĩ của bạn rằng bạn hiểu sâu sắc nỗi đau của họ có thể là vô căn cứ.

Xin lỗi một cách thừa thãi

Nhiều người có thói quen xin lỗi nhiều lần ngay cả không thực sự cần phải xin lỗi. Điều này nên bỏ, vì mỗi khi nói xin lỗi vì một điều gì đó nhỏ nhặt hoặc ngoài tầm kiểm soát của mình, bạn giống như đang xoa dịu bản thân bằng cách nói "Không sao đâu" hoặc "Không có gì to tát".

Theo Grotts, điều đó có thể tạo ấn tượng về sự thiếu tự tin hoặc tìm kiếm sự trấn an, và "xin lỗi nhiều lần vì cùng một hành vi trong khi không thay đổi hành vi là thao túng chứ không phải hối hận".

 (Nguồn: Bestlife)

Theo Minh Anh/VTC News

VTCnews

Trở lên trên