6 tháng cuối năm, nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng bao nhiêu?
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó đạt mục tiêu do đại dịch COVID-19 bùng phát
Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu dịch kéo dài sẽ tác động đến hoạt động ngân hàng và kéo theo nợ xấu gia tăng…
- 31-07-2021Lo ngại nợ xấu tăng sau dịch
- 30-07-2021Lợi nhuận từ dịch vụ của HDBank quý 2 cao gấp 3,8 lần cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%
- 27-07-2021Trợ lực lớn gần hết hiệu lực, Chính phủ đề xuất xây dựng đề án Luật xử lý nợ xấu
Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu
Theo các chuyên gia, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều bất trắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 với biến chủng Delta diễn biến ngày càng phức tạp tại châu Á. Theo đó, giá hàng hóa cơ bản (dầu mỏ, lương thực thực phẩm) được dự báo vẫn tiếp tục giữ ở mức cao.
Kéo theo đó là rủi ro về lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính có xu hướng tăng, các ngân hàng trung ương (NHTW) có xu hướng thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 5,8%, do đó để đạt mục tiêu 6,5% là rất khó khăn. Với dư địa CSTT không còn nhiều, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng – đặc biệt đối với doanh nghiệp và người dân bị tác động mạnh bởi COVID-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh.
Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như ADB, IMF dự báo lạm phát Việt Nam năm 2021 trong khoảng 3,0-3,88% trong điều kiện nền kinh tế vẫn bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Điều này tác động mạnh đến hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro nợ xấu luôn thường trực.
Nợ xấu sẽ tăng bao nhiêu?
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (cuối tháng 4/2021).
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu -Chuyên gia tài chính ngân hàng, cùng với diễn biến của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nợ xấu nội bảng của các TCTD tính đến quí 1/2021
Trong báo cáo phân tích mới đây, ngân hàng HSBC cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Việt chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Nếu tính cả các "khoản cho vay bị suy giảm giá trị", nợ xấu ước tính tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020. HSBC cũng giải thích các khoản cho vay bị giảm giá trị là định nghĩa rộng hơn về nợ xấu, bao gồm thêm các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định 780.
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Nợ xấu không thể tránh khỏi, do tác động của đại dịch. Hiện nay, nợ xấu chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, nợ xấu là một rủi ro nếu các TCTD và NHNN không có giải pháp sẽ tác động mạnh đến an toàn của hệ thống và ảnh hưởng tới kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Trong bối cảnh này ngân hàng phải khoẻ để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất vượt qua đại dịch".
Dự báo của NHNN đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính ở mức 2%-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức 4%-4,5%.
Trước tình hình này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, đã có văn bản yêu cầu các TCTD đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.
Đến ngày 14/06/2021, các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/01/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra Ngân hang CSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Diễn đàn doanh nghiệp