6 trích đoạn tâm đắc nhất từ lá thư gửi cổ đông của Warren Buffett
"Bạn đừng bao giờ quên 2 điều sau: đầu tiên, nếu là một nhà đầu tư thì nỗi sợ lan rộng sẽ là một người bạn tốt bởi nó đem đến cơ hội mua rẻ. Thứ hai, nỗi sợ mang tính cá nhân chính là kẻ thù".
- 26-02-2017Warren Buffett: 100 tỷ USD đã bị lãng phí để đánh bại thị trường
- 26-02-2017Lọt top những khoản đầu tư lớn nhất, cổ phiếu Apple và hàng không giúp Buffett thắng lớn
- 22-02-2017Nguyên tắc bất di bất dịch này chính là lý do khiến Warren Buffett buông bỏ Unilever
2016 là 1 năm tốt đẹp đối với Warren Buffett, “nhà tiên tri xứ Omaha”, người vừa chứng kiến cổ phiếu của “đứa con tinh thần” Berkshire Hathaway tăng trưởng 23,4% và chỉ số P/B cũng tăng 10,7%.
Giới đầu tư đón đọc bức thư mà Buffett gửi tới các cổ đông đều đặn hàng năm không chỉ bởi vì những chi tiết được cập nhật về tình hình kinh doanh của Berkshire mà còn bởi bức thư cũng ẩn chứa nhiều triết lý đầu tư của thần tượng.
Dưới đây là 6 trích đoạn hay nhất từ lá thư mà các nhà đầu tư của Berkshire Hathaway nhận được năm nay.
Mua lại cổ phiếu quỹ không phải lúc nào cũng xấu
Khi chủ đề mua lại “nóng lên”, một số người gọi các công ty mua lại cổ phiếu quỹ là không giống người Mỹ, rằng họ mắc phải sai lầm khi sử dụng sai nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên mua lại cổ phiếu quỹ không phải là trường hợp đó. Ngày nay cả các doanh nghiệp Mỹ và nhà đầu tư cá nhân đều “chìm” trong nguồn vốn có vẻ đã được sử dụng hợp lý. Trong vài năm trở lại đây tôi không thấy bất kỳ dự án nào “chết” vì thiếu vốn cả. (Hãy gọi cho chúng tôi nếu bạn thấy dự án như vậy).
John Bogle - vị anh hùng trong mắt Warren Buffett
Nếu có một bức tượng được dựng lên để vinh danh người đã cống hiến nhiều nhất cho các nhà đầu tư Mỹ, đó nên là Jack Bogle. Trong suốt nhiều thập kỷ, Jack đã khuyên nhà đầu tư nên rót tiền vào các quỹ đầu tư chỉ số có mức phí siêu thấp. Trong “cuộc thập tự chinh” của mình, ông chỉ tích lũy được một phần rất nhỏ của cải so với những gì đã chảy về phía các nhà quản lý quỹ hứa hẹn sẽ mang về phần thưởng lớn cho nhà đầu tư nhưng thực tế là không gì cả.
Những năm đầu tiên, Jack thường xuyên bị ngành quản lý quỹ chế nhạo. Tuy nhiên ngày nay ông ấy sẽ rất thoải mái khi biết rằng mình đã giúp hàng triệu nhà đầu tư có được mức lợi suất cao hơn nhiều lần. Jack là người anh hùng của họ và cũng là của tôi.
Đừng đặt cược chống lại nước Mỹ
Giống như từ trước đến nay, nỗ lực tăng lợi nhuận của Berkshire sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế Mỹ luôn vận động và phát triển. Chọn một từ duy nhất để tóm gọn những thành tựu của nước Mỹ, đó sẽ là phép màu. Từ xuất phát điểm 240 năm trước – quãng thời gian dài gấp 3 lần những ngày tháng tôi đã sống trên trái đất này, người Mỹ đã kết hợp các yếu tố gồm sự khéo léo của con người, hệ thống thị trường, làn sóng những người nhập cư đầy tham vọng và tài năng cùng với nhà nước pháp quyền để đạt được thành tựu vượt xa ước mong của tổ tiên chúng ta.
Các bạn không cần phải là một nhà kinh tế học cũng có thể hiểu được hệ thống của nước Mỹ đã vận hành tốt như thế nào. Chỉ cần nhìn ra xung quanh. Hãy nhìn vào 75 triệu ngôi nhà có chủ, những đồn điền trù phú, 260 triệu xe cộ, những trường đại học nuôi dưỡng lớp trẻ tài năng, những nhà máy siêu năng suất hay những trung tâm y tế tuyệt vời. Tất cả đều là bằng chứng cho những gì người Mỹ đã đạt được từ năm 1776, từ một nước Mỹ đất đai cằn cỗi, hệ thống lạc hậu đơn sơ và nghèo nàn xơ xác đến thành tựu như ngày hôm nay.
Từ con số 0, người Mỹ đã tích lũy được số của cải lên đến 90.000 tỷ USD.
Lợi nhuận giả mạo
Ngày càng có nhiều nhà quản lý đang tìm mọi cách để báo cáo mức “lợi nhuận điều chỉnh” cao hơn so với lợi nhuận theo tiêu chuẩn GAAP. Có rất nhiều cách để lừa phỉnh nhà đầu tư, trong đó có 2 cách được ưa chuộng là không tính khoản “các chi phí tái cơ cấu” và “chi phí phát hành quyền chọn cổ phiếu” vào mục chi phí.
Tôi và Charlie muốn các lãnh đạo doanh nghiệp miêu tả những hạng mục bất thường này là tốt hay xấu và ảnh hưởng như thế nào đến con số kế toán theo chuẩn GAAP. Rốt cụộc thì chúng ta nhìn vào những con số của quá khứ là để ước tính cho tương lai. Nhưng việc các chi phí được đưa ra không đúng với thực tế bằng cách nhấn mạnh “hệ số P/E đã điều chỉnh” khiến chúng tôi lo lắng.
Charlie và tôi rùng mình khi nghe thấy các chuyên gia phân tích nói về những lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên “chế biến các con số”. Thực tế thì hoạt động kinh doanh quá khó đoán để lúc nào cũng đạt được những con số đã định trước. Những điều khiến chúng ta ngạc nhiên thường xuyên xảy ra và khi đó 1 vị CEO chỉ tập trung vào phố Wall rất dễ bị cám dỗ.
Phí… Hãy cắt giảm đi!
Nhiều năm qua, tôi thường xuyên được đề nghị đưa ra lời khuyên về đầu tư và chính trong quá trình trả lời tôi đã học được rất nhiều về hành vi của con người. Tôi thường khuyên rằng hãy đầu tư vào 1 quỹ chỉ số có mức phí thấp. Nhiều người bạn của tôi đã đi theo lời khuyên này.
Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng không có ai trong số những cá nhân hoặc tổ chức siêu giàu nghe theo. Thay vào đó, họ thường cảm ơn tôi một cách lịch sự và sau đó quay sang lắng nghe những lời ngọt ngào của các nhà tư vấn.
Sau đó thì họ gặp phải vấn đề. Bạn có thể tưởng tượng cảnh một chuyên viên tư vấn đầu tư nói với khách hàng của mình rằng hãy đi theo 1 quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số S&P 500? Nói ra lời khuyên đó không khác gì tự kết liễu sự nghiệp của họ.
Giới nhà giàu đã quen với cảm giác mình phải sử dụng những thứ cao siêu hơn so với đám đông. Đó là thức ăn tốt nhất, trường học tốt nhất, kênh giải trí tốt nhất, nơi ở tốt nhất, những ca phẫu thuật thẩm mỹ đắt tiền nhất, vé xem thể thao ở vị trí đẹp nhất…
Nhưng thực tế thì, trên rất nhiều khía cạnh, giàu có không đồng nghĩa với những sản phẩm hay dịch vụ “sang chảnh” nhất. Nhiều “quý tộc” tài chính – những nhà đầu tư cá nhân hay định chế giàu có – gặp rắc rối lớn khi ngoan ngoãn ký vào bản hợp đồng sử dụng sản phẩm tài chính cao cấp mà thực ra không khác mấy so với những gì người chỉ đầu tư vài nghìn USD cũng có thể hưởng thụ. Theo tính toán của tôi, hành động tìm kiếm những lời khuyên cao cấp của giới siêu giàu đã khiến cho 100 tỷ USD bị lãng phí trong vòng 10 năm qua.
Chỉ cần mức phí 1% nhưng là của vài nghìn tỷ USD sẽ tạo nên con số khổng lồ. Tất nhiên, không phải mọi nhà đầu tư đặt tiền vào các quỹ đầu cơ trong 10 năm qua đều thu được lợi suất thấp hơn mức tăng trưởng của S&P 500. Nhưng tôi tin rằng tính toán của mình đã đủ cẩn trọng.
Mua khi người khác sợ hãi
Nhiều công ty sẽ bị bỏ lại phía sau, thậm chí là thất bại. Sự sàng lọc này là một sản phẩm của cơ chế thị trường. Thêm vào đó trong những năm tới thị trường có thể giảm điểm mạnh, thậm chí là rơi vào cảnh hoảng loạn. Không ai có thể nói cho bạn biết khi nào những điều chấn động này sẽ xảy ra – không phải tôi, không phải Charlie, không phải các chuyên gia kinh tế và cũng chẳng phải giới truyền thông. Ngài Meg McConnell của New York Fed đã rất thông minh khi miêu tả tính chất nguyên bản của trạng thái hoang mang sợ hãi: “Chúng ta dành rất nhiều thời gian để đi tìm rủi ro hệ thống, nhưng sự thật là nó sẽ đi tfm chúng ta”.
Trong những giai đoạn đầy đáng sợ này, bạn đừng bao giờ quên 2 điều sau: đầu tiên, nếu là một nhà đầu tư thì nỗi sợ lan rộng sẽ là một người bạn tốt bởi nó đem đến cơ hội mua rẻ. Thứ hai, nỗi sợ mang tính cá nhân chính là kẻ thù. Những nhà đầu tư tránh được những chi phí cao và không cần thiết, đồng thời chỉ đơn giản là ngồi im 1 chỗ với “bộ sưu tập” cổ phiếu của các công ty Mỹ có quy mô lớn và tình hình tài chính lành mạnh chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt.