6 triệu chứng cho thấy bạn đang mắc bệnh "nỗ lực ảo": Bảo sao tích cực xông pha mà chẳng thấy kết quả bao giờ!
Trên đời luôn có những người, nhìn thì có vẻ vô cùng nỗ lực học tập, làm việc, nhưng thành tích thì chẳng bao giờ thấy tiến bộ.
- 03-08-2020Khoe khả năng vượt sông chỉ bằng 1 cây lau, hòa thượng không nói lên lời khi bị hỏi vặn lại 1 câu và hồi kết đáng ngẫm
- 03-08-2020Người thông minh không xã giao vô bổ: Quý nhân lớn nhất của đời người là chính mình
- 03-08-2020Trẻ 3 tuổi tự dậy sớm, mặc quần áo và xách đồ: Cách nuôi dạy con tuy "khắc nghiệt" nhưng giúp chúng tự lập mai sau của người Nhật
Miệng suốt ngày nói chuyện phải ham học hỏi ra sao, nên nhiệt tình chăm chỉ thế nào, tư tưởng thì y như vĩ nhân, nhưng kết quả lại biệt tăm. Đấy chính là biểu hiện của bệnh "nỗ lực ảo", cũng muốn nỗ lực, mà làm không đến nơi đến chốn. Gửi bạn 6 triệu chứng điển hình của "căn bệnh này", bên cạnh bạn có ai như vậy không? Hay chính bạn cũng đang sa vào cái bẫy "nỗ lực ảo" này rồi?
1. Mua sách chất đầy tủ nhưng chẳng đọc được bao nhiêu
Bạn nắm rõ tất cả các chương trình hội sách, sách đại hạ giá, quen thuộc với mọi trang bán sách, gom được cả đống mã giảm giá sách. Sách bạn mua chất đầy trên tủ… đợi ngày được sờ đến.
Bạn nghĩ mua sách không bao giờ là thừa, nên cứ đến đợt giảm giá là lại gom sách về, mua hết những cuốn bạn thấy cũng hơi hứng thú, những cuốn chắc là bạn sẽ đọc, và cả những cuốn "thôi cứ mua" để cho đủ điều kiện giảm giá nhiều hơn.
Thế rồi hiện thực không như mơ, bạn không đọc hết nổi những gì mình đã mua, có nhiều cuốn nhận về chỉ mở ra lật lật mấy cái rồi lại cất đó không bao giờ sờ đến nữa. Vậy là tri thức chất đầy trong nhà bạn, nhưng chỉ có một ít là vào được đầu bạn.
2. Đam mê mua các khóa học, nhưng đến giờ học thì hết đam mê
Trong thời đại này, các trung tâm dạy học mọc lên như nấm, quảng cáo "bùi tai", giá cả cũng không quá đắt. Nhất là các khóa học online, không mất công đến tận nơi, vừa hiệu quả vừa tiện lợi… Bạn nghĩ bạn cũng nên học thêm cái này cái kia, đồng thời cho rằng mình sẽ chăm chỉ hơn vì tiếc số tiền đã bỏ ra, thế là quyết định mua.
Nhưng vấn đề là, bạn luôn đánh giá quá thấp "sức ì" của bản thân. Cuối cùng khóa học mua về thì nhiều, nhưng cái nào cũng chỉ học vài tiết rồi để đó, thậm chí có những khóa học bị bạn trì hoãn đến hết cả hạn rồi vẫn chưa bao giờ mở ra.
Thế là, lúc nào bạn cũng đang định/mới mua/đang theo học một khóa học nào đó, nhưng cái khóa học đó dài như sự học cả đời của bạn vậy, không bao giờ thấy kết thúc.
3. Biết rõ nên đọc sách thì tốt hơn, nhưng tan làm về là nằm dài trên sofa
Bạn biết rõ chỉ nỗ lực trong giờ làm việc sẽ không bao giờ đủ để hình thành ưu thế cạnh tranh cho bạn, bạn cần phải học tập thêm vào những lúc rảnh rỗi.
Vậy nhưng, tan làm một cái, bạn lại về ăn uống, nghỉ ngơi, nằm dài trên sofa xem ti vi và quyết định trì hoãn việc trau dồi tri thức.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, có quá nhiều phương thức giải trí hấp dẫn không ngừng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta xứng đáng được nghỉ ngơi một chút. Đúng, nghỉ ngơi một chút thì không sao, nhưng quá nhiều những "một chút" liên tục ấy, khiến cho các kế hoạch phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của bạn không bao giờ trở thành hiện thực.
4. Tải tài liệu về đầy máy, nhưng không bao giờ mở ra
Bạn quan tâm đến việc trau dồi tri thức, bạn tham gia đủ các loại hội nhóm học tập, luôn để ý đến các loại tài liệu hiếm, quý, bổ ích… và tải chúng về ngay khi có cơ hội.
Sau khi tải được những tài liệu mà nếu không tải ngay thì có khi sẽ hối hận cả đời ấy về, bạn bắt đầu tạm yên tâm. Yên tâm là mình có đủ tài liệu để nghiên cứu, rồi quên mất việc bao giờ mình sẽ thực sự nghiên cứu chúng.
5. Lưu đủ các loại bài viết hay, nhưng không bao giờ áp dụng vào thực tế
Bạn thích lên mạng tìm đọc các bài viết hay, mỗi khi thấy một bài tâm đắc, bạn sẽ lưu nó lại, chia sẻ nó… Nói chung là, làm đủ cách để lưu giữ áng văn tuyệt tác ấy lại.
Nhưng giống như cách bạn đối xử với những cuốn sách bạn đã mua về, bạn không bao giờ mở kho lưu trữ trong thiết bị của mình ra đọc lại, nghiền ngẫm, và tìm cách vận dụng những cái hay người ta đã chỉ ra vào cuộc đời mình.
Này bạn ơi, bạn lưu nhiều bài như thế, liệu còn nhớ được bao nhiêu?
6. Thích đi nghe diễn thuyết để đốt cháy nhiệt huyết, nhưng trở về lại không suy nghĩ gì nữa
Ngoài đọc sách, xem và nghiên cứu tài liệu, chúng ta vẫn còn một cách hiệu quả để học tập nữa, đó là đi nghe giảng, nghe diễn thuyết. Ở các buổi diễn thuyết, sẽ luôn có những diễn thuyết gia đầy tài năng với kỹ năng biểu đạt tuyệt vời, khơi gợi lên khát khao nhiệt huyết trong bạn. Chính vì thế sau một buổi diễn thuyết, người ta dễ có cảm giác hưng phấn, đầy quyết tâm và hy vọng.
Bạn thích đi nghe diễn thuyết cũng không có gì là sai, nhưng đừng để những nhiệt huyết diễn giả đốt cháy lên trong bạn tàn lụi quá nhanh. Đáng tiếc là phần lớn chúng ta đều vậy, lúc ra khỏi khán phòng thì tràn ngập ý chí, xuống đến bãi gửi xe là bắt đầu bị bao nhiêu chuyện khác trong thực tế làm xao nhãng. Rồi khi về đến nhà, bạn thậm chí quên luôn mình mới nghe cái gì, cũng chẳng suy nghĩ thêm nữa.
Diễn giả nói khát khao là bước đầu tiên để thành công, họ giúp bạn đi bước đầu tiên, sau đó bạn kết thúc luôn ở đó, chẳng bao giờ sang đến giai đoạn suy nghĩ, tìm cách để đi đến thành công.
"Nỗ lực ảo" là một căn bệnh chỉ khiến bạn mất thời gian vô ích, phải chữa!
Nếu bạn gặp phải căn bệnh này, có lẽ những cách giải quyết này sẽ có ích với bạn:
1. Bỏ ngay thói quen tích lũy bừa bãi.
2. "Cai" ngay những trò giải trí không cần thiết.
3. Bớt mơ mộng và tham lam.
Báo dân sinh