6 vấn đề thành phố này cần chú ý để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, khu vực đáng sống nhất châu Á
Mặc dù những năm qua, thành phố đã có những nỗ lực để phát triển, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, cần phải có những biện pháp tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Theo "Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", đến năm 2030, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Những năm qua, Đà Nẵng đã có những nỗ lực để phát triển. Theo số liệu thống kê, năm 2022, kinh tế Đà Nẵng có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với kinh tế tăng trưởng 14% đứng thứ 3 cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 62,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng 17,9%, cao hơn mức tăng 10,6% của cả nước…
Bước sang năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, hoạt động công nghiệp, thương mại của Đà Nẵng cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Trong 10 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu đạt thấp hơn mức chung cả nước như: GRDP chỉ tăng 2,92% (cả nước tăng 4,24%); chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,7% (cả nước tăng 0,5%); kim ngạch xuất khẩu giảm 11,1% (cả nước giảm 8,2%).
Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn tạm thời và tình hình đang có chuyển biến tích cực hơn. Bằng truyền thống, kinh nghiệm của mình, Đà Nẵng chắc chắn sẽ có chu kỳ phát triển mới.
6 nội dung cần đặc biệt quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều ngày 11/11 vừa qua cho biết, thành phố hiện vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh, khả thi cho Thành phố phát triển.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền Thành phố quan tâm 6 nội dung chính.
Thứ nhất, Đà Nẵng cần rà soát lại để điều chỉnh Quy hoạch của mình tương thích với các Quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch của ngành Công Thương, đồng thời đề nghị Thành phố rà soát Kế hoạch sử dụng đất trong kỳ tại địa phương và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thu hút đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và trọng điểm ngành trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, Đà Nẵng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng gắn đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo - coi đây là động lực chính để phát triển; tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế; chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, quang - điện tử, tự động hóa…
Thứ ba, tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, khả thi cho Đà Nẵng theo tinh thần cụ thể hoá Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và đúc kết kinh nghiệm bước đầu trong việc đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên kết nội vùng và liên vùng ở mọi cấp độ để khai thác lợi thế về vị trí là giao điểm, cửa ngõ cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế.
Thứ năm, tập trung củng cố và phát triển vai trò "trung tâm tiêu dùng" của Vùng và cả nước nhằm khai thác lợi thế của một đô thị lớn. Chú trọng phát triển 2 động lực tăng trưởng mới đó là thương mại điện tử và kinh tế đêm, nhằm thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng về kinh tế, dịch vụ.
Thứ sáu, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; khai thác tốt lợi thế của trung tâm giáo dục lớn nhất khu vực miền Trung - Tây nguyên để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương và của Vùng.
Nhịp sống thị trường