MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 yếu tố bắt buộc để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế

08-10-2021 - 10:49 AM | Doanh nghiệp

6 yếu tố bắt buộc để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế

Nếu không ứng dụng chuyển đổi số kịp thời thì DN logistics Việt Nam sẽ mất đi cơ hội bứt phá tăng trưởng với quốc tế và không những thế, DN còn cần phải tuân thủ quy tắc, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế.

Đó là 2 trong 6 yếu tố mà bà Cao Cẩm Linh - Trưởng làng Công nghệ Logistics, Trưởng ban Nghiên cứu - Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel - nêu ra tại buổi tọa đàm trực tuyến thứ hai mang tên "Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng". Đây là một hoạt động thuộc sự kiện Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2021. Sự kiện do làng Công nghệ Logistics tổ chức, với hơn 1.300 người theo dõi qua nền tảng Facebook.

Trong khuôn khổ nội dung hoạt động, các chuyên gia logistics đã cùng chia sẻ, thảo luận về “chuỗi cung ứng bền vững” - một khái niệm tuy không mới nhưng đang được chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế dành nhiều sự quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Chuyển đổi số trong logistics là vấn đề nóng

Bà Cao Cẩm Linh chỉ ra, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế.

Đầu tiên là nguồn lực tài chính. Thứ hai là nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao còn yếu và thiếu - cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,... trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này. Thứ ba là năng lực quản trị toàn diện, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn.

Thứ tư là năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng chuyển đổi số một cách kịp thời thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế. Thứ năm là năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà. Cuối cùng là năng lực về tuân thủ, doanh nghiệp muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế - Trưởng làng Công nghệ Logistics cho biết.

Bà Linh nhấn mạnh, bên cạnh logistics nông nghiệp thì logistics nông thôn cũng cần được quan tâm phát triển. Nếu logistics nông nghiệp chỉ đề cập tới một chiều tiêu thụ nông sản thì logistics nông thôn là một quá trình hai chiều, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó tạo nên một hệ sinh thái khép kín và góp phần duy trì bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản.

Thống nhất với bà Cao Cẩm Linh về việc cần phải thúc đẩy chuyển đổi số, bà Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam - Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với logistics để đảm bảo sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, nguồn lực hạ tầng và nguồn lực nhân sự đều cần được quan tâm phát triển để có thể phát triển những chuỗi cung ứng bền vững, phục vụ đúng nhu cầu của đúng khách hàng, vào đúng thời điểm và ở đúng nơi.

Chuyển dịch sang chuỗi cung ứng số

Các khách mời tham dự trực tuyến đều thống nhất rằng, một khi chuỗi cung ứng đã có thể đáp ứng cho các hoạt động kinh tế thì chúng ta cần tiếp tục xem xét trên các yếu tố khác. Cụ thể, chuỗi cung ứng cần hoạt động thân thiện với môi trường khi giảm thiểu về nguồn lực: con người, năng lượng, nguồn nước và cả rác thải. Về xã hội - con người, tất cả các doanh nghiệp ngày nay để phát triển bền vững thì cần đào tạo con người phát triển về kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe, an toàn người lao động.

 6 yếu tố bắt buộc để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế  - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự tọa đàm trực tuyến "Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng".

Đại dịch cũng mang lại cơ hội cho nền kinh tế khi các chuỗi cung ứng và hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chuỗi cung ứng cần phải được chuyển sang chuỗi cung ứng số và doanh nghiệp cũng cần thích nghi với vận hành chuỗi cung ứng mới đó. Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào “trạng thái bình thường mới”, nhu cầu vận chuyển tăng vọt, các doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp sẽ ít nhiều cần thời gian để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.

Đứng ở góc độ thương mại quốc tế, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ - nhận định: Trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ".

Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ chỉ ra tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Theo số liệu thống kê Hải quan mới mới nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ ngày càng tăng. Để có thể đứng vững ở thị trường lớn và nhiều phức tạp như Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hết mình.

Ông Sơn cũng đưa ra một vài gợi ý và định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ, trong đó quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối, theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất.

Do vậy, "doanh nghiệp logistics cần định hướng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn đó, và cũng chính các doanh nghiệp logistics phản ánh rõ được việc chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đó khi đưa ra thị trường" - ông Bùi Huy Sơn nói thêm.

Theo Anh Lê

Viettimes

Trở lên trên