65% doanh nghiệp có lãi, cao nhất 5 năm qua
Kết quả điều tra PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước khi 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại nay.
- 13-03-2017Hàng chục nghìn "doanh nghiệp xác sống" đeo bám kinh tế Nhật Bản
- 12-03-2017Hộ kinh doanh lớn không muốn lên doanh nghiệp: Vướng mắc ở đâu?
- 12-03-2017Doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi huy động vốn
Thông tin vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 14/3.
Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng). Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016.
Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức của năm trước đó.
Điều tra 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Xét theo lĩnh vực, nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh trung vị trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì nay chỉ mất 7 ngày, mức thấp kỉ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để chính thức đi vào hoạt động đã giảm một nửa, từ 26% xuống còn 13%.
Tuy nhiên, điều tra PCI 2016 cũng cho thấy một số xu hướng đáng quan ngại. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008.
Chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường.
Hơn 90% doanh nghiệp FDI có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng ba tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Khoảng 40% doanh nghiệp trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉmột tháng. Đây là tỉ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp sau giai đoạn thành lập. Năm 2016, 72% doanh nghiệp cho biết họ mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính. Tỉ lệ này cao đáng kể so với mức thấp lịch sử đạt được trong năm 2010 (56%).
Dù số cuộc thanh, kiểm tra mỗi năm tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, song vẫn còn gần 5% doanh nghiệp FDI bị thanh tra, kiểm tra trên 8 lần.
Theo các doanh nghiệp FDI, đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan. Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn tất cả các thủ tục này đã giảm so với năm 2015. Kết quả này phần nào nhờ các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19/NQCP/2015 nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Điều này đặc biệt đúng đối với lĩnh vực hải quan, một trong những trọng tâm của Nghị quyết này.
Chinhphu.vn