MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 cách yêu thương con thật sự, làm được 4 điều thì xin chúc mừng, bạn chính là cha mẹ thông thái

02-10-2024 - 17:15 PM | Sống

Tình yêu đích thực không phải do người lớn áp đặt mà là duy trì sự tôn trọng, quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

Bộ phim "Trảo Oa Oa" (Trung Quốc) ra mắt cách đây không lâu kể về câu chuyện của một gia đình như sau:

Để nuôi dạy con trai, ông trùm Mã Thành Chương đã đặc biệt tạo ra một môi trường phát triển "hoàn hảo". Ông đã hoạch định hướng phát triển trong tương lai cho con, theo dõi từng bước đi của đứa trẻ mỗi ngày, đồng thời thuê đội ngũ giáo dục để phân tích từng lời nói, hành động của con.

Chỉ cần đứa trẻ có một chút sai lệch, Mã Thành Chương và toàn bộ đội ngũ giáo dục phía sau sẽ lập tức phát ra "cảnh báo". Biết con trai quá yêu thích chạy bộ, Mã Thành Chương đã mất cả đêm tìm cách can thiệp và ngăn cản cậu trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Để rèn luyện ý chí của con, Mã Thành Chương yêu cầu con kiếm tiền bằng cách nhặt ve chai, nhưng điều này khiến cậu bé bị các bạn cùng lớp cười nhạo. Dưới hàng loạt hành vi này, thế giới tinh thần của người con trai gần như sụp đổ, cậu chỉ muốn tránh xa gia đình ngột ngạt.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình "yêu" con sâu sắc nhưng thực tế, con họ hoàn toàn không cảm nhận được điều đó. Tình yêu đích thực không phải do người lớn áp đặt mà là duy trì sự tôn trọng, quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

Có 7 cách cho thấy cha mẹ thực sự yêu thương con cái:

Về giao tiếp: Nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng họ thường xuyên giao tiếp với con cái mình. Trên thực tế, về cơ bản họ sẽ nói như sau: "Con đã làm xong bài tập chưa? Con đã đọc sách chưa? Con đã làm xong bài chưa? Con có gây rối trong lớp không?". Khi trẻ muốn chia sẻ điều gì đó thú vị, cha mẹ vẫn bận rộn với đôi tay mà không hề ngẩng đầu lên. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ ngày càng ít muốn giao tiếp.

7 cách yêu thương con thật sự, làm được 4 điều thì xin chúc mừng, bạn chính là cha mẹ thông thái- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đây từng có một câu chuyện:

Một người mẹ bị viêm họng, không nói được. Hôm đó, con trai đi học về nói: "Mẹ ơi, hôm nay cô giáo mắng con, con không muốn đến trường nữa". Người mẹ muốn mắng con nhưng lại không nói được nên chỉ có thể nhìn chằm chằm.

Người con trai nói tiếp: "Thầy nói rằng con chép bài tập của bạn cùng lớp. Thực ra là con tự viết thật. Tại sao giáo viên lại không nhìn thấy nỗ lực của con", người mẹ ôm con im lặng.

Sau khi đứa con trai khóc xong, đột nhiên nói: "Mẹ, cảm ơn mẹ". Người mẹ sửng sốt một lúc, đứa trẻ lại nói: "Cảm ơn mẹ đã nghe những lời con nói hôm nay. Con nhất định sẽ tiếp tục cố gắng". Người mẹ không nói một lời, chỉ im lặng lắng nghe nhưng nhận được sự ghi nhận và biết ơn chân thành của con trai.

Quá nhiều bậc cha mẹ đã quen với việc đưa ra tiếng nói của chính mình trong gia đình và cố gắng tìm cách để con cái nghe theo. Trên thực tế, chỉ bằng cách học cách im lặng và lắng nghe, trẻ mới có thể thực sự cởi mở.

Về việc phạm sai lầm: Đổ lỗi ít hơn, tha thứ nhiều hơn

Có câu chuyện cậu bé khoảng 4, 5 tuổi bị bố mắng từng gây chú ý. Hóa ra cậu bé đã nhổ một vài bông hoa trong vườn của mình. Chúng là những giống quý hiếm mà cha đặc biệt mua ở chợ hoa.

Cậu bé giải thích với vẻ mặt đau khổ: "Con chỉ muốn xem dưới lòng đất chúng trông như thế nào…". Nhưng người cha không thèm nghe, giận dữ hét lên: "Mày không được vào vườn nữa!" và đưa tay đánh con.

Biết bao bậc cha mẹ chỉ dành cho con những lời trách mắng đơn giản và thô bạo như người cha này khi con mắc lỗi. Điều này không chỉ làm tổn thương tâm hồn mỏng manh mà còn tước đi cơ hội phát triển của trẻ.

Trên thực tế, mắc lỗi là cách duy nhất để trẻ tiến bộ khi lớn lên. Cha mẹ không nên chỉ trích, mắng mỏ mà điều quan trọng là dạy trẻ cách nhận lỗi và rút kinh nghiệm. Cho phép trẻ khám phá, thử và mắc lỗi, sửa lỗi và trưởng thành.

Một đứa trẻ được tắm trong tình yêu thương và sự chấp nhận có thể phát triển sức mạnh và lòng can đảm vô hạn, lớn lên thành người có trái tim yêu thương.

Về việc đồng hành: Hãy bớt chiếu lệ và kiên nhẫn hơn

Từng có một nghiên cứu cho ra kết quả như sau: Khi dành thời gian cho con cái, 49% cha mẹ không bao giờ tham gia vào những gì con đang làm. 38,4% phụ huynh thường xuyên dùng điện thoại.

Kiểu "đồng hành hình thức" này thiếu đi dòng chảy tình cảm, quá chiếu lệ. Đồng hành thực sự là được kết nối với đứa trẻ và nếm trải "ngọt ngào, thăng trầm" của quá trình trưởng thành.

Một nhà văn từng nói: "Điều quan trọng nhất trong giáo dục gia đình là tình bạn đồng hành. Từ tuổi thơ đến tuổi thiếu niên, chúng ta phải đồng hành cùng con cái để chia sẻ những khoảng thời gian vui vẻ, cùng cười đùa và cùng nhau trưởng thành". Dù bận công việc đến đâu, cha mẹ cũng sẽ cố gắng dành thời gian để dành nhiều thời gian hơn cho con cái.

Về việc học: Ít giám sát hơn, làm gương nhiều hơn

Ai lại không muốn nuôi dạy một đứa trẻ ngoan, chủ động và học hỏi một cách có ý thức? Tuy nhiên, việc cha mẹ giám sát một cách cực đoan hoặc áp đặt, mắng mỏ không thể thực sự cho phép trẻ học tập tự lập. Đôi khi, chúng còn có thể khiến trẻ có tính chống cự, nổi loạn và cố tình làm trái ý cha mẹ.

Muốn nuôi dạy con có tính tự giác, trước hết cha mẹ phải quản lý tốt bản thân và làm gương tốt cho con. Bằng cách này, chúng ta có thể tạo ảnh hưởng tích cực cho con cái mình.

Về tính cách: Ít chỉ trích hơn, bao dung hơn

Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, đặc biệt là trẻ vị thành niên luôn có những sở thích và ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ luôn muốn dùng uy quyền để trấn áp, liên tục la mắng và biến con thành những "đứa con ngoan" trong tâm trí.

Có 1 blogger đã nói về trải nghiệm của chính mình: Có lần, cô tô son môi màu đen, sơn móng tay xanh lá và mặc bộ trang phục không phổ biến đến một buổi họp mặt gia đình. Hầu hết các bậc cha mẹ sẽ chế giễu hoặc thậm chí ngăn cản con ăn mặc như thế này. Nhưng cô không những không bị kỳ thị, kỷ luật mà còn được khen ngợi, đánh giá cao.

Cô hỏi: "Bà ơi, bà thấy cháu có đẹp không?" - Bà nội trả lời: "Trông cháu đẹp lắm, giống như một con vẹt nhỏ vậy". Cô lại hỏi: "Mẹ ơi, con có đẹp không?" - Mẹ và dì cũng trả lời chắc nịch: "Đẹp quá, trẻ trung!".

Bạn có thể tưởng tượng những đứa trẻ được sống trong bầu không khí gia đình như vậy sẽ hạnh phúc biết bao.

Một số nhà tâm lý học đã nói: Cha mẹ chỉ có một nhiệm vụ, đó là giúp con cái tăng cường sức mạnh nội tâm, khiến chúng có đủ năng lực và can đảm hơn để đối mặt với thế giới tương lai.

Trẻ em ngày nay độc lập, cá tính, có thế giới nội tâm phong phú và có ý thức mạnh mẽ về bản thân. Đừng phán xét hay kìm nén mà hãy dùng trái tim bao dung, thấu hiểu để khám phá những điểm sáng trong nhân cách của trẻ, chỉ khi đó trẻ mới tìm ra con đường tương lai tươi sáng cho riêng mình.

Về sự lựa chọn: Ít can thiệp hơn, tôn trọng hơn

Nhiều bậc cha mẹ thích làm mọi việc cho con vì tin rằng điều đó "vì lợi ích của con", nhưng họ không biết rằng điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con cái là để trẻ có quyền tự quyết định.

Cha mẹ thực sự yêu thương con nên đối xử với con như những cá thể độc lập, hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của con, để con tham gia vào việc ra quyết định và khuyến khích con thể hiện bản thân. Điều này không chỉ tôn trọng quyền cá nhân của trẻ mà còn mang lại cho các em sự tự tin và lòng dũng cảm vô hạn.

Về kết quả: Ít chỉ trích gay gắt hơn, khuyến khích nhiều hơn

Thực tế, mỗi khi con thi không tốt, trong lòng chúng cảm thấy lo lắng. Lúc này, sự động viên, an ủi của cha mẹ chính là tình yêu thương lớn nhất đối với con.

Cha mẹ nên để con cái cảm thấy dù con ra sao, học giỏi hay dở thì cha mẹ vẫn yêu con. Một đứa trẻ thực sự cảm nhận được tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ có thể gieo vào lòng những hạt giống hy vọng và gắn bó, lớn lên trong sự hạnh phúc và yêu thương cuộc sống.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ số

Trở lên trên