MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7-Eleven dùng camera để giám sát nhân viên ăn trộm, nhận ngay câu hỏi: "tiền lương ăn cắp của nhân viên thì ai trả?"

24-06-2021 - 13:04 PM | Thị trường

7-Eleven và nhiều đơn vị sử dụng lao động của Mỹ nhận các cáo buộc bớt xén tiền lương của nhân viên nhưng hiếm khi có đơn vị nào bị truy tố.

Nhân viên làm việc tại các cửa hàng 7-Eleven, trạm xăng Sell, nhà hàng Dairy Queen, khách sạn Holiday Inn và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đang bị giám sát 24/7 qua camera an ninh bởi một "giám sát viên ảo", Vice News đưa tin hôm 21/6.

Công ty Live Eye có trụ sở tại Washington cung cấp công nghệ giám sát với mức giá 399 USD/tháng, giúp các chủ doanh nghiệp ngăn chặn hành vi trộm cắp của nhân viên.

Trộm cắp và gian lận là vấn đề không nhỏ - tiêu tốn của các nhà bán lẻ 62 tỷ USD trong năm 2019, theo National Retail Foundation. Nhưng các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về việc liệu hành vi giám sát liên tục như vậy có gây ra sự phiền toái cho người lao động hay không. Họ cũng đặt câu hỏi tại sao các vấn đề "ăn cắp tiền lương" không nhận được sự giám sát chặt chẽ. Năm 2019, ước tính 12,6 tỷ USD tiền lương của những người lao động đã bị đánh cắp từ những người lao động chỉ kiếm được ít hơn 13 USD/giờ theo Dự án Luật việc làm Quốc gia Mỹ.

Khảo sát của NRF cho thấy các chuỗi bán lẻ tại Mỹ sa thải 559 nhân viên vì tội ăn cắp trong năm 2019, truy tố 156 nhân viên trong khi nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế Mỹ cho thấy người sử dụng lao động hiếm khi bị truy tố.

7-Eleven dùng camera để giám sát nhân viên ăn trộm, nhận ngay câu hỏi: tiền lương ăn cắp của nhân viên thì ai trả? - Ảnh 1.

Năm ngoái 7-Eleven thông báo hơn 4.000 nhân viên của họ tại Úc đã được trả lại 173 triệu USD tiền lương sau khi phương tiện truyền thông gồm Four Corners và The Sydney Morning Herald đưa tin công ty đã "ăn cắp" một nửa tiền lương của người lao động. Họ còn lập hồ sơ để che đậy kế hoạch, đe doạ trục xuất những người có ý định tố cáo.

Trong một cuộc điều tra của cơ quan quản lý lao động tại Úc, trụ sở chính của 7-Eleven tại quốc gia này đã phải đối mặt với cáo buộc hối lộ các đơn vị nhượng quyền kinh doanh để họ không đứng ra làm chứng chống lại lãnh đạo công ty (7-Eleven phủ nhận các cáo buộc này).

Trong khi Chủ tịch Rusell Withers và CEO Warren Wilmot sau đó đã từ chức, Whithers vẫn bỏ túi 78 triệu USD từ việc bán cổ phần các cửa hàng 7-Eleven. Ông Wilmot cũng không phải đối mặt với án phạt tài chính hoặc hình sự nào.

Aiha Nguyen – nhà nghiên cứu của Data &Society cho biết hành vi trộm cắp của nhân viên cửa hàng 7-Eleven "nhỏ hơn nhiều so với vấn đề trộm tiền lương". Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các công cụ giám sát của Live Eye là tệ. "Về lý thuyết, hệ thống này có thể hữu ích. Nhưng đó không phải cách họ nên triển khai", bà Nguyen nói.

Bà cho rằng việc thuê một nhân viên bảo vệ sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn chặn hành vi trộm cắp. "Nhưng những gì đang diễn ra là một máy quay luôn chĩa ống kính vào các nhân viên". Hiện chưa có thông tin về việc liệu có hay không, và bao nhiêu cửa hàng 7-Eleven sử dụng nhân viên bảo vệ.

Một cựu tư vấn viên của 7-Eleven nói với Vice rằng Live Eye là "giải pháp mang tính tìm kiếm vấn đề", bởi trộm cắp không làm tốn nhiều chi phí của cửa hàng trong khi những tên cướp có vũ trang có thể mang đến nhiều nguy hiểm hơn cho người lao động.

Nói với Vice, người phát ngôn của 7-Eleven cho biết: "Chúng tôi cung cấp cho mọi cửa hàng 7-Eleven một hệ thống an ninh cơ bản, bao gồm camera giám sát và hệ thống báo động. Tuy nhiên, các đơn vị nhượng quyền độc lập có thể cài đặt hệ thống của riêng họ dựa trên những gì được cung cấp".

"Họ đang sử dụng sự bất an về nguy cơ trộm cướp như một cái cớ để nhắm vào người lao động", Eva Blum Bumontet - nhà nghiên cứu cao cấp tại Privacy International nói. "Điều này rất độc hại cho sức khoẻ tinh thần của nhân viên".

Tham khảo: Business Insider

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên