7 lưu ý để bố mẹ nói "không" mà con phải tâm phục khẩu phục: Số 7 thường bị nhầm lẫn
Nhiều đòi hỏi của con trẻ thường đi quá giới hạn. Song, làm thế nào để từ chối con mà vẫn khiến con "tâm phục khẩu phục"? Có lẽ đây sẽ là điều mà nhiều bậc phụ huynh mong muốn.
- 10-07-2022Hàng nghìn phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10 tại Hà Nội
- 09-07-2022Chánh văn Hoàng Anh Tú bàn về chuyện kỳ vọng của phụ huynh đối với con cái: Bố mẹ bình thường sao mong con phi thường?
- 09-07-2022Bà mẹ ở TP.HCM nhận "bão like" vì mở phòng đọc miễn phí cho trẻ em: Bật mí bí quyết giúp con mê sách từ năm 2 tuổi
Tôi đã làm việc với nhiều bậc phụ huynh cảm thấy phiền não vì con họ không chấp nhận sự từ chối của họ khi chúng đòi hỏi một điều gì đó. Rất thường xuyên, họ cảm thấy việc giải thích lý do họ nói "không" với con để cho con hiểu là rất quan trọng.
Thế nhưng nhiều khi, họ không thành công. Con họ tiếp tục nài nỉ khiến họ "phát điên" và buộc phải đầu hàng. Điều đó sẽ dạy con họ cách không chấp nhận các quy tắc. Hoặc họ sẽ rơi vào tình trạng mất quá nhiều thời gian không cần thiết để giải thích cho con và con họ thì vẫn không chấp nhận câu trả lời.
Làm sao để giải quyết vấn đề đau đầu này, cha mẹ có thể tham khảo 7 lưu ý dưới đây.
1. Tránh quát tháo con
Một số đứa trẻ tức giận khi bị bố mẹ từ chối. Chúng có thể nói: "Điều đó là không công bằng" và bắt đầu làm quá. Từ đó, mọi chuyện có thể sẽ dẫn đến một cuộc tranh cãi lớn tiếng giữa bố mẹ và con cái. Và khi bạn quát tháo con, bạn đang phủ nhận chính quyền lực của mình.
(Ảnh minh họa: Internet)
Tất nhiên, lần đầu tiên hoặc lần thứ hai, thứ ba bạn quát con, con bạn có thể sẽ phản ứng theo cách bạn muốn. Nhưng dần dần, khi việc quát nạt không còn tác dụng, con bạn sẽ ngày càng trở nên hung hăng hơn đến mức chúng sẽ đập phá một thứ gì đó trong nhà và sẽ gây ra tiền lệ xấu.
Nếu con bạn nói: "Bố mẹ không thể bắt ép con" và từ chối làm theo quy tắc của bạn, tôi khuyên bạn nên bình tĩnh nói rằng: "Bố mẹ không bắt ép con, nhưng nếu con phá vỡ quy tắc thì sẽ có hậu quả".
Sau đó, bạn hãy chỉ rõ những hậu quả tương ứng cho tình huống đó.
2. Thiết lập quyền lực từ sớm
Nếu con của bạn còn nhỏ, hãy thiết lập quyền lực của bạn ngay từ bây giờ. Bạn càng làm điều đó sớm thì việc con bạn hiểu được rằng bố mẹ nói "không" thì đúng là "không" càng dễ dàng hơn.
Bố mẹ nên thiết lập quyền lực của mình từ sớm bằng cách đặt ra các giới hạn và có một cấu trúc đàng hoàng. Ví dụ, bạn không để đứa con mới 2 tuổi của mình tự bước đi trên phố, không để đứa con 3 tuổi của mình đi đến gần bể bơi. Bạn đặt ra giới hạn và yêu cầu chúng thực hiện. Các giới hạn sẽ giúp thiết lập ra một cấu trúc chung mà bạn sẽ sử dụng trong suốt phần đời ấu thơ của con. Vì thế, hãy bắt đầu thật sớm và nhất quán.
Nếu con bạn đã lớn hơn thì cũng đừng nản, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần rằng quá trình thiết lập quyền lực của bố mẹ sẽ mất nhiều thời gian và cần nhiều sự kiên nhẫn hơn.
3. Xử lý riêng khi con bị kích thích quá mức
Đôi khi con bạn bị kích thích quá mức, sẽ khó để chúng tiếp thu sự hướng dẫn của cha mẹ. Khi đó, hãy đưa con đến một nơi yên tĩnh để con ngồi im nghỉ ngơi trong khoảng 5 phút, lấy lại sự bình tĩnh, rồi từ từ nói chuyện với con về các giới hạn.
(Ảnh minh họa: Internet)
Sau đó, hỏi con xem đã sẵn sàng làm theo quy tắc chưa, nếu chúng đồng ý, hãy để chúng đi. Nếu chúng tiếp tục phản kháng, hãy để chúng bình tĩnh đến khi đã sẵn sàng. Nếu con bạn bị kích động trong một cửa hàng, bạn có thể đưa con ra ô tô để con lấy lại tinh thần.
4. Kiên quyết khi con mè nheo
Tôi tin rằng điều tốt nhất bạn có thể làm khi con tiếp tục tranh cãi với quy tắc bạn đặt ra hoặc hậu quả thì hãy nói rằng: "Bố/mẹ sẽ không bàn thêm về chuyện này nữa", sau đó quay người bước đi.
Đừng phản ứng với bất kỳ câu nói nào sau đó của con. Nếu bạn nói "không" và con bạn vẫn nói: "Nhưng, nhưng..." thì cứ tiếp tục bước đi. Nếu bạn cho chúng thứ quyền lực có thể khiến bạn quay lại thì chúng sẽ tiếp tục sử dụng trong những lần sau.
Nếu con bạn cần lời giải thích hợp lý và bạn đã làm điều đó, bạn không "nợ" chúng bất kỳ điều gì nữa.
5. Giải thích các quy tắc khi con bình tĩnh
Thời gian thích hợp để giải thích các định nghĩa, các quy tắc với con là khi mọi người đều có tâm trạng bình tĩnh. Khi đó hãy nói với con rằng: "Khi bố/mẹ nói 'không' là bố/mẹ không muốn nói với con thêm về điều đó. Không là không" chẳng hạn.
(Ảnh minh họa: Internet)
Bạn cũng có thể dạy con mình ứng xử trong trường hợp không vui với lời từ chối của bố mẹ: "Nếu con không thích điều đó, nó làm con thất vọng thì hãy vào phòng của mình, ngồi im trong 5 phút. Hãy làm điều gì đó để con bình tĩnh lại".
6. Quá nghiêm khắc có thể phản tác dụng
Sự nghiêm khắc và nhất quán của bố mẹ giúp con xác định các ranh giới một cách rõ ràng từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc bố mẹ quá nghiêm khắc có thể sẽ phản tác dụng. Khi con dần lớn hơn, bạn cũng nên cho chúng nhiều sự tự do hơn và cho chúng biết rằng chúng đã có được niềm tin của bạn. Làm điều đó đúng cách, bạn sẽ vẫn duy trì được quyền lực làm cha mẹ của mình.
Suy cho cùng, "nhân vô thập toàn", chính bạn cũng không hoàn hảo, do đó, cũng đừng mong con bạn hoàn hảo và đáp ứng mọi yêu cầu của bạn hoặc đạt được sự tiến bộ trong một thời gian ngắn.
7. Đừng cố gắng là bạn của con
"Hãy là một người bạn của con", có lẽ bạn thường nghe những lời khuyên như vậy ở khắp mọi nơi. Nghe thì rất hay, nhưng bạn cũng cần hành động với tư duy phản biện. Là một bậc phụ huynh, việc của bạn là dạy cho con, hướng dẫn cho con thiết lập các quy tắc và giới hạn. Việc đặt ra giới hạn này là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và đặc biệt cần thiết khi con bạn còn nhỏ.
Cũng có những phụ huynh nói với tôi rằng họ muốn làm bạn của con. Tôi hiểu điều đó và không phán xét, nhưng theo tôi, việc coi quan hệ giữa bố mẹ và con là quan hệ tình bạn là một sự hiểu lầm.
Ví dụ, con trai tôi không cần tôi là bạn nó. Nó cần tôi bảo rằng: "Không, đã đến giờ tắt các thiết bị điện tử và bắt đầu làm bài tập về nhà rồi".
Theo tôi, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ cả đời và rất phức tạp. Có thể khi chúng là người trưởng thành, chúng sẽ coi bố mẹ là bạn của chúng. Và điều đó không sao, nhưng khi chúng còn nhỏ và chưa thể phân biệt đúng sai, hãy phát huy vai trò LÀM - CHA - MẸ của mình.
James Lehman, tác giả bài viết nói trên là một chuyên gia giáo dục tới từ Mỹ, người đã dành cả đời mình cho những thanh thiếu niên gặp các vấn đề về hành vi. Từ kinh nghiệm của bản thân cũng như nghề nghiệp, ông là tác giả của các chương trình dạy làm cha mẹ như The Total Transformation®, The Complete Guide to Consequences™, Getting Through To Your Child™, Two Parents One Plan™.
Từ nhỏ, ông đã có những vấn đề về hành vi, và do đó khi lớn lên, ông rất quan tâm đến việc quản lý những hành vi này một cách chuyên nghiệp. Cùng với vợ mình, Janet Lehman, ông đã giúp nhiều thanh thiếu niên giải quyết các vấn đề cũng như giúp nhiều bậc cha mẹ tìm được tiếng nói chung với những đứa con của họ.
Trí thức trẻ