7 phong tục đón Giáng sinh kỳ quặc nhất trên thế giới
Mặc dù Giáng sinh là một dịp lễ lớn, được tổ chức ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới nhưng mỗi quốc gia lại có một cách chào đón ngày lễ này khác nhau, để phù hợp với văn hóa và phong tục riêng.
- 13-12-2017Khung cảnh đón Giáng sinh sớm ở nhiều nơi trên khắp thế giới: Lộng lẫy, nguy nga và ấm áp
- 11-12-20178 món quà trong dịp lễ Giáng sinh sẽ khiến bất cứ triệu phú nào cũng ao ước
- 10-12-2017Những món quà xa xỉ của người giàu dịp Giáng Sinh
Không ít trong số đó khá “kỳ quặc” đấy nhé:
Ăn thực phẩm đang phân hủy ở Greenland, Đan Mạch
Không phải toàn bộ người dân Đan Mạch đều có phong tục này. Chính xác hơn, đó là một vùng đất lạnh lẽo thuộc Đan Mạch, phía bắc Đại Tây Dương. Người dân ở đây có thói quen ăn Mattak - da cá voi sống và mỡ cá voi. Nhưng món ăn đặc biệt nhất chỉ dành cho ngày lễ Giáng sinh chính là Kiviak - chim non bọc trong da hải cẩu, đem chôn trong vòng vài tháng và ăn ngay trong thời kỳ chúng đang phân hủy. Nghe có vẻ không được hấp dẫn lắm phải không?
Diễu hành với những chiếc sọ ngựa ở Wales
Mari Lwyd là một phong tục ở South Wales, nơi một dân làng diễu hành quanh thành phố với mảnh vải/giấy lớn trùm quanh người, trên đầu là chiếc sọ ngựa có thể nhìn qua được. Những chiếc sọ này được trang trí với những dải ruy băng sặc sỡ, những chiếc chuông leng keng vui tai. Nhưng hình ảnh này thì không dễ thương như chúng ta thường thấy trong Giáng sinh chút nào.
Người Trung Quốc tặng nhau táo
Là dân tộc đông dân nhất trên thế giới nhưng thực tế người Trung Quốc biết rất ít về Giáng sinh, thậm chí không có truyền thống đón Giáng sinh vì chỉ 1% dân số là người theo đạo Cơ đốc. Điều thú vị là đây là xưởng sản xuất những cây thông noel và đồ trang trí noel lớn nhất cho cả thế giới.
Mặc dù vậy, vì là một dịp nghỉ lễ thú vị nên Giáng sinh vẫn được tổ chức một cách rộng rãi ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Vào ngày này, người ta thường tặng nhau những trái táo. Nguyên do là bởi phát âm “đêm Giáng sinh” trong tiếng Trung là Ping An Ye khá tương đồng với từ “trái táo” là Ping Guo.
Giấu chổi ở Nauy
Người Nauy có một “nỗi sợ” đặc biệt, đó là sợ phù thủy và những linh hồn xấu xa. Bởi thế, vào ngày lễ Giáng sinh, họ thường có tập tục giấu những cây chổi đi, vì cho rằng như thế thì các phù thủy sẽ không thể phát hiện và sử dụng chúng được.
Trong đêm Giáng sinh, thay vì ra đường vui chơi như Mỹ hay Phần Lan thì phụ nữ Nauy thường ẩn mình trong nhà còn đàn ông thì ra đường và bắn súng chỉ thiên để xua đuổi tà ma.
Đi ăn gà rán vào Giáng sinh như người Nhật
Cũng giống như người Trung Quốc, người Nhật không có nhiều khái niệm về Giáng sinh. Tuy nhiên vì đây là một dịp lễ lớn trên toàn thế giới nên người Nhật cũng vui vẻ hưởng ứng. Ở đây, người dân tin rằng ông già Noel hay còn gọi là Santa Kurohsu theo tiếng Nhật, có một mắt sau gáy để dòm ngó những trẻ hư, còn bánh Noel thì thường được làm từ bọt biển, kem và dâu.
Đặc biệt, những năm gần đây ở Nhật Bản xuất hiện một “truyền thống” kỳ quái, đó là đón Giáng sinh ở tiệm KFC. Có lẽ do tác động của những quảng cáo của hãng thức ăn nhanh mang thương hiệu Mỹ này mà người Nhật gắn Giáng sinh với những xô gà rán Kentucky chăng?
Trượt patin ở Venezuela
ở Venezuela, bạn phải đến nhà thờ vào đêm Giáng sinh bằng giầy trượt patin hoặc ván trượt mới đúng đạo. Thậm chí, nước này còn coi đây như một tục lệ không thể bỏ qua bằng cách cấm các phương tiện giao thông lưu thông trên đường cho đến 8h sáng hôm sau, để đảm bảo cho tất cả mọi người đều được trượt patin một cách thoải mái và an toàn.
Trong khi đó, vào đêm Noel, trẻ em ở nước này trước khi đi ngủ sẽ buộc một sợi dây ở ngón chân cái và nối với cửa sổ. Những người đi lễ về ngang qua sẽ giật sợi dây để đánh thức bọn trẻ.
Phụ nữ độc thân ở Czech dự đoán tương lai bằng việc ném giày
Giáng sinh là dịp đặc biệt với những cô gái còn FA ở Czech. Các cô gái tin rằng, việc đứng quay lưng vào cổng nhà và ném giày qua vai sẽ dự đoán được đường tình duyên của mình trong năm tới. Nếu như mũi giày quay vào cửa thì xin chúc mừng, năm tới bạn sẽ tìm được người thương hay thậm chí là đi đến hôn nhân. Nhưng nếu mũi giày quay ra ngoài thì “chúc bạn may mắn lần sau”.
Livingly