7 tỉnh, thành có ca Covid-19 trong cộng đồng
Việt Nam phát hiện một chuyên gia nhập cảnh nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể tại Nam Phi, có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng khác
- 31-01-2021Thêm 14 ca mắc COVID-19 mới: Hòa Bình 2 ca, Hà Nội thêm 5 ca ở quận Nam Từ Liêm
- 30-01-2021Vaccine COVID-19 đầu tiên lưu hành tại Việt Nam
Ngày 30-1, Việt Nam đã ghi nhận thêm 61 ca mắc mới Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nâng tổng số người nhiễm lên 1.767 ca. Riêng số ca mắc trong cộng đồng từ ngày 28-1 đến nay là 207 người, ở 7 tỉnh - thành, chủ yếu tập trung tại Hải Dương (175 ca), Quảng Ninh (22 ca), Hà Nội (4 ca), Hải Phòng (1 ca), Bắc Ninh (2 ca), Gia Lai (2 ca), TP HCM (1 ca).
Xét nghiệm đến cả F4
Cùng ngày, thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết các nhà khoa học của viện đã lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 và giải trình tự gien virus SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân tại khu vực phía Bắc, trong đó hầu hết là các ca nhập cảnh.
Qua đó, các nhà khoa học phát hiện một người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi, có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng khác. Chủng này được phân lập trên ca nhập cảnh là chuyên gia từ Nam Phi. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội).
Hiện các địa phương có ca lây nhiễm trong cộng đồng đang đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng. Tại ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Hải Dương, tất cả công nhân Công ty Poyun đều được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung. Tại Quảng Ninh, 2 ngày qua, lực lượng chức năng đã lấy mẫu, mở rộng đối tượng xét nghiệm. Tỉnh này sẵn sàng tăng công suất xét nghiệm tối đa tới 800 mẫu/ngày.
Từ ngày 30-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với các trường hợp về từ vùng dịch của Hải Dương và Quảng Ninh. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết đã nắm danh sách 5.000 người liên quan tới các ca Covid-19 ở Hải Dương. Tuy nhiên, con số dự tính có thể lên tới 8.000 người. CDC Hà Nội đã xét nghiệm cho khoảng 1.000 người và đang ngày đêm xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng, cách ly phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay chỉ sau một ngày phát hiện ca bệnh ở sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Chí Linh (tỉnh Hải Dương), ngành y tế đã thần tốc lấy mẫu xét nghiệm và tìm ra 82 ca Covid-19 từ các trường hợp F1. Đây là số ca lây nhiễm cộng đồng cao nhất từ trước đến nay.
"Chưa bao giờ chúng ta quyết liệt như bây giờ, không chỉ xét nghiệm cho F1, F2, F3 mà còn xét nghiệm đến F4 để quét hết ca nghi ngờ nhằm tìm ca lây nhiễm Covid-19" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Truy vết nhanh để hạn chế lây lan
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam vẫn đang giải trình tự gien virus. Tuy nhiên, kết quả giải trình từ phía Nhật Bản cho thấy đây là biến chủng đột biến xuất xứ từ Anh, vốn đã lan ra hơn 80 nước trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết việc truy vết rất quan trọng, truy vết càng nhanh càng hạn chế lây lan. Hiện tất cả trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở các tỉnh, thành đều liên quan đến vùng dịch Chí Linh và sân bay Vân Đồn. Do đó, tất cả người từng đi đến, về từ Chí Linh và sân bay Vân Đồn trong tháng 1-2021 đều nằm trong "tầm ngắm" và cần được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Có thể trong những ngày tới sẽ ghi nhận thêm các ca Covid-19 ở nhiều địa phương khác liên quan đến 2 tâm dịch trên. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có những ca lây nhiễm trong cộng đồng cần đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng. Các bộ - ngành và địa phương phải hành động nhanh hơn nữa để có thể dập được các ổ dịch này trước Tết nguyên đán. Bộ Y tế đã xây dựng các phương án phòng chống dịch và bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị cho tình huống 10.000 người mắc Covid-19.
PGS-TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, người dẫn đầu đội dịch tễ đang "nằm vùng" tại Chí Linh - nhấn mạnh việc hoàn thành truy vết, tìm kiếm, yêu cầu toàn bộ công nhân Công ty Poyun có mặt, tập trung tại công ty là tín hiệu rất tích cực trong việc sớm ngăn chặn dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa phê duyệt cho nhập khẩu vắc-xin Covid-19 của Công ty dược AstraZeneca (Anh) cho trường hợp khẩn cấp phòng chống dịch. Đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ mua từ 30-50 triệu liều trong năm nay, trong đó hơn 50.000 liều đầu tiên sẽ về vào đầu tháng 2 . Dự kiến trong quý I/2021, vắc-xin này sẽ được tiêm cho người dân.
Người lao động