7 triệu chứng đột quỵ ai cũng có thể gặp phải: Nắm chắc để tăng cơ hội sống sót cho chính mình!
Đột quỵ có thể xảy đến với bất cứ ai trong chúng ta. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu ngầm của cơn đột quỵ có thể làm tăng cơ hội sống sót và khả năng phục hồi cho chính bạn.
- 05-04-2018Chuyên gia tim mạch: Nhiều trường hợp bị nguy hiểm vì uống An cung ngưu hoàn phòng đột quỵ
- 04-04-2018Báo Trung Quốc: An cung ngưu - thuốc người Việt tin dùng - không có tác dụng phòng đột quỵ
- 10-03-2018Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong
Theo một báo cáo do bác sỹ Đinh Quang Thanh – Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi đào tạo phục hồi chức năng cho các bác sỹ, kỹ thuật viên vào tháng 3/2018 tại Bệnh viện Thống Nhất, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở cả 2 giới nam và nữ tất cả các lứa tuổi. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 230.000 ca đột quỵ với chi phí y tế lên tới hơn 1.070 tỷ đồng.
Mặc dù hệ thống các đơn vị điều trị đột quỵ với các phương pháp can thiệp, điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong các giờ đầu giúp nhiều bệnh nhân được cứu sống (Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ tử vong đã giảm 17%) nhưng những di chứng sau đột quỵ vẫn là rất nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tì đè…
Tiến sỹ Andrew Stemer – Giám đốc chương trình nghiên cứu về đột quỵ tại bệnh viện Đại học MedStar Georgetown cho biết: “Trong lĩnh vực đột quỵ, thời gian chính là “bộ não”. Điều đó có nghĩa là, bạn càng mất nhiều thời gian để chữa trị sau khi trải qua cơn đột quỵ đồng nghĩa với cơn đột quỵ càng có nhiều cơ hội để gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho bạn. Cách phòng ngừa tốt nhất đó là nắm bắt được các triệu chứng sớm để đề phòng trước khi cơn đột quỵ có thể xảy đến.
7 triệu chứng sau đây một khi gặp phải bạn hãy tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức:
Bạn cảm thấy yếu hoặc tê một bên cơ thể
Đột nhiên mất sức mạnh hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ, đặc biệt là ở cánh tay và chân. Tại sao lại chỉ ở một bên của cơ thể? Đó là do mỗi bên của bộ não điều khiển phía đối diện của cơ thể. Vì vậy nếu bạn đang bị chảy máu ở phía bên phải bộ não thì phía trái của bạn sẽ biểu hiện các triệu chứng.
Một bên mặt của bạn bị "rũ xuống"
Một lần nữa, do phía não nào bị tổn thương sẽ xác định nên phía nào của khuôn mặt bị ảnh hưởng. Nếu đột nhiên thấy khóe miệng hay khóe mắt, má, nếp mũi một bên bị rũ xuống, miệng méo, nhân trung lệch so với bình thường, hay bạn không thể kiểm soát được nét mặt trên cả 2 bên mặt, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bạn gặp khó khăn khi đọc hoặc hiểu lời người khác nói
Não trái kiểm soát ngôn ngữ, vì vậy nếu xảy ra đột quỵ do não trái, bạn có thể bị mất khả năng ngôn ngữ (mất khả năng hiểu hoặc diễn đạt lời nói). Đây là triệu chứng đột quỵ ngôn ngữ phổ biến nhất, làm suy yếu khả năng xử lý từ ngữ của não bạn. Nó có thể ảnh hưởng đến cách bạn nói, khả năng hiểu những gì người khác nói, kỹ năng đọc hoặc viết của bạn…
Tất nhiên tất cả chúng ta đều có những giây phút bất chợt không thể nghĩ ra mình định nói gì và điều đó là hoàn toàn bình thường nhưng triệu chứng đột quỵ hoàn toàn khác, bạn sẽ cảm thấy thực sự hoảng hốt vì không thể nói được, các từ ngữ bạn nghĩ tới dường như mắc kẹt ở đầu lưỡi, hay khi bạn nghe thấy nhưng không thể hiểu những gì người khác đang nói. Đó là lúc bạn cần tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Bạn nói ngọng bất thường
Một triệu chứng đột quỵ khác liên quan đến khả năng ngôn ngữ nhưng ít phổ biến hơn, đó là khi bạn không thể kiểm soát các cơ cần thiết để phát ra các lời nói rõ ràng như bình thường. Bạn không thể điều khiển chúng theo cách bạn muốn, khi bạn muốn.
Bạn bị đau đầu dữ dội
Đau đầu dữ dội nhiều khả năng xảy ra trong các trường hợp đột quỵ xuất huyết, đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đừng lo sợ trước các cơn đau đầu thông thường. Nếu bạn có thể mô tả cơn đau đầu mình đang gặp phải là “cơn đau đầu tồi tệ nhất trong cuộc đời” hoặc nó xuất hiện trong chớp mắt, hãy chắc chắn bằng cách đi kiểm tra nó ngay.
Bạn không thể nhìn thấy một bên
Cũng giống như việc tê liệt hay bị yếu một bên, các vấn đề về thị giác thường cũng xảy ra ở một bên. Nhưng thay vì mất hẳn thị lực ở một mắt, bạn lại bị mất khả năng nhìn một bên ở cả hai mắt (ví dụ: cả 2 mắt đều không thể nhìn phía bên trái). Đó là bởi bản thân nhãn cầu và thần kinh thị giác là tốt, nhưng nơi mà thông tin ghi nhận được đến để được xử lý – là não bộ - thì có thể đã bị tổn thương. Bạn gặp vấn đề trong di chuyểnĐột quỵ có thể gây chóng mặt và mất khả năng phối hợp. Nếu bạn thấy tê hoặc yếu ở một bên chân, gặp khó khăn khi đi bộ hoặc đơn giản là đứng thẳng – thì đó có thể là triệu chứng thần kinh đáng báo động và xứng đáng để bạn tới bệnh viện ngay.