MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 trường châu Á nói lên điều gì?

25-10-2018 - 09:27 AM | Sống

Việc 7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 trường châu Á đã giúp các trường nhìn lại vị thế của mình để đưa ra giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của (Anh) vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS Asia 2018-2019 cho 505 trường đại học (ĐH) hàng đầu Châu Á. Theo đó, Việt Nam có thêm 1 trường ĐH lọt vào top 500 châu Á. Đó trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong 92 trường mới xuất hiện trên bảng xếp hạng QS Asia năm nay.

Thông tin này đã nâng số lượng trường của Việt Nam lọt top 500 trường châu Á lên 7 trường trong năm nay, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 trường châu Á nói lên điều gì? - Ảnh 1.

Vị trí xếp hạng của các trường đại học Việt Nam trong QS châu Á năm 2018- 2019

Kiểm định chất lượng sẽ giúp các trường nhìn lại mình

Đánh giá về bảng xếp hạng trên, TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Hiện nay, vẫn có người chưa nhìn nhận được thấu đáo vai trò của xếp hạng ĐH và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Thực tế, các nội dung này tham gia vào việc nâng cao chất lượng và thứ hạng các trường ĐH.

Nhìn ra thế giới, nếu nhìn câu chuyện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH trong một chỉnh thể thì xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục là 2 trong nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (external quality assurance - EQA).

Trong khi đó, để một trường ĐH phát triển đúng sứ mệnh, thiên chức của mình thì phải duy trì hài hòa cả các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong (internal quality assurance - IQA).

IQA là các hoạt động đảm bảo về quy trình đào tạo, nghiên cứu, đảm bảo về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, đảm bảo và giám sát việc thực hiện các nguyên tắc giáo dục và sư phạm trong trường ĐH. EQA và IQA là hai thành tố không thể tách rời trong công tác đảm bảo chất lượng ở các trường ĐH hiện nay.

Mục tiêu quan trọng nhất của xếp hạng ĐH là giúp các cơ sở GDĐH định vị mình trong mối tương quan với các cơ sở ĐH khác ở một số chiều cạnh quan trọng như: nghiên cứu khoa học, đào tạo, quốc tế hóa.

Từ đó đưa ra được những chỉ tiêu phát triển chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín trong cộng đồng. Dựa trên những thế mạnh của riêng mình, các trường ĐH có thể chủ động tham gia các hệ thống xếp hạng khác nhau để nhận diện vị thế của mình.

Theo TS Nghiêm Xuân Huy, mục tiêu tối thượng của kiểm định chất lượng là giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo chứ không thuần túy là để cấp một bản chứng nhận đạt chuẩn chất lượng.

Quá trình kiểm định là quá trình đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục ĐH thông qua những tiêu chí đánh giá chất lượng đã được công nhận và hệ thống hồ sơ minh chứng khách quan.

Kết quả quan trọng nhất của một đợt kiểm định là bản báo cáo đánh giá chất lượng cơ sở ĐH, trong đó chỉ rõ những mặt mạnh, những mặt cần khắc phục của cơ sở giáo dục, nêu rõ những khuyến cáo cụ thể để trường đó khắc phục những điểm tồn tại hạn chế, cải tiến chất lượng, thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Kiểm định thực chất là một khâu quan trọng trong tiến trình liên tục cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH.

Như vậy, xếp hạng ĐH là một phương thức đối sánh để trường ĐH tham khảo và đặt ra các chỉ tiêu phát triển theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Kiểm định chất lượng là phương thức đánh giá, khảo sát để nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện sứ mệnh, mục tiêu giáo dục của trường ĐH.

Cả hai yếu tố này vừa giúp trường ĐH liên tục cải tiến chất lượng toàn hệ thống, vừa tạo động lực để thực hiện các chỉ tiêu phát triển mũi nhọn, giúp trường ĐH nâng cao thứ hạng quốc tế.

7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 trường châu Á nói lên điều gì? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội

Trường ĐH phải cân đối nghiên cứu ứng dụng


Nhìn nhận về kết quả xếp hạng trên, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhận định, giáo dục ĐH của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực theo xu hướng không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng ở trong nước mà còn hướng tới đáp ứng tiêu chí quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống đánh giá các trường ĐH của QS có một số tiêu chí chưa chắc đã đồng nhất với tiêu chí đánh giá các trường ĐH ở trong nước.

Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus mà Việt Nam đáp ứng được tiêu chí thuộc về hệ thống các trường ĐH nghiên cứu hoạt động khoa học cơ bản. Điều này đã được chứng minh rất rõ khi một số trường ĐH khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật có thế mạnh trong việc có công bố quốc tế trên ISI/Scopus.

Còn về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có nhiều nghiên cứu mang tính chất ứng dụng, nghiên cứu cho những vùng miền, địa phương. Ví dụ một công trình nghiên cứu có thể rất tốt, đóng góp tích cực cho Việt Nam nhưng chưa chắc đã được công bố và đăng thải trên tạp chí ISI/Scopus được vì điều kiện, hoàn cảnh và mục tiêu của nghiên cứu có sự khác nhau.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, từ những điều trên cũng đưa ra cảnh báo với các trường ĐH là phải cân đối nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho nhu cầu phát triển ở trong nước với những nghiên cứu mang tính chất hội nhập, kết nối với quốc tế./.

Bảng xếp hạng QS Asia 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu châu Á cho thấy, trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong 92 trường mới xuất hiện trên bảng xếp hạng QS Asia năm nay. Trong năm đầu tiên tham gia, trường đã được xếp vào nhóm 291-300.

ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường ĐH Việt Nam; tiếp theo là ĐH Quốc gia TP HCM; ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Tôn Đức Thắng; ĐH Cần Thơ; ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

So với năm 2018, hai trường của Việt Nam tăng hạng rõ rệt, đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội từ vị trí 139 lên 124, tăng 15 bậc. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ vị trí 261 lên 270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP HCM giảm 2 bậc so với năm ngoái; Trường ĐH Cần Thơ từ nhóm 301-350 xuống nhóm 351-400. Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cũng tụt hạng. ĐH Huế từ nhóm 351-400 xuống nhóm 451-500; ĐH Đà Nẵng năm ngoái trên 400, năm nay xuông nhóm 451-500.

Theo Bích Lan

VOV

Trở lên trên