7 tuyến cao tốc thay đổi diện mạo đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của khu vực này lại chưa tương xứng với những ưu đãi mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Và người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn đau đáu với lời hứa của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân của ĐBSCL về hạ tầng cứng, về những con đường cao tốc liên kết vùng nơi đây…
- 19-10-2020Chuyên gia châu Á: Cơ hội chứng minh phong cách ngoại giao riêng của tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong chuyến thăm chính thức Việt Nam
- 18-10-2020Thủ tướng Nhật đã khởi hành chuyến công du đến Hà Nội
- 17-10-2020The ASEAN Post: 3 cơ sở giúp Việt Nam thay thế Indonesia, trở thành "đầu tàu" của ASEAN
Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo 304/TB-VPCP nêu rõ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tán thành với các địa phương và các Bộ, ngành về việc sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2031-2030, tầm nhìn 2050, dự kiến được phê duyệt vào cuối năm nay. Quy hoạch này cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là phát huy tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể các dự án giao thông trung hạn và dài hạn của vùng ĐBSCL, trong đó, lưu ý khi mở thêm tuyến giao thông mới phải phù hợp với thực tế, tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án giao thông BOT đã triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án và khả năng trả nợ ngân hàng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chủ động tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương mình, chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, bằng mọi biện pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 và "coi đây là quyết tâm chính trị của các địa phương đóng góp vào kết quả chung của cả nước".
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng.
Bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.
Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
Để có cơ sở triển khai huy động vốn, từng bước đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nêu trên, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
"Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện", công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký nêu rõ.
Trước đó, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng có lời hứa với 20 triệu người dân ĐBSCL về hạ tầng. Thủ tướng nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Đây là lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT, của Chính phủ. Chính phủ sẽ giải quyết đầy đủ các điều kiện về cơ chế chính sách, về kinh phí và chỉ yêu cầu tổ chức thực hiện cho nghiêm túc.
Công trường dự án xây dựng cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, khu vực hiện chỉ có 40km cao tốc TP HCM - Trung Lương (qua Tiền Giang, Long An). Để đáp ứng nhu cầu phát triển, 7 dự án cao tốc tại khu vực được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đầu tư, xây dựng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến cao tốc nằm trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự kiến, dự án sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 và cho ôtô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn chạy trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, sẽ được khởi công tháng 11 tới. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TPHCM đến Cần Thơ.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là một trong hai cao tốc trục dọc ở ĐBSCL sẽ đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh thành trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành...
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51km, rộng 17m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Công trình thông xe tạm trong tháng 10/2020. Tuyến đường này sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến "cao tốc Bắc - Nam phía Tây" vùng ĐBSCL.
Cao tốc Bắc-Nam phía Tây nói trên sẽ kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TPHCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua QL1A, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, rộng 17m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.
Tuyến Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang góp phần tạo thành trục "cao tốc Bắc - Nam phía Tây" dài hơn 130km.
Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây.Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành; trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46km, Hậu Giang hơn 23km và Sóc Trăng 25,5km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1...từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.
Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225km. Điểm đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu. Công trình tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.
Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ) và cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Bình Phước - TPHCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang).
Ngoài 7 dự án trên, Bộ GTVT cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc để làm cơ sở triển khai.
VGPnews