70 cán bộ hải quan, thuế dính chàm ra sao?
Trong tổng số 122 bị can bị truy tố ở ba vụ án kinh tế mới đây có tới 70 người nguyên là cán bộ hải quan, cán bộ thuế.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương lập kế hoạch kiểm tra, giám sát hai lĩnh vực thuế, hải quan. Nhân dịp này, chúng tôi phác họa lại những chiêu thức móc nối với cán bộ hải quan, thuế… của một số doanh nghiệp để chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Trong các tháng 3 và 5-2016, VKSND Tối cao, VKSND TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng đối với ba vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) xảy ra tại TP.HCM, An Giang và một số tỉnh, thành.
Trong tổng số 122 bị can bị truy tố ở ba vụ án có tới 70 người nguyên là cán bộ, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang), cán bộ Hải quan TP.HCM, cán bộ thuế…
Ba thủ đoạn quen thuộc
Theo một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, các doanh nghiệp (DN) thường áp dụng ba thủ đoạn.
Thứ nhất, thành lập DN tại Campuchia và Việt Nam, sau đó các DN này ký kết các hợp đồng ngoại thương với nhau để xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang Campuchia. Thứ hai, DN sử dụng pháp nhân của DN thành lập tại Việt Nam mua hóa đơn khống để hợp thức hóa đầu vào. Thứ ba, tạo dựng các chứng từ thanh toán hợp đồng ngoại thương thông qua việc tạo dựng chứng từ mang tiền từ Campuchia vào Việt Nam và thanh toán tiền từ tài khoản vãng lai của công ty ở Campuchia cho các công ty ở Việt Nam.
Tiếp đó, các DN này móc nối với cán bộ hải quan, thuế để lập các chứng từ xuất khẩu sang Campuchia lượng hàng hóa cao gấp nhiều lần so với lượng hàng thực chất xuất đi…
Đơn cử, ở vụ án Lê Thị Chi và đồng phạm, VKSND Tối cao đã có cáo trạng truy tố 52 bị can về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép hóa đơn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong số các bị can, có tới 34 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang).
Từ tháng 5-2011 đến tháng 3-2013, Lê Thị Chi (An Giang, giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Kim Chi) cùng các đồng phạm đã sử dụng pháp nhân của Công ty Kim Chi, Công ty Phương Phương Tùng và DN Dân Thành Đô để mua bán trái phép 2.381 hóa đơn thuế GTGT với nhiều DN tại An Giang, TP.HCM. Số tiền mua bán được ghi khống trên các hóa đơn là hơn 400 tỉ đồng.
Khi có hóa đơn, chứng từ thanh toán hàng hóa mua vào, Chi tiếp tục câu kết với hai công ty ở Campuchia để lập các hợp đồng thương mại xuất khẩu khống các mặt hàng như ĐTDĐ, đồ điện gia dụng, bột mì… với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn hơn 400 tỉ đồng, rồi lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT. Tổng cộng Chi được hoàn thuế gần 42 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.
Hải quan tiếp tay đắc lực
Để thực hiện trót lọt việc chiếm đoạt thuế, Chi đã câu kết với ông Nguyễn Thành Trí, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 8-2012 và người kế nhiệm là ông Nguyễn Văn Biên (Chi cục trưởng giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 10-2013). Hai ông Trí, Biên đã chỉ đạo cán bộ thuộc quyền xác nhận khống trên các tờ khai xuất khẩu hàng hóa của các công ty của Chi và đồng phạm. Đổi lại, Chi đồng ý chi cho phía hải quan 200.000 đồng/tờ khai hàng hóa xuất khẩu và 0,3% giá trị hàng hóa ghi trên tờ khai hải quan xuất khẩu.
Theo chỉ đạo của ông Trí, mỗi ngày số tiền “bồi dưỡng” nhận từ Chi được đội trưởng trong ca trực tập hợp lại, chia nhau theo tỉ lệ: chi cục trưởng 40%, chi cục phó 12%, đội trưởng và ba cán bộ trong ca trực mỗi người được chia 12%. Ngoài ra, ông Trí còn được Chi bồi dưỡng riêng ba lần, tổng cộng 15 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2010 đến 2013 có 34 lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã làm thủ tục, xác nhận khống, đóng dấu “hàng hóa đã xuất khẩu” hàng trăm tờ khai xuất khẩu khống về số lượng, hàng hóa cho ba công ty của Chi và nhận gần 1,7 tỉ đồng. Trong đó, ông Trí hưởng lợi bất chính 356 triệu đồng; ông Biên hưởng lợi 261 triệu đồng…
Lãnh đạo thuế biết sai vẫn làm
Tháng 9-2013, từ đề nghị của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ về việc có nhiều người tại các tỉnh Tây Nam Bộ thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn GTGT nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định Phạm Thanh Dũng lập các công ty Tân Thành Lợi, Tân Lợi Kim, Tân Thành Lợi An Phú tại xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Dũng đã mua 2.076 hóa đơn khống từ nhiều DN trong nước và sử dụng hóa đơn của ba DN do mình lập ra xuất cho nhau để tạo chứng từ, hồ sơ giả rồi làm giả hợp đồng ngoại thương, làm giả hồ sơ xuất khẩu. Với sự giúp sức của nhiều cán bộ hải quan và cán bộ thuế, Dũng đã chiếm đoạt 45,4 tỉ đồng tiền thuế.
Mỗi hồ sơ hoàn thuế Phạm Thanh Dũng đưa cho ông TĐĐ (phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang - đã mất năm 2013) 40 triệu đồng; đưa cho ông Nguyễn Thanh Tùng - nguyên trưởng phòng Kê khai kế toán thuế tỉnh An Giang 8 triệu đồng. Nhiều cán bộ khác của Cục Thuế tỉnh An Giang cũng đã nhận tiền của Dũng để giải quyết cho Công ty Tân Thành Lợi được hoàn thuế gần 24 tỉ đồng.
Tương tự, với mỗi hồ sơ Dũng chi 20 triệu đồng cho ông Võ Thanh Ngoan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện An Phú, An Giang và tặng quà, phong bì 5 triệu đồng cho ông Dương Hoàng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện An Phú. Từ tháng 8-2012 đến tháng 4-2013, ông Yến và ông Ngoan ký duyệt cho hai công ty của Dũng 20 lần hoàn thuế với tổng số tiền hơn 90 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong vụ này nhiều cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình, An Giang tiếp tục “dính chàm” khi nhận tiền của các công ty do Phạm Thanh Dũng làm giám đốc với tỉ lệ 0,3% tổng giá trị hàng xuất khẩu trên mỗi tờ khai xuất khẩu…
Một vụ án, 35 cán bộ hải quan bị truy tố
Tháng 3-2016, VKSND TP.HCM đã có cáo trạng truy tố 46 bị can trong vụ án Lê Dũng, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (có 51% vốn nhà nước, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) và đồng phạm chiếm đoạt gần 126 tỉ đồng của Nhà nước. Trong đó tiền đã được hoàn thuế GTGT là 80,3 tỉ đồng, còn 45,6 tỉ đồng đang hoàn chỉnh hồ sơ xin hoàn thuế thì bị phát hiện.
Trong 46 bị can truy tố có đến 35 bị can là cán bộ ngành hải quan (ba cán bộ hải quan TP.HCM và 32 cán bộ hải quan tỉnh An Giang).
Pháp luật TPHCM