MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

70% DN Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam

70% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng hoạt động trong tương lai, tăng gần 3% so với năm 2016.

Đây là kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tình hình hoạt động năm 2017 của DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được công bố ngày 6/2 tại TPHCM.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO chi nhánh TPHCM cho biết, kết quả khảo sát của JETRO nhận được phản hồi hợp lệ từ 4.630 DN Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại Việt Nam, có 652 phản hồi hợp lệ từ các DN Nhật Bản, trong đó có 2/3 là DN sản xuất, còn lại hoạt động lĩnh vực dịch vụ.

Theo kết quả khảo sát từ JETRO, tỷ lệ DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm % so với năm trước. Lợi nhuận của DN gia công xuất khẩu tương đối tốt, DN gia công xuất khẩu có lãi chiếm 67,5% tổng số DN.

Về triển vọng đầu tư, có khoảng 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm “mở rộng hoạt động”, đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác và tăng nhẹ so với năm 2016. Điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng. Về lý do mở rộng, 87,7% số DN cho rằng mở rộng do doanh thu tăng.

Các DN Nhật Bản cũng đánh giá những thuận lợi chính trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là: Quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị, xã hội ổn định và giá nhân công rẻ, tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết rào cản ngôn ngữ là đáng kể.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các DN Nhật Bản khi được khảo sát cũng nêu ra những rủi ro trong môi trường đầu tư. Theo đó, hơn 60% DN cho rằng “chi phí nhân công tăng cao” là một trong những trở ngại, cùng với đó là những trở ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp.

Một trở ngại nữa mà các DN Nhật Bản chỉ ra đó là khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam, khó quản lý được chất lượng

Theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng nội địa năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016, đạt tỷ lệ 33,2%,  thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (hơn 67%), Thái Lan (gần 57%), Indonesia (hơn 45%). Hơn nữa, trong 33,2% tỷ lệ cung ứng nội địa, DN bản địa chỉ cung ứng có 13,1%.

Về tình hình đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, trong năm 2017, tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản vượt mức kỷ lục với trên 9,11 tỷ USD.

Ông Takimoto Koji  cho biết, sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu nhờ các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện. Ngoài các dự án lớn thì các dự án đầu tư mới tiếp tục, chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

Cơ cấu ngành nghề đầu tư mới từ Nhật Bản gần như tương đồng với năm 2016. Tuy nhiên, có 2 điểm đáng lưu ý, đó là DN lĩnh vực chế tạo giảm khoảng 20%, từ mức 516 triệu USD (chiếm 59% tổng vốn đầu tư mới năm 2016) xuống còn 417 triệu USD năm 2017 (chiếm 40%); bất động sản tăng từ 7% tổng vốn đầu tư (năm 2016), tương đương 57 triệu USD, lên 23% năm 2017 với 232 triệu USD.

Theo Lê Anh

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên