MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước”

26-10-2023 - 14:34 PM | Kinh tế số

"Với khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, từ 10 năm trước, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn (những lĩnh vực mà gần đây Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam) và coi đó là cánh cửa để FPT mạnh mẽ tiến ra toàn cầu", Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú cho biết.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 1.

FPT được thành lập với một giấc mơ lớn và trở thành định hướng xuyên suốt 35 năm phát triển là giàu mạnh bằng khoa học - công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia.

“Chúng tôi xác định tập trung vào công nghệ và phát triển đội ngũ để bắt kịp cách mạng công nghệ - cứ 10 năm bắt đầu một lần - đang ở giai đoạn đầu, đồng thời thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo” , ông Vũ Anh Tú mô tả về thời điểm năm 2012, khi FPT bắt đầu định hình lại hoạt động công nghệ.

2012 cũng là năm đầu tiên FPT bổ nhiệm vị trí CTO, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ và sản phẩm. Và ngay từ giai đoạn này, FPT đã đặt những viên gạch đầu tiên để phát triển công nghệ bán dẫn và AI – hai lĩnh vực giờ đây đang bùng nổ.

Gia nhập FPT từ năm 2001 và đảm nhiệm vị trí CTO vào năm 2020, “Tiến sĩ Cisco” Vũ Anh Tú cho biết việc dẫn dắt sự phát triển công nghệ của một tập đoàn có hàng vạn chuyên gia công nghệ là nhiệm vụ khó, nhưng cũng đầy cảm hứng đối với ông. Hiện nay, FPT được cho là đang đứng trước “cơ hội vàng” khi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đi sâu hơn vào những ngành công nghệ then chốt.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 2.

FPT vừa kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9 vừa qua, CTO Vũ Anh Tú cũng đã có thời gian làm việc hơn 22 năm tại tập đoàn. Cá nhân ông nhận thấy đâu là sự thay đổi lớn nhất của FPT?

Nhìn lại 35 năm phát triển ở FPT, thời gian đầu, những giải pháp mà chúng tôi xây dựng tập trung rất nhiều vào các sản phẩm B2B ( dành cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp - PV ). Ví dụ như các phần mềm dành cho ngành thuế, kho bạc, phần mềm về hóa đơn trong ngành điện lực, phần mềm tính cước viễn thông. Gần đây nhất, FPT  xây dựng sản phẩm cho sàn giao dịch chứng khoán HoSE. Khi đó, chúng tôi cũng có những sản phẩm B2C (dành cho khách hàng cá nhân - PV) nhưng không nhiều. Người dùng cuối ít khi có cơ hội nhìn thấy sản phẩm của FPT, mà chỉ các tổ chức, doanh nghiệp mới biết.

Tới giai đoạn sau, FPT phát triển sản phẩm rộng hơn và nhiều hơn, bao gồm lĩnh vực B2C. Lúc này, người dùng mới bắt đầu trực tiếp nhìn thấy sản phẩm của chúng tôi.

Sự bùng nổ diễn ra vào giai đoạn 2019-2023, chúng tôi tạo ra và phát triển hơn 100 sản phẩm trong thời gian này. Trong số đó có những dự án đã được tách ra thành các P&L như: FPT.AI, akaBot, FPT Play, akaMes, akaChain, eduNext... hoặc đã spin-off như Utop, TranData, NamiTech. Hiện số lượng sản phẩm trong hệ sinh thái đã lên tới gần 200. (*)

P&L: Viết tắt của Profit & Loss - Lãi và Lỗ. Đề cập đến các dự án hạch toán tài chính độc lập.

Spin-off: Mô hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và tách khỏi tổ chức mẹ để bước đầu kinh doanh độc lập .

Như vậy, FPT đã phát triển chuỗi sản phẩm công nghệ lớn dần qua từng giai đoạn. Nếu trước đây công nghệ nằm trong những sản phẩm đứng phía sau, thì bây giờ chúng tồn tại trong các sản phẩm gần gũi hơn với người dùng hơn. Chúng tôi hy vọng số lượng sản phẩm sẽ lên tới hàng nghìn, trong đó có nhiều sản phẩm giá trị trên phạm vi toàn cầu.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 3.

Một tập đoàn công nghệ có tuổi đời 35 năm, với quy mô nhân sự lên tới 60.000, doanh thu hàng tỷ đô và phát triển khắp thế giới, theo ông, FPT có gặp phải những áp lực ngược nào đối với việc đổi mới?

Tôi nghĩ thay đổi luôn là điều khó khăn nhất đối với tất cả các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ. Bởi mỗi nhân viên đều có “vùng an toàn” và rất ít người muốn bước ra ngoài khu vực đấy.

Nhưng FPT có “DNA sáng tạo”, tức là mỗi nhân viên luôn được khuyến khích sáng tạo và đổi mới thông qua các chương trình nội bộ, điển hình là “iKhiến” ( giải thưởng tôn vinh các sáng tạo của người FPT - PV) . Sau gần 10 năm thực hiện, chương trình đã đem lại khoảng 5.500 sáng kiến trên toàn bộ FPT, giúp thu về những khoản lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Các sáng kiến đến từ những việc rất nhỏ, ví dụ như bạn thủ kho có thể nghĩ ra cách kiểm đếm nhanh hơn, sắp xếp cho các đối tác chuyển hàng đến đúng giờ… Tất cả đều được vinh danh, nhân rộng ở cấp tập đoàn và được đầu tư để phát triển.

Từ năm 2018 tới nay, chúng tôi có rất nhiều chương trình đổi mới sáng tạo nhằm phát triển hệ sinh thái sản phẩm của FPT. Thậm chí, có P&L được sinh ra từ sản phẩm như FPT Smart Cloud, khởi phát từ một đơn vị chuyên xây dựng các sản phẩm về AI, sau đó trở thành công ty đem lại kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Ông có thể chia sẻ đâu là sáng kiến điển hình, và cụ thể nó đã giúp tăng năng suất lao động cũng như tiết kiệm chi phí như thế nào?

Chúng tôi xây dựng hệ sinh thái “Made by FPT” bằng cách kích hoạt sự sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp nội bộ để mang lại thành công lớn hơn và đưa FPT tiến lên nấc thang tiếp theo trong chuỗi giá trị.

Năm 2014, FPT xây dựng chính sách dành cho các start-up nội bộ với tên gọi "Thành Cát Tư Hãn", áp dụng bí quyết của người sáng lập đế quốc Mông Cổ chia đều chiến lợi phẩm cho mình, cho tướng trận và quân sĩ, để “ai cũng có phần”, từ đó khuyến khích sức sáng tạo của nhân viên và thu hút được nhiều ý tưởng xuất sắc về công nghệ từ các nhân tài trong và ngoài tập đoàn…

Sau 5 năm tích luỹ, đến năm 2018, nội bộ FPT bắt đầu nở rộ các start-up và có những sản phẩm tiêu biểu như akaBot, akaChain… Giai đoạn 2019-2023 chứng kiến sự bùng nổ của các start-up với hơn 100 sản phẩm.

Đáng chú ý vào năm 2021, trong bối cảnh Covid-19, các nhân viên FPT đã xây dựng hệ thống kết nối những dự án cần người với cán bộ nhân viên có nhu cầu nhận thêm việc lúc rảnh với tên gọi X-Jobs. Sáng kiến này giúp đem lại hơn 10 triệu USD doanh thu. Trong năm 2023, 45 sáng kiến được thẩm định trong chương trình iKhiến dự kiến sẽ đem lại cho FPT hơn 1.000 tỷ đồng.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 4.

Theo đánh giá của ông, thành tựu quan trọng nhất trên hành trình 35 năm phát triển công nghệ của FPT là gì? Đâu là mục tiêu đề ra những vẫn chưa đạt được?

Công nghệ của FPT vẫn đi theo định hướng ban đầu là góp phần hưng thịnh quốc gia. Trong 35 năm qua, các sản phẩm công nghệ của FPT đã song hành với mỗi giai đoạn then chốt đất nước trên các lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế, thúc đẩy giáo dục.

Chúng tôi luôn trăn trở là làm sao các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" bước ra bản đồ số thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn cùng ngành.

Tháng 10 vừa qua, akaBot đã lọt vào Peak Matrix của Everest - tổ chức đánh giá và xếp hạng các sản phẩm công nghệ toàn cầu. Đây là sản phẩm tự động hoá đầu tiên của Việt Nam được ghi tên trong bảng xếp hạng danh giá này, cho thấy năng lực công nghệ của FPT và Việt Nam hoàn toàn có thể "ngồi chung mâm" với các công ty hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, UiPath, AA.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 5.

Trong suốt những năm theo đuổi mục tiêu phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đâu là điểm nghẽn lớn nhất cản trở FPT trên hành trình này? FPT đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Việc khó khăn nhất là xây dựng chính sách thật sự hấp dẫn để khuyến khích cán bộ nhân viên hăng hái khởi nghiệp. Để giải quyết việc này, không chỉ FPT, các công ty thành viên của tập đoàn đều có những chính sách riêng với mức tưởng thưởng xứng đáng cho start-up.

Chỉ nguồn lực nội bộ là chưa đủ, FPT cần mở rộng hệ sinh thái công nghệ. Do đó, chúng tôi xác định sẽ M&A với công ty hoặc các start-up công nghệ nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài việc phát triển nội lực thông qua các dự án start-up trong lòng tập đoàn, ông có nhắc đến việc M&A một số start-up công nghệ tiềm năng. Vậy làm sao để những công ty đó hòa hợp với văn hóa và cách phát triển của FPT?

Về M&A, FPT đã mua lại một số công ty tư vấn tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ, cùng một công ty rất lớn tại châu Âu. Ở Việt Nam, FPT cũng đầu tư tỷ trọng rất lớn vào Base. Sắp tới chúng tôi sẽ công bố những hợp tác vô cùng hấp dẫn khác của FPT.

Có một số điểm mà tôi nghĩ thuộc về văn hóa của FPT, trước hết là tinh thần tôn trọng đồng đội. Khi tham gia vào cùng các công ty khác, chúng tôi luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ về cách thức vận hành riêng.

Ví dụ như với Base, hai bên cùng hợp tác bán hàng và cùng nhau xây dựng sản phẩm, nhưng Base vẫn phát triển theo những kế hoạch rất đặc thù của họ. Dần dần, văn hóa của Base và FPT sẽ giống nhau, nhưng hoạt động của Base được giữ nguyên. Đội ngũ lãnh đạo của họ vẫn được sáng tạo và phát huy khả năng. Từ sự tôn trọng đồng đội như thế, các công ty khi tham gia cùng FPT vẫn phát triển rất tốt.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 6.

Ông đánh giá ra sao về cơ hội từ thị trường nước ngoài trong quá trình phát triển kinh doanh của FPT? Tại các thị trường lớn hiện tại, những sản phẩm cụ thể của FPT là gì và đang có vị trí như thế nào?

Đối với chúng tôi thị trường quốc tế là không giới hạn, vì những công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đang có doanh thu khoảng 50 - 60 tỷ USD/năm. Năm 2023, FPT sẽ đạt 1 tỷ USD từ thị trường toàn cầu và chúng tôi thấy còn rất nhiều cơ hội.

Chúng tôi có hàng trăm sản phẩm và đang mang lại nhiều giá trị cho nội bộ và các đối tượng phục vụ. Có 3 sản phẩm tôi đánh giá là nổi bật nhất trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất là chip bán dẫn. Dù mới ra nhập thị trường chip bán dẫn 1 năm, nhưng FPT Semiconductor đã liên tục nhận được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.

Năm nay, công ty sẽ cho ra mắt thêm 7 dòng chip mới. Năm 2024, sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT Platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, đeo tay, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Thứ hai là FPT.AI, chúng tôi sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện duy nhất tại Việt Nam, cung cấp hơn 20 giải pháp trong hệ sinh thái công nghệ AI cho 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước; phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối, mỗi tháng có hơn 200 triệu lượt sử dụng các sản phẩm và giải pháp.

Thứ ba, trong lĩnh vực phần mềm kỹ thuật ôtô - Autosar, FPT là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp toàn diện từ nguồn nhân lực chuyển đổi số đến các giải pháp theo chuẩn Autosar cho các đơn vị lớn trên thế giới. Sau 10 năm, FPT đã tham gia chuyển đổi số cho 60 khách hàng toàn cầu và mong muốn chiếm lĩnh thị trường 7 tỷ USD này.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 7.

Mới đây, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. FPT được cho là một trong các doanh nghiệp được hưởng lợi, khi phía Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành mới như công nghiệp bán dẫn hay AI. FPT đã chuẩn bị những gì để có thể tận dụng cơ hội này?

Nếu nhìn lại, quá trình đi ra toàn cầu của FPT đến bây giờ đã đạt một số mốc quan trọng. Cả quá trình đó chính là sự chuẩn bị rất tốt cho những cuộc gặp và trao đổi gần đây với phía Mỹ. Họ đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực như bán dẫn và AI, trong khi FPT đã nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm này từ hơn 10 năm trước.

Trong lĩnh vực AI, sản phẩm của chúng tôi đã được nhiều công ty lớn tại Mỹ hay Nhật Bản sử dụng và đem lại hiệu quả khác biệt. Chúng tôi cũng không ngừng mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu và công ty hàng đầu về AI như Viện Mila (Canada), công ty Landing AI (Mỹ).

Trong Diễn đàn Công nghệ FPT (FPT Techday) được tổ chức vào ngày 24-25/10 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chúng tôi đã công bố việc hợp tác với các đối tác quan trọng và ra mắt thế hệ AI mới, khẳng định sự đầu tư của FPT trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng đang xây dựng thung lũng AI tại Quy Nhơn để hiện thực hoá giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo ở khu vực.

Trong năm 2023, ĐH FPT mở khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt, dự kiến đón lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024. Đây sẽ là nền móng cho những hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi tin sự hợp tác này sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đi sâu hơn vào những ngành công nghệ then chốt như bán dẫn, AI và các công nghệ cao khác.

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 8.

Ông có thể nói sâu hơn về sự tham gia của FPT vào ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực rất “hot” hiện nay?

Ngành bán dẫn chia ra thành 3 phần: thứ nhất là thiết kế chip bán dẫn, thứ hai là các nhà máy để sản xuất, cuối cùng là đóng gói để thành sản phẩm chip cuối cùng.

Phần thiết kế hiện đem lại doanh thu chiếm khoảng 60% trong cả nền công nghiệp bán dẫn. FPT đang tập trung nhiều nhất vào phần này và chưa tham gia hai phần còn lại. Nhu cầu thiết kế các chip bán dẫn vô cùng lớn, bởi những thiết bị công nghệ và phương tiện hiện nay đều cần.

Do đó, những thứ FPT đang làm sẽ giải quyết vấn đề cốt lõi nhất của các thiết bị. Chúng tôi hy vọng với cách tiếp cận như thế, FPT sẽ thu hút lượng khách hàng vô cùng lớn, mở ra những cơ hội để đi sâu hơn vào ngành bán dẫn.

Vậy còn về hệ sinh thái AI của FPT và hiệu quả thực tiễn của nó trong việc phục vụ người dùng cuối là gì, thưa ông?

Các giải pháp của FPT.AI giúp doanh nghiệp cải thiện 60% năng suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu 47% chi phí vận hành, đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, sản xuất ô tô, nhà máy thông minh… ở Bắc Mỹ, Nhật Bản, Indonesia…

Hiện FPT đang liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến, mang đến một nền tảng AI thế hệ mới kiến tạo những giá trị đột phá cho doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng..

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 9.

Được biết ngày 28/10 tới đây, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ được khánh thành, với mục tiêu hỗ trợ các start-up cũng như doanh nghiệp nói chung. FPT sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình hỗ trợ và kết nối các đơn vị khi trung tâm đi vào hoạt động?

FPT tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể nhất, các sản phẩm của chúng tôi đã tham gia vào chuỗi sản phẩm giá trị của NIC, từ đó tạo ra một hệ sinh thái. Cũng thông qua trung tâm, các công ty có thể hỗ trợ nhau về mặt kinh doanh, kết nối trao đổi cách phát triển sản phẩm. Các hoạt động đều rất thực tế, không phải chỉ có gặp mặt hay hỗ trợ về cơ sở vật chất.

FPT cam kết đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự án này. Từ kinh nghiệm thực tiễn và tiềm lực của FPT, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ và làm bệ phóng cho các start-up Việt, đồng thời song hành với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển mạnh mẽ và có những hướng đi bền vững trong tương lai.

NIC được đặt tại Hòa Lạc - cũng là nơi đặt “đại bản doanh” rất mạnh của FPT từ sớm. Ông đánh giá như thế nào khi ngày càng nhiều tổ hợp như vậy xuất hiện ở Việt Nam?

FPT là đơn vị đầu tiên xây dựng mô hình “Campus - trường đại học” - doanh nghiệp phần mềm và trường đại học song hành trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin phù hợp với thực tế.

Tại Hoà Lạc, chúng tôi có 10 năm hiện diện và xây dựng tổ hợp trường đại học - campus xanh, tiện ích toàn diện, cao cấp với văn phòng bảo mật, canteen, sân golf, phòng gym, bể bơi, phòng nghỉ...

Có hàng chục nghìn sinh viên, học sinh và hơn 5.500 nhân viên đang học tập, làm việc trong một môi trường hiện đại và sáng tạo ở Hoà Lạc. FPT mong muốn xây dựng mô hình IT Campus xanh tại Hoà Lạc (Hola Park), tiến tới trở thành trung tâm nguồn lực của khu vực với đa văn hoá, đa trải nghiệm và đa quốc tịch.

Thực tế, sau khi FPT đóng đô tại Hoà Lạc, rất nhiều công ty đã về đây và xây dựng nơi này thành “Thung lũng Silicon” của Việt Nam. Tôi tin những mô hình như Hòa Lạc khi nhân rộng ra khắp nơi sẽ mang lại một diện mạo rất mới cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Ngoài Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, hiện FPT đã có các khu campus - trường đại học tại Khu Công nghệ cao quận 9 TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quy Nhơn…

70 triệu chip bán dẫn được đặt hàng, 20 triệu người dùng sản phẩm AI tại 15 quốc gia, CTO FPT Vũ Anh Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước” - Ảnh 10.

Sự ra đời và phát triển của các tổ chức như NIC đang cho thấy nỗ lực lớn từ các bộ ngành và chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên quy mô quốc gia. Trong thực tế, các xu hướng công nghệ lại thường xuất phát từ những quốc gia lớn. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tạo ra hoặc bắt kịp xu hướng công nghệ nhanh nhất?

Có thể thấy rõ là những quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều tập trung vào các công nghệ mới, công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ cao sẽ giúp các quốc gia như Việt Nam vượt lên bẫy thu nhập trung bình.

Với FPT, trong 25 năm toàn cầu hoá, chúng tôi đã hợp tác với nhiều tập đoàn lớn thuộc top Fortune 500 thế giới và giúp họ giải bài toán phát triển, phục vụ người dùng bằng công nghệ mới. Chính sự cọ xát này đã giúp FPT tiếp cận sâu hơn, xây dựng ra nhiều sản phẩm mới và đội ngũ nhân sự của chúng tôi cũng ngày càng tiến bộ.

Song song đó, chúng tôi cũng ươm mầm và phát triển tài năng trẻ bằng việc cấp học bổng cho nhân viên FPT, sinh viên Việt Nam tại các quốc gia dẫn đầu về công nghệ mới như Mỹ, Canada, Nhật Bản… Việc này giúp FPT có thể bổ sung các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trọng yếu phục vụ quá trình phát triển.

Tôi tin rằng với sự sáng tạo, trí tuệ của người Việt Nam được thể hiện qua những năm vừa rồi, chúng ta hoàn toàn tự tin là sẽ đặt được chân lên bản đồ công nghệ thế giới.

Rất cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ!

Theo Kỳ Anh - Ánh Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên