7.000 tỷ đồng cải tạo sông Tích: 16 nghìn ha đất nông nghiệp vẫn 'khát' nước
Dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) – (dự án cải tạo sông Tích) được phê duyệt với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng có mục tiêu cung cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng 11 năm nay, hàng trăm hộ dân không có nước tưới tiêu, sông Tích đang dần trở thành dòng sông “chết”.
Sông Tích chảy qua các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ). Nhiều năm trở lại đây, dòng sông Tích bị cạn kiệt do biến đổi địa chất.
Để cứu dòng sông Tích và tạo tuyến dẫn nước làm sạch sông Đáy, cung cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ trong mùa mưa, năm 2010, dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích được phê duyệt với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2010 đến 2015, nhưng dự án không đạt tiến độ nên ngày 4/3/2016, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án giai đoạn 1 đến năm 2020.
Tại xã Sơn Đà, xã Tòng Bạt, xã Thụy An (huyện Ba Vì) nơi có diện tích đất canh tác chủ yếu nằm ở vùng bãi sông thì nay nhiều đoạn trơ đáy. Bị đắp đập ngăn dòng chia thành nhiều đoạn khiến “con sông êm đềm” trước đây có nguy cơ thành sông “chết”.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ra văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội rà soát lại toàn bộ dự án và phối hợp với huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây để từ nay đến 30/6/2021, phải bàn giao được mặt bằng thi công.
Thêm bao nhiêu tiền để sông Tích thông dòng?
Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Trên thực tế khối lượng thi công nhiều hơn 1.600 tỷ đồng, ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng song do một số công trình đã thi công rồi nhưng không hoàn thiện nên chưa thể nghiệm thu được. “UBND huyện Ba Vì đang tập trung hoàn thành bàn giao diện tích còn lại để phục vụ thi công. Ngay khi nhận được mặt bằng liền tuyến, chúng tôi sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công. Dự kiến hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2022”, đại diện lãnh đạo Ban thông tin.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong GPMB có trách nhiệm quản lý đất đai tại huyện Ba Vì trước đây chưa chặt chẽ, phát sinh tình trạng trục lợi từ GPMB. Nhiều cán bộ đã tiếp tay hợp thức hóa sai phạm. Năm 2017, nhiều cán bộ xã và lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì đã phải hầu tòa, lĩnh án.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì cho biết thêm, trên địa bàn huyện hiện chưa có bản đồ địa chính chính quy nên việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Công tác GPMB đang được thực hiện trên cơ sở căn cứ duy nhất là bản đồ 299 đo vẽ năm 1986. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì đang tập trung phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với phần diện tích còn lại tại địa bàn các xã: Cam Thượng, Vật Lại, Cẩm Lĩnh, Tiên Phong trong tháng 4/2021. Đối với các hộ không nhận tiền và bàn giao mặt bằng, địa phương sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất trong quý II/2021.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ngoài vấn đề GPMB, quá trình thi công phát sinh nhiều hạng mục ngoài dự toán, Sở đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án thêm 500 tỷ đồng cho giai đoạn 1 chờ UBND thành phố phê duyệt.
Tiền phong