MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

75-80% những người đang được đào tạo sẽ làm các công việc chỉ tương lai mới có

Ngày 13/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh & Đầu tư ASEAN 2020 (ABIS 2020), các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực.

Người lao động cần có những kỹ năng mới

Thực tiễn cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay thế một lượng lớn người lao động, nhất là khi quá trình chuyển đổi số càng được thúc đẩy nhanh chóng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều công việc trước đây thực hiện bởi con người sẽ được tự động hóa hàng loạt và đồng bộ. Tại phiên thảo luận, các chuyên gia cho biết, có đến 75-80% những người đang được đào tạo sẽ không làm các công việc hiện có mà sẽ làm các công việc chỉ tương lai mới có.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Ted Osius, khi công nghệ có sự đột phá, một công việc mất đi thì nhiều công việc mới sẽ xuất hiện. Ví dụ như trong quá khứ, khi không có vận tải hàng không thì cũng không có nhu cầu về tiếp viên hàng không. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho người lao động là phải có những kỹ năng mới để thích ứng với các công việc mới trong tương lai.

Theo góc độ người sử dụng lao động, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn đến kỹ năng của người lao động. Đặc biệt, dưới tác động của Covid-19, các doanh nghiệp ý thức được rằng để có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt hiện nay thì phải có những kỹ năng mới. "Đây sẽ là yếu tố nội tại nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp", bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search khẳng định.

Tính chống chịu bền bỉ và tính linh hoạt

Các chuyên gia có cùng quan điểm, tính chống chịu bền bỉ và tính linh hoạt là những yếu tố mà người lao động cần có để thích ứng. Thông qua việc tự nhận thức, suy nghĩ sâu sắc, tư duy lạc quan, có mối quan hệ với các bên… người lao động có thể nâng cao khả năng của mình. Tất nhiên, những người làm giáo dục, gia đình và xã hội vẫn là giữ vai trò chủ chốt trong việc tạo ra lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu thời cuộc. Bà Mai đề xuất, các tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp nên hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn hóa những kỹ năng cần có.

Đồng thời, ông Ted Osius nhấn mạnh, giáo dục ngày nay phải giúp người lao động thích ứng với nhiều ngành nghề, nhiều tình huống khác nhau. Do đó, việc phát triển một bộ kỹ năng đa dạng ở người lao động là điều vô cùng cần thiết. Ông cho biết thêm, Google đang hợp tác trong chương trình đào tạo những kỹ năng phù hợp cho 150.000 sinh viên tại Việt Nam.

Song, theo bà Mai, trong giai đoạn Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội, "thế hệ trẻ thích ứng rất nhanh với các biến đổi và ứng dụng công nghệ, nhưng lại gặp nhiều những vấn đề về tâm lý". Bởi mọi người đều muốn gặp nhau, có sự tương tác trực tiếp giữa người với người nhưng lại phải thực hiện giãn cách xã hội, phải làm việc ở nhà và nói chuyện với một chiếc màn hình. Đây là một "cú sốc" đối với đội ngũ lao động nói chung.

Riêng đối với những người trẻ tuổi, vấn đề tâm lý càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, Việt Nam lại là một quốc gia có dân số trẻ, đại bộ phận người lao động hiện nay thuộc thế hệ Z. Vì vậy, xã hội phải xem xét đến tương lai lâu dài nên áp dụng công nghệ thế nào để giúp người lao động tăng khả năng kháng chịu và năng suất lao động, đóng góp vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều kỹ năng cần thiết không được dạy tại các trường đại học nhưng lại có ở các trung tâm dạy nghề. Vì vậy, giới trẻ cần chủ động trau dồi những kỹ năng quan trọng để có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Hoài Thương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên